Ứng dụng công nghệ kỹ thuật số đã trở thành xu thế tất yếu của các bảo tàng trên thế giới hiện nay. Trước làn sóng này các bảo tàng Việt Nam có thể làm gì để không bị tuột lại – đặc biệt là trong bối cảnh nguồn lực của chúng ta vẫn còn hạn chế?
Công nghệ kỹ thuật số đã chứng tỏ giá trị của chúng trong thời kỳ đại dịch bằng cách gắn kết mọi người lại với nhau, khuyến khích sự sáng tạo và cung cấp một không gian ảo để xây dựng những ý tưởng chung. Suốt thời kỳ giãn cách xã hội, Trung tâm Lịch sử Địa phương Carnikava (Latvia) đã kết nối với khán giả bằng cách đăng tải các video bài giảng trên trang Facebook của trung tâm hằng tuần. Những bài giảng về lịch sử địa phương này đã mang lại hiệu ứng tích cực, và khơi nguồn cho những ý tưởng mới nhằm đưa các chương trình giáo dục lên mạng.
Hướng kết nối của Trung tâm Lịch sử Địa phương Carnikava là cách thức phổ biến mà các bảo tàng trên thế giới đã áp dụng nhằm nối lại những tương tác đã bị đứt quãng trong suốt thời kỳ dịch bệnh vừa qua. Nhưng không phải đến khi Covid-19 kéo đến, các bảo tàng mới nhận ra tầm quan trọng của khoa học công nghệ trong trưng bày, quản lý và định hình ý nghĩa hiện vật. Tuy nhiên, việc ứng dụng sao cho hiệu quả, để các cuộc triển lãm không phải là một buổi ‘phô diễn công nghệ’ thực sự là một bài toán khó.
Chìa khóa cho bài toán đó, theo ông Andreas Baur, Giám đốc quản lý của Trung tâm Ars Electronica – Trung tâm Văn hóa, Giáo dục và Khoa học hoạt động trong lĩnh vực truyền thông mới, có trụ sở tại thành phố Linz (Áo) – chính là “một hệ sinh thái mà mối liên kết giữa nghệ thuật, công nghệ và cộng đồng là yếu tố cốt lõi”, như chia sẻ của ông tại hội thảo Các Phương Pháp ứng dụng tại Bảo tàng trong kỷ nguyên Kỹ thuật số được tổ chức tại Casa Italia (Hà Nội) vào tuần qua.
Hệ sinh thái xoay quanh bảo tàng
Theo ông Andreas Baur, không thể cứ áp dụng khoa học công nghệ vào công tác triển lãm một cách máy móc, bởi công nghệ chỉ là một công cụ để đạt đến mục tiêu “đưa nghệ thuật đến gần hơn với xúc cảm con người”. Chính vì vậy, Trung tâm Ars Electronica đã thành lập phòng R&D về nghệ thuật truyền thông đa ngành mang tên Futurelab, với phòng thí nghiệm quy mô lớn, hiện đại.
Phòng thí nghiệm là nơi các nhà khoa học nghiên cứu, phát triển để ra đời những giải pháp công nghệ điện tử. “Chúng tôi phối hợp với các nhà khoa học trong trường đại học, viện nghiên cứu để tìm kiếm các giải pháp phù hợp”, ông Baur cho biết. Trong một cuộc triển lãm liên quan đến cơ thể người, Trung tâm đã phối hợp với trường Y khoa để có được các kiến thức về giải phẫu, từ đó phát triển những công nghệ trưng bày mới phù hợp với lĩnh vực này. “Không thể tách rời khoa học với nghệ thuật”, ông cho hay. Để có được cái nhìn khách quan trước khi đưa vào ứng dụng trong thực tế, “trung tâm R&D của chúng tôi mở cửa đón khách tham quan mỗi năm với mong muốn có được những phản hồi về công nghệ mà chúng tôi đang sử dụng”.
Đồng tình với ý kiến này, Bà Jelena Jovanović, Trưởng Phòng Nội dung và Chiến lược xuất bản của Magister Art – đơn vị tổ chức triển lãm Magister Raffaello, nhân dịp kỷ niệm 500 năm ngày mất của danh họa Raffaello, tại Bảo tàng Hà Nội vào tháng 10 vừa qua, cho biết Magister Art cũng hướng đến đổi mới phương pháp trưng bày bằng cách tích hợp nghiên cứu và thử nghiệm. “Công nghệ không phải là đích đến, mà là công cụ phục vụ cho các diễn giải khác nhau”.
