Khi năm 2022 khép lại, thay vì sự tĩnh lặng để nhìn lại một năm đã qua, tháng 12 lại là thời điểm mà giới công nghệ bỗng sôi sục vì sự xuất hiện của một “ngôi sao" mới: ChatGPT.

PIlya Sutskever, trái, nhà khoa học trưởng của OpenAI, cho biết: "Để tạo ra trí thông minh nhân tạo nói chung, bạn cần phải có hàng tỷ USD đầu tư". Bên phải ảnh là Greg Brockman, CTO của OpenAI.
Ilya Sutskever, trái, nhà khoa học trưởng của OpenAI, cho biết: "Để tạo ra trí thông minh nhân tạo nói chung, bạn cần phải có hàng tỷ USD đầu tư". Bên phải ảnh là Greg Brockman, CTO của OpenAI. Ảnh: OpenAI

Chúng ta đã quá quen thuộc với chatbot, một công cụ có thể giao tiếp, tương tác với con người thông qua trí tuệ nhân tạo đã được lập trình sẵn. Thông thường, những câu trả lời của chatbot khá máy móc và chỉ là những mẫu câu có sẵn. Mọi thứ đã thay đổi, ngày 30/11 vừa qua, công ty OpenAI đã cho ra mắt ChatGPT - ứng dụng chatbot sử dụng AI mới - loại bỏ dần những giới hạn về khả năng của một chương trình tự động hoá.

Trên khắp tất cả các diễn đàn công nghệ, mọi người hào hứng thảo luận về những gì mà họ thử nghiệm trên chatbot này. Các nhà báo của tờ New York Times đã yêu cầu nó viết một câu chuyện, và họ cho biết tác phẩm nó sáng tác hóa ra lại “khá hay”. Nhiều người yêu cầu nó viết một bài luận học thuật phức tạp về chủ nghĩa dân tộc, sáng tác một câu chuyện hư cấu đầy bi thảm về cuộc chiến giữa Ohio và Indiana, truyện cười, sáng tác nhạc, viết kịch bản phim truyền hình và thậm chí là sửa lỗi lập trình. Hơn một triệu người đang “chơi đùa" với ChatGPT, và mặc dù không phải lúc nào thông tin nó đưa ra cũng chính xác và có ý nghĩa, nhưng những người yêu công nghệ đánh giá rằng nó vẫn là một cây viết khá giỏi, và đôi khi còn là “một kẻ tự tin thích nói những điều nhảm nhí”.

Vài tuần trước, GS. Ethan Mollick (Trường Kinh doanh Wharton thuộc ĐH Pennsylvania, Hoa Kỳ) đã giao cho các sinh viên MBA (chương trình Thạc sĩ Quản trị kinh doanh) bài tập thử nghiệm với ChatGPT, xem liệu công nghệ này có thể viết một bài luận về một trong những chủ đề được thảo luận trong khóa học của ông hay không. Đáng ngạc nhiên, các bài luận được tạo ra bằng thuật toán — mặc dù không hoàn hảo — có nội dung khá hợp lý, Mollick nhớ lại. Những bài luận này đã vượt qua bài kiểm tra của Turnitin, một phần mềm chống đạo văn phổ biến.

Nếu bạn gõ từ khoá, tra cứu bằng Google, bạn sẽ thấy một loạt các liên kết được đề xuất. Trong khi đó ChatGPT sẽ cung cấp thông tin bằng những câu dù đơn giản, ngắn gọn nhưng vẫn rõ ràng. Nó có thể diễn giải các khái niệm theo cách mà mọi người có thể dễ dàng hiểu được. Bạn có thể nhập câu hỏi bằng ngôn ngữ đối thoại tự nhiên, chatbot sẽ tổng hợp khối lượng thông tin khổng lồ trên mạng, tận dụng các câu hỏi và câu trả lời trước đó làm cơ sở cho các câu trả lời tiếp theo.

Kể từ khi được phát hành vào ngày cuối cùng của tháng 11, ChatGPT đã được hơn 1 triệu người sử dụng. Một robot có thể làm bài tập thay bạn, giải đáp những thắc mắc của bạn. ChatGPT chứng minh cho mọi người thấy rằng những công nghệ tưởng chừng như thuộc về tương lai xa hoá ra lại đang rất gần.

