1kg enzym điều khiển tốc độ chín của trái cây do Việt Nam sản xuất đắt gấp 17 lần sản phẩm cùng loại của Đan Mạch, lại nhanh hỏng hơn.

Trong khi đó, chế phẩm enzym là một sản phẩm chủ yếu của công nghệ sinh học Việt Nam hiện nay và khả năng tiếp cận, làm chủ công nghệ mới của các nhà khoa học Việt không hề thấp.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, mỗi năm Việt Nam sản xuất hơn 7 triệu tấn trái cây. Hoạt động thương mại đòi hỏi phải kiểm soát được quá trình chín trái. Việc dùng hóa chất để trái cây chín nhanh hay chậm hơn là một yếu tố khiến mặt hàng này ít khả năng cạnh tranh. Nhu cầu thị trường và đòi hỏi về an toàn thực phẩm đang mở ra cơ hội lớn cho lĩnh vực sản xuất chế phẩm sinh học.

Hóa chất “đè” chế phẩm sinh học

Tiến sỹ (TS) Phạm Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho biết, các nhà khoa học Việt Nam đã làm chủ được công nghệ, tạo ra nhiều chế phẩm sinh học dùng trong ngành sản xuất cây ăn quả. Hiện các chế phẩm “made in Vietnam” có thể giúp tăng năng suất đến 15% và làm chậm quá trình chín của trái cây như vải, nhãn đến 12-15 ngày.

Các nghiên cứu viên của Viện Công nghệ thực phẩm đang điều chỉnh quá trình lên men sinh tổng hợp enzym amylasa bằng thiết bị lên men tự động. Ảnh: Lệ Hằng

Chẳng hạn, chế phẩm Kivica của Đại học Nông nghiệp Hà Nội có thể làm tăng chất lượng trái cây và trì hoãn quá trình chín tới 45 ngày đối với cam, quýt và 20 ngày đối với dứa. Chế phẩm CCM (cũng của Đại học Nông nghiệp Hà Nội) giúp giảm lượng trái rụng và làm chậm quá trình chín của mận tam hoa tới 20 ngày.

Các chế phẩm điều khiển tốc độ chín của trái cây này hoạt động theo cơ chế đối kháng của 2 nhóm chất kích thích sinh trưởng và ức chế sinh trưởng cây trồng. Việc hạn chế sản sinh ethylene - hormone nội sinh trong quả liên quan đến quá trình chín - giúp kéo dãn mùa vụ (đến 2 tháng sau thu hoạch đối với cam, quýt) và ngược lại. “Việc trì hoãn hay đẩy nhanh quá trình chín của trái cây theo ý muốn bằng chế phẩm sinh học không gây hại cho sức khỏe con người như các chất hóa học” - ông Tuấn giải thích.

PGS-TS Lê Đức Mạnh - Viện trưởng Viện Công nghiệp thực phẩm, Bộ Công Thương - cho biết, ngoài nông nghiệp, các chế phẩm enzym còn được ứng dụng trong chế biến thực phẩm, y dược, hóa mỹ phẩm... Hiện nhiều đơn vị nghiên cứu của Việt Nam - trong đó có Viện Công nghiệp thực phẩm - đã làm chủ công nghệ và sản xuất được các chế phẩm này.

Các nghiên cứu viên đang làm việc tại phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ tế bào thực vật (Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam). Ảnh: Lệ Hằng

Tuy nhiên, trên thực tế, các chế phẩm sinh học hiện nay rất ít được sử dụng. “Nguyên nhân là giá quá cao. Nếu dùng loại chế phẩm enzym bình thường nhất cũng phải chi 500 đồng/kg trái cây, trong khi nếu dùng hóa chất thì một tuýp giá 1.500 đồng đủ dùng cho cả tạ” - TS Phạm Anh Tuấn nói.

GS-TS Trương Nam Hải - Chủ tịch hội đồng ngành Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam - cũng chia sẻ, các nhà khoa học của viện từng thực hiện đề tài cấp nhà nước để tạo ra chế phẩm bảo quản thực phẩm tự tiêu và đáp ứng được tiêu chí an toàn thực phẩm, nhưng rất khó để đưa ra ứng dụng rộng rãi. Nguyên nhân là người kinh doanh thực phẩm thích bảo quản bằng các chất hóa học do nhanh, đơn giản và rẻ tiền hơn.

Giá cao, nhanh hỏng hơn hàng ngoại

PGS-TS Lê Đức Mạnh cho biết, các chế phẩm enzym do Việt Nam sản xuất đắt hơn nhiều so với hàng nhập khẩu châu Âu. Chẳng hạn, 1kg chế phẩm amylasa của Việt Nam có giá trên 2 triệu đồng, trong khi sản phẩm nhập khẩu cùng loại của hãng Novo, Đan Mạch được bán với giá chỉ 120.000 đồng.

Ông Mạnh lý giải: “Đan Mạch cũng như Mỹ, Nhật Bản, Đức... sản xuất được chế phẩm enzym rẻ do họ có một nền công nghiệp sinh học rất phát triển, đầu tư hiện đại, đội ngũ các nhà khoa học đông đảo và giàu kinh nghiệm. Họ dùng kỹ thuật gene biến nạp để tăng hoạt tính của chế phẩm, kéo dài thời gian bảo quản. Chế phẩm enzym của họ mua về dùng không hết có thể để góc nhà cả tháng, nhưng hàng Việt Nam nếu để 1 tuần sẽ mất gần hết hoạt tính.

Đo nồng độ DNA tại phòng giám định sinh vật và sản phẩm biến đổi gene tại Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Lệ Hằng

Nói như thế để thấy nếu chúng ta không đi sâu vào công nghệ gốc, công nghệ nền, không đầu tư bài bản cả về cơ sở vật chất lẫn nguồn nhân lực thì không bao giờ cạnh tranh nổi mà chỉ làm được phần ngọn, tức là ứng dụng enzym để sản xuất một sản phẩm nào đó, bảo quản một đối tượng nào đó”.

Còn GS-TS Trần Duy Quý - Viện trưởng Viện Nghiên cứu hợp tác khoa học kỹ thuật châu Á - Thái Bình Dương - cho rằng tình trạng các nhà khoa học phải độc hành trong mảng nghiên cứu này cũng là nguyên nhân khiến chế phẩm enzym Việt Nam đắt đỏ: “Về công nghệ, Việt Nam đã tiếp cận, làm chủ được nhưng mới dừng ở quy mô phòng thí nghiệm, chưa thành ngành công nghiệp sinh học, doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư nên chưa sản xuất đại trà được. Để thành ngành công nghiệp sinh học, cần đầu tư rất lớn và có nhiều ngành công nghiệp hỗ trợ kèm theo”.

GS -TS Trương Nam Hải thì khẳng định, chế phẩm sinh học sẽ không còn lép vế so với hóa chất nữa một khi nền sản xuất của chúng ta hướng đến sản phẩm chất lượng cao, bảo đảm an toàn thực phẩm, nghĩa là yêu cầu giám sát chặt chất lượng của sản phẩm ngay từ những khâu đầu tiên của quá trình sản xuất trở thành chuyện sống còn.