Với mong muốn thiết kế, hình thành không gian thưởng thức nghệ thuật mới thông qua các nền tảng số, họ đã phối hợp với cộng đồng khoa học để đưa ra được những giải pháp chính xác. Hiện vật không phải là một vật bị đóng khung bên trong ý nghĩa mà ta đã gán cho nó, nó là một thực thể tồn tại sinh động, là kết quả của sự giao thoa giữa “hình ảnh, ngôn từ, âm thanh…; và vì vậy nó cũng là sự giao thoa giữa tri thức của nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ, kiến trúc sư, diễn viên và đạo diễn”.
Trong cuộc triển lãm Magister Canova trước đây, bên cạnh việc sử dụng camera kéo dài di chuyển từ dưới lên trên để mang lại một tầm nhìn chi tiết, ban tổ chức còn mô phỏng toàn bộ quy trình tạc nên bức tượng Cupid and Psyche thông qua một cánh tay robot. Toàn bộ quá trình mô phỏng có thể kéo dài đến 70 giờ đồng hồ. Đây có thể xem là một dự án độc đáo, tùy chỉnh theo những khía cạnh duy biệt trong phong cách sáng tạo của nhà điêu khắc Ý Antonio Canova.
“Triển lãm không chỉ đáp ứng cảm nhận trực tiếp, mà còn tích hợp thêm không gian trải nghiệm, nhập vai, mà kết quả cuối cùng là sự đồng sáng tạo của khách tham quan theo từng cấp độ cảm nhận khác nhau”, bà Jovanović cho biết.
Thế nhưng công nghệ chỉ là một phần của câu chuyện, “chúng tôi muốn áp dụng khoa học một cách hợp lý mà vẫn giữ được tính nhân văn trong tác phẩm nghệ thuật” – ông Andreas Baur cho biết. Chính vì vậy, Trung tâm Ars Electronica đã thành lập một nền tảng cho chủ nghĩa nhân văn số, trong đó các nhà khoa học sẽ đưa ra những ý tưởng mới nhằm định hình lại các cách thức trưng bày, định nghĩa lại hiện vật và bộ sưu tập, cho phép các hình thức giám tuyển và đồng sáng tạo mới trong không gian bảo tàng, từ đó mang đến những trải nghiệm mới và có thể gợi ra những cảm giác sâu xa dành cho tác phẩm nghệ thuật.
“Ngoài ra, chúng tôi cũng hợp tác với các tổ chức phi chính phủ, xây dựng mối quan hệ với các đối tác thương mại, các bảo tàng quốc tế để tổ chức những cuộc triển lãm ở các nước châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản. Trong đó, việc hợp tác với Magister Art để tổ chức các buổi triển lãm như Magister Canova và Magister Raffaello là một ví dụ điển hình”, ông chia sẻ. “Đây là cơ hội để chúng tôi có thể hỗ trợ cho nhau”.
Bà Marcella Beccaria, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bảo tàng Đương đại Ý, Tổng giám tuyển Bảo tàng Nghệ thuật đương đại Castello di Rivoli, cho rằng việc xây dựng một hệ sinh thái liên kết giữa các tổ chức khoa học công nghệ, trung tâm nghệ thuật và cộng đồng là một hướng đi cần thiết, bởi “nền tảng số không phải là một nền tảng trung tính, nó thể hiện rõ quan điểm của những người thiết kế. Trong khi đó, mỗi người lại có những cách hiểu và nhìn nhận khác nhau”. Việc làm thế nào để truyền tải hiện vật, thực thể cần trưng bày đến người tham quan một cách khách quan như nó vốn có là một điều cực kỳ khó khăn. Nó liên quan đến tính năng và công nghệ áp dụng, góc độ chụp ảnh, chuyên môn của người thiết kế, lẫn sự trao đổi giữa nghệ sĩ và giám tuyển của cuộc triển lãm. Một hệ sinh thái kết nối giữa nghiên cứu và thử nghiệm, giữa các công ty công nghệ, nhà tổ chức, bảo tàng và nghệ sĩ sẽ là cơ hội để các bên cùng tham gia và đóng góp ý tưởng của mình.
