Nuôi dưỡng sản phẩm của tập đoàn lớn
Hàn Quốc - một trong “bốn con rồng châu Á” - bứt phá về kinh tế phần lớn nhờ vào chiến lược phát triển sản phẩm chủ lực công nghiệp của Chính phủ. Sau năm 1961, Chính phủ Hàn Quốc thiết lập chính sách đầu tư mới đảm bảo cho các tập đoàn gia đình (chaebol - PV) có được các khoản vay từ ngân hàng và hưởng lợi về thuế. Vì thế, các chaebol phát triển trong một môi trường kinh tế được bảo vệ và sản phẩm trở nên có tính cạnh tranh quốc tế.
“Thành công kinh tế của Hàn Quốc nhờ sự phát triển ấn tượng của nền công nghiệp một phần dựa vào chính phủ và việc theo đuổi một nền kinh tế hướng đến xuất khẩu. Chính phủ đã nuôi dưỡng mối quan hệ gần gũi với các tập đoàn công nghiệp của gia đình đã thống trị nền kinh tế trong nhiều thập niên” - trích bài phân tích của Viện Phân tích quốc phòng Mỹ (IDA) trên Ida.org.
Chính phủ Hàn Quốc đã lựa chọn và nuôi dưỡng các sản phẩm chủ lực như tàu, xe hơi và chất bán dẫn. Theo thống kê năm 2012, sản phẩm đóng tàu của Hàn Quốc chiếm gần 50% thị phần toàn cầu. Năm 2013, Samsung trở thành công ty điện tử lớn nhất hành tinh. Tính đến năm 2015, Hàn Quốc là nhà sản xuất chất bán dẫn lớn thứ hai thế giới với sản phẩm thống trị là các con chip bộ nhớ đến từ các tập đoàn nổi tiếng Samsung Electronics, SK hynix và LG Display.
Một gian hàng bán sản phẩm thiết bị cầm tay của hàng Samsung. Ảnh: The Week
Để bắt kịp với xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, mới đây Chính phủ Hàn Quốc công bố sẽ tiếp tục đầu tư 260 tỷ won (233,1 triệu USD) vào ngành công nghiệp này. “Chính phủ sẽ nỗ lực hết sức để thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn vì nó có thể đóng một vai trò quan trọng trong các lĩnh vực tiềm năng, chẳng hạn như phương tiện thông minh” - Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc cho biết trên Koreabizwire.com.
Không bỏ quên các sản phẩm nhỏ
Các sản phẩm đầu ra của chaebol đã đem lại sức bật thần kỳ của nền kinh tế Hàn Quốc, nhưng sự thống trị của chaebol cũng đặt ra nhiều vấn đề cho “con rồng châu Á” này. Các chuyên gia Viện Nghiên cứu Nhật Bản (JRI) phân tích: “Đúng là chaebol đã đóng vai trò dẫn đầu trong việc tạo ra sự tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Tuy nhiên, cấu trúc kinh tế bị chi phối bởi chaebol đã làm gia tăng nhiều vấn đề như mức độ rủi ro cao mà các tập đoàn phải gánh chịu để tài trợ cho hoạt động kinh doanh quá sức của mình, hệ thống tài chính mỏng, mối quan hệ gần gũi giữa chính phủ với chaebol và sự phát triển chậm của các doanh nghiệp nhỏ”.
Vì thế, Chính phủ Hàn Quốc đã bắt đầu các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), khuyến khích sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm làm đẹp.
“Chính sách hỗ trợ xuất khẩu các sản phẩm nổi tiếng từ Samsung, LG và Hyundai-Kia của Chính phủ Hàn Quốc đã được xây dựng từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai; nhưng vào những năm 1990, nước này rơi vào khủng khoảng tài chính do giới ngân hàng cho các công ty lớn vay quá nhiều tiền. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã phải đồng ý gói cứu trợ 57 tỷ USD cho Hàn Quốc, một gói cứu trợ lớn nhất trong lịch sử và chính phủ phải xây dựng lại, đa dạng hóa nền kinh tế” - trích bài phân tích trên Nymag.com.
Cùng với sản phẩm điện tử và xe hơi, sản phẩm làm đẹp hiện là một trong những mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Hàn Quốc. Hành trình biến những thỏi son môi, mặt nạ dưỡng da... trở thành sản phẩm chủ lực đều có sự hỗ trợ của chính phủ. Ví dụ, những công ty chuyên xuất khẩu mỹ phẩm như Wishtrend được Hàn Quốc miễn thuế 10%. Các spa được hỗ trợ để trở thành điểm đến của khách du lịch. Chính phủ nước này còn hỗ trợ chi phí pháp lý cho các công ty khi cần bảo vệ thương hiệu mỹ phẩm ở nước ngoài.
Có thể thấy, sự phát triển các sản phẩm chủ lực của nền kinh tế Hàn Quốc không thể tách rời vai trò hỗ trợ thông minh của chính phủ. “Khi Chính phủ Hàn Quốc đứng đằng sau một ngành công nghiệp, họ sẽ tìm ra đủ loại quỹ để hỗ trợ mở rộng ngành đó” - Alicia Yoon, đồng sáng lập Peach & Lily, hãng bán lẻ mỹ phẩm trực tuyến của Hàn Quốc nói.