Đảm bảo AI mang lại lợi ích thực sự

Ít người biết là Elon Musk từng đồng sáng lập nên OpenAI - công ty nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo đứng sau chatbot đột phá ChatGP. Musk đã hợp tác với Sam Altman - cựu chủ tịch Y Combinator, các chuyên gia công nghệ khác ở Thung lũng Silicon như Peter Thiel và nhà đồng sáng lập LinkedIn Reid Hoffman để thành lập nên OpenAI. Ban đầu, đội ngũ OpenAI xem đây “là một công ty nghiên cứu trí tuệ nhân tạo phi lợi nhuận. Sứ mệnh của OpenAI là đảm bảo trí thông minh nhân tạo nói chung mang lại lợi ích cho toàn nhân loại” một cách toàn diện.

"Thật khó để hiểu được AI có thể mang lại lợi ích cho xã hội đến mức nào, và cũng khó có thể tưởng tượng được nó có thể gây hại cho xã hội đến mức nào nếu chúng ta xây dựng hoặc sử dụng nó không đúng cách", đại diện Open AI viết. Lúc bấy giờ, Musk cho rằng AI là "mối đe dọa lớn nhất đang hiện hữu" đối với nhân loại.

Năm 2018, ba năm sau khi công ty ra đời, Elon Musk đã từ chức khỏi Hội đồng quản trị của OpenAI để tránh mọi xung đột về lợi ích trong tương lai khi Tesla tiếp tục mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Musk sau đó cho biết ông rời công ty vì "không đồng ý với một số điều [đội ngũ] OpenAI muốn làm". Tuy nhiên, OpenAI cho biết Musk vẫn là một cố vấn tích cực của công ty.

Vào năm 2019, OpenAI không còn là một công ty phi lợi nhuận. “Chúng tôi muốn tăng khả năng huy động vốn mà vẫn hiện thực hóa sứ mệnh của mình. Hiện tại chúng tôi không biết mô hình pháp lý nào hiện có có thể cân bằng hai yếu tố này. Giải pháp của chúng tôi là tái cấu trúc OpenAI dưới dạng kết hợp giữa lợi nhuận và phi lợi nhuận — mà chúng tôi gọi là công ty 'có giới hạn lợi nhuận'.” Theo đó, các nhà đầu tư có thể thu về số tiền gấp 100 lần số tiền gốc của họ nhưng không vượt quá số tiền đó, và phần lợi nhuận còn lại sẽ dành cho các hoạt động phi lợi nhuận. Các nhà đầu tư chiến lược quan trọng của OpenAI bao gồm Microsoft, quỹ từ thiện của Hoffman và Khosla Ventures.

Vào năm 2021, Open AI đã có một bước nhảy vọt khi phát triển DALL-E, một trong những công cụ AI tốt nhất có thể tạo ra một số kiệt tác hình ảnh. Và chỉ một năm sau, công ty ra mắt bản nâng cấp Dall-E2, cung cấp hình ảnh với độ phân giải và độ chính xác cao gấp 4 lần. Dall-E2 “là một hệ thống AI mới có thể tạo ra hình ảnh chân thực và nghệ thuật từ một mô tả bằng ngôn ngữ tự nhiên.” Với những nét vẽ nhanh nhẹn, bàn tay robot có thể vẽ nên những tác phẩm nghệ thuật kết hợp các khái niệm, thuộc tính và phong cách. Chưa dừng lại ở đó, Dall-E2 có thể phóng tác trên một tác phẩm nghệ thuật hiện có, tạo ra các biến thể khác nhau của tác phẩm gốc.

Hiện tại, sản phẩm mới nhất của công ty - ChatGPT vẫn đang là tâm điểm thảo luận trên các nền tảng mạng xã hội. Đây là bản nâng cấp của GPT-3 và GPT-3.5 - những sản phẩm đã ra mắt trước đó của công ty. Về cốt lõi, công nghệ này dựa trên một loại trí tuệ nhân tạo được gọi là mô hình ngôn ngữ, một hệ thống dự đoán có thể đoán những gì nó nên viết, dựa trên các văn bản trước đó mà nó đã xử lý. Các kỹ sư đã đào tạo AI bằng lượng dữ liệu cực lớn, phần lớn từ Internet. ChatGPT cũng đã được đào tạo từ những cuộc trò chuyện qua lại giữa con người, điều này giúp nó tạo ra một cuộc đối thoại tự nhiên hơn rất nhiều.