Hạn chế về nguồn lực
Có mặt tại hội thảo, bà Trần Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học cho biết, trước những gì mà các tổ chức trên thế giới đã và đang ứng dụng, bà càng nhận ra rằng Bảo tàng Dân tộc học “đã lạc hậu với thời cuộc”. Dù ban quản lý của Bảo tàng vẫn luôn nhận thức được vai trò của khoa học trong công tác trưng bày, nhưng để có thể tiến đến ứng dụng khoa học công nghệ cao như vậy thì vẫn còn là một quãng đường rất xa.
“Chúng tôi luôn đặt nghiên cứu học thuật song hành với nghiệp vụ bảo tàng, đây là điều bắt buộc, bởi các cứ liệu khoa học là nền móng cho các hiện vật đang và sẽ được trưng bày tại Bảo tàng”. – bà chia sẻ. “Chúng tôi hiểu rằng phải gắn liền hiện vật với cộng đồng. Chính vì vậy, Bảo tàng rất thận trọng trong việc trưng bày, nếu không nó sẽ phá vỡ những cấu trúc, nền móng của một bảo tàng chú trọng vào nhân học và dân tộc học, cũng như coi chủ thể văn hóa là trung tâm”.
Trong quãng thời gian Covid-19 xảy đến, Bảo tàng đã quay lại những thước phim quá trình sửa chữa các ngôi nhà truyền thống để đăng tải lên mạng cho công chúng. “Nhưng chúng tôi không đủ nguồn lực để số hóa và đưa tất cả hiện vật lên mạng để mọi người có thể tham quan tại nhà. Thêm vào đó, nếu làm vậy, chẳng khác nào chúng tôi đã ký một bản ‘tử hình’ cho mình, vì chúng tôi vẫn phải dựa vào tiền bán vé để xoay sở tài chính cho các hoạt động của Bảo tàng”. – bà Hạnh cho biết.
Theo bà Hạnh, Bảo tàng đang gặp phải những hạn chế về nguồn lực, bao gồm việc cơ sở hạ tầng xuống cấp, kinh phí đầu tư duy trì và bảo dưỡng quá lớn, nguồn nhân lực tại chỗ thiếu và yếu - đặc biệt là nhân lực về công nghệ cao, thêm vào đó những chuyên gia công nghệ cũng ít am hiểu về các hoạt động của bảo tàng.
Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Tiến Đà, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội cho biết: “Khó khăn lớn nhất với chúng tôi hiện nay là kinh phí cho thiết bị. Toàn bộ hệ thống máy chủ và máy chiếu chuyên dụng lại lên tới hàng triệu đô-la, mua thì không có kinh phí, thuê thì cũng rất tốn kém. Nếu sử dụng ngân sách làm triển lãm mà không bán vé để thu hồi vốn thì rất khó thực hiện". Để tổ chức thành công một số cuộc triển lãm, Bảo tàng đã phải liên hệ với một số nhà tài trợ, một số đơn vị cung cấp phần mềm hỗ trợ miễn phí. Thêm vào đó, Bảo tàng cũng gặp khó khăn về nhân lực vận hành từ khâu chuẩn bị cho đến bảo trì, bảo dưỡng máy móc khi gặp sự cố.
Theo ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, những khó khăn đó là cơ hội để các bảo tàng Việt Nam chọn lựa công nghệ phù hợp với đặc thù của mình. “Trên thế giới hiện nay có khoảng 95.000 bảo tàng đã phải đóng cửa do Covid-19, và khoảng 10% trong số đó sẽ không bao giờ mở cửa trở lại. Dù nhiều bảo tàng đã nỗ lực trưng bày hiện vật lên mạng, nhưng không phải bảo tàng nào cũng thành công”, ông cho biết. “Các bảo tàng đang đối diện với một câu hỏi lớn: Cần phải đổi mới như thế nào để mang lại nhiều tương tác hơn, thu hút thêm nhiều sự quan tâm hơn? Tôi nghĩ để hỗ trợ các bảo tàng giải đáp điều này, thành phố Hà Nội nên đưa ra những chương trình để kết nối các tổ chức nghệ thuật với trường đại học, viện nghiên cứu và cả công chúng”.
Còn theo ông Andreas Baur, trong bối cảnh các bảo tàng Việt Nam đang đối diện với khó khăn về nguồn lực, họ có thể “vận dụng năng lực, khả năng hiện có của mình để khám phá phong cách của bảo tàng trong kỷ nguyên công nghệ số”.