d
Nhiều người đã sử dụng ChatGPT như một công cụ hỏi đáp lập trình. Khi một lập trình viên yêu cầu ChatGPT tìm lỗi trong một chương trình, nó chỉ ra chính xác lỗi và nguyên nhân của nó, đồng thời tự động sửa lỗi và viết một chương trình chính xác.Ảnh: Wire19

Những tranh cãi

Về mặt lý thuyết, ChatGPT được thiết kế để không đưa ra những câu trả lời sai trái về mặt đạo đức, nhưng nó vẫn mắc chính những sai lầm mà các chatbot đi trước đã từng phạm phải.

Đúng vậy, ChatGPT không phải là chatbot AI đầu tiên trên thế giới. Một số công ty như Microsoft đã lao vào lĩnh vực này nhưng không gặt hái được nhiều thành công. Bot của Microsoft, Tay, ra mắt vào năm 2016 và trong vòng chưa đầy 24 giờ sau đó, người dùng Twitter đã dạy cho nó những luận điệu sai trái và các câu nói phân biệt chủng tộc. Không nằm ngoài xu thế, Meta đã thử sức mình khi phát hành BlenderBot 3 vào tháng 8. Tuy nhiên, giống như Tay, bot này đã bị chỉ trích vì lan truyền thông tin phân biệt chủng tộc, bài Do Thái và đưa tin sai lệch, chẳng hạn như tuyên bố rằng Donald Trump đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.

Để tránh những sai lầm này, OpenAI đã sử dụng API kiểm duyệt – một hệ thống kiểm duyệt dựa trên AI được đào tạo để hỗ trợ các nhà phát triển xác định xem câu trả lời và câu hỏi có vi phạm chính sách nội dung của OpenAI hay không. Tuy nhiên, OpenAI thừa nhận rằng vẫn có sai sót trong quá trình kiểm duyệt của họ và hệ thống không hoạt động chính xác 100%.

Bên cạnh việc đưa ra những câu trả lời, liên tục sử dụng những cụm từ giống nhau, ChatGPT còn có hạn chế lớn là cơ sở kiến ​​thức của nó chỉ được cập nhật đến hết năm 2021. Ngoài ra, không khó để lừa AI chia sẻ lời khuyên về cách tham gia vào tất cả các loại hoạt động lừa đảo và bất chính, đặc biệt nếu bạn yêu cầu chatbot viết tiểu thuyết.

Những hạn chế này giúp xoa dịu phần nào những mối lo ngại rằng AI sẽ thông minh đến mức cướp đi hàng loạt công việc và đe dọa sự an toàn của con người. Tuy vậy, khó có thể chối bỏ rằng AI ngày càng hoạt động tốt hơn và thậm chí phiên bản GPT hiện tại này đã có thể thực hiện rất tốt một số tác vụ nhất định. Để hiểu hơn, hãy cùng quay lại với bài kiểm tra của GS. Ethan Mollick, mặc dù hệ thống chắc chắn không đủ giỏi để đạt được điểm A, nhưng nó vẫn hoạt động khá tốt. Trong một bài kiểm tra mô phỏng kỳ thi SAT, ChatGPT cao điểm hơn 48% số người làm bài kiểm tra. Thậm chí, Kris Jordan, giáo sư khoa học máy tính tại UNC, chia sẻ rằng khi ông giao bài kiểm tra cuối kỳ cho GPT, chatbot đã nhận được điểm tuyệt đối, cao hơn nhiều so với điểm trung bình của các học sinh tham gia khóa học. Quả thật, ngay từ trước khi ChatGPT ra đời, nhiều học sinh đã sử dụng những phiên bản trước của hệ thống để làm bài tập, và giáo viên lẫn phần mềm chống đạo văn đều không nhận ra đây là lời giải của robot.

Rõ ràng ChatGPT đã vượt qua các giới hạn về khả năng của AI và đã mở ra một chương mới trong công nghệ AI và hệ thống máy học, từ đó đặt ra những câu hỏi: Liệu ChatGPT có bị học sinh biến thành cánh tay đắc lực để đối phó với những bài kiểm tra? Liệu các giáo viên có tìm ra cách để bắt kịp AI hay không? Đâu là công việc chúng ta muốn con người tự mình hoàn thành, và đâu là công việc chúng ta muốn AI thay thế?