Một báo cáo mới của Ủy ban châu Âu cho thấy việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động nghiên cứu khoa học ở Trung Quốc đã vượt qua EU và Mỹ. Vì vậy, báo cáo khuyến nghị EU cần đầu tư thêm kinh phí, cơ sở hạ tầng và đào tạo để thúc đẩy việc ứng dụng AI.
Theo báo cáo “Trí tuệ nhân tạo trong khoa học: hứa hẹn hay nguy cơ cho sự sáng tạo?” do Ủy ban châu Âu phối hợp với một nhà nghiên cứu ở Đại học Strasbourg thực hiện,“trong những năm gần đây, Trung Quốc đã dẫn đầu về việc ứng dụng AI trong nghiên cứu, vượt qua Mỹ và EU, không chỉ về số lượng mà còn về tính mới và tác động khoa học”.
Theo báo cáo, xem xét khoảng 3 triệu bài báo của Trung Quốc từ năm 2000-2022 nhận thấy tỷ lệ các bài báo sử dụng các công cụ AI hỗ trợ tăng vọt - từ mức chưa đầy 30% vào năm 2010 lên gần 40% vào năm 2022. Từ đó, số lượng công bố khoa học của Trung Quốc có sử dụng AI đã tăng vọt, đạt hơn 25.000 công bố vào năm 2022. Trong cùng năm, số lượng bài báo khoa học có sử dụng AI ở EU là khoảng 15.000 bài, ở Mỹ là khoảng 12.000. Trung Quốc cũng dẫn đầu về số lượng bài báo (có sử dụng công cụ AI) được trích dẫn nhiều nhất.
Hội đồng nghiên cứu AI của EU
Một số sáng kiến nhằm thúc đẩy việc ứng dụng AI trong khoa học đang được đề xuất tại EU, tuy nhiên hầu hết vẫn đang ở giai đoạn sơ khởi. Chẳng hạn, Ủy ban châu Âu đang tham vấn về việc xây dựng một chiến lược AI trong khoa học tại khu vực này.
Theo Ủy ban châu Âu, việc thành lập “CERN dành cho AI” - mô phỏng phòng thí nghiệm vật lý hạt nhân nổi tiếng của châu Âu, cũng góp phần đẩy nhanh quá trình ứng dụng AI trong nghiên cứu tại EU. Theo đề xuất này, EU sẽ đầu tư xây dựng bốn siêu nhà máy (gigafactory) AI, mỗi nhà máy có 100.000 chip tiên tiến - gấp bốn lần so với các nhà máy AI hiện nay, để đào tạo các mô hình AI mới.
Ngoài ra, Ủy ban châu Âu cũng đề xuất thành lập Hội đồng nghiên cứu AI châu Âu, với một kế hoạch thí điểm được công bố vào ngày 9/4 năm nay, dự kiến sẽ được triển khai vào năm sau nhằm biến châu Âu thành một “lục địa AI”.
Sáng kiến này “sẽ tập hợp các nguồn lực để mở rộng ranh giới công nghệ của AI cũng như khai thác tiềm năng công nghệ AI để góp phần tạo ra những đột phá khoa học”. Hiện nay, vẫn chưa có số liệu cụ thể về nguồn kinh phí đầu tư.
AI có thể giúp các nhà khoa học đánh giá, chọn lọc thông tin giữa vô vàn những bài báo khoa học mới. AI cũng có thể giúp xây dựng các bộ dữ liệu mới, hoặc hỗ trợ hoạt động quản lý nhàm chán, như điều phối các nhà khoa học trong một dự án.
|
AI có hữu ích không?Báo cáo của Ủy ban châu Âu cho rằng chưa có đánh giá toàn diện về tiềm năng của việc ứng dụng AI trong thúc đẩy tiến bộ khoa học.
Ngoài các công cụ như AlphaFold (công cụ AI dự đoán cấu trúc protein), AI cũng có thể hỗ trợ các nhà khoa học đánh giá, chọn lọc thông tin giữa vô vàn những bài báo khoa học mới. Người ta cũng có thể ứng dụng AI để xây dựng các bộ dữ liệu mới, hoặc hỗ trợ hoạt động quản lý nhàm chán, chẳng hạn điều phối các nhà khoa học trong một dự án.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra những hạn chế của AI. Chẳng hạn về mạng thần kinh nhân tạo - cốt lõi của công nghệ AI tiên tiến nhất hiện nay, người ta vẫn chưa hiểu rõ cách thức hoạt động của chúng, dẫn đến những nghi ngờ về những kết quả khoa học mà chúng tạo ra.
Các tác giả cũng cảnh báo nguy cơ “tư duy khuôn mẫu” khi lạm dụng AI, vì các nhà khoa học có thể bị giới hạn trong những giả thuyết có thể kiểm chứng bằng các công cụ AI.
Thúc đẩy tính mới
Để làm rõ vấn đề này, báo cáo đã tìm hiểu liệu AI có góp phần làm tăng tính mới hoặc tác động của bài báo nghiên cứu. Kết quả cho thấy các bài báo sử dụng AI có nhiều khả năng chứa các từ, cụm từ mới hoặc kết hợp cả hai - một biểu hiện của tính mới.
Các tác giả cũng nhận thấy số lượt trích dẫn các bài báo này cũng tăng 3%. “Phát hiện của chúng tôi cho thấy một góc nhìn lạc quan về những lợi ích mà AI có thể mang lại cho nghiên cứu khoa học”, nhóm tác giả viết trong báo cáo.
Tuy nhiên, theo các tác giả, có thể các nhóm nghiên cứu có nhiều ý tưởng mới hơn cũng sẵn sàng áp dụng AI hơn, chứ không phải các công cụ AI góp phần tăng tính mới của nghiên cứu.
Theo báo cáo, các công bố sử dụng AI của Trung Quốc có tính mới và số lượng trích dẫn cao hơn so với các công bố ở EU và Mỹ.
“Sự đầu tư mạnh mẽ của Trung Quốc vào nghiên cứu AI và cơ sở hạ tầng quy mô lớn đã giúp nước này trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về tính mới và tác động của các bài báo có sử dụng AI”, theo báo cáo.
Lục địa AI
Kế hoạch hành động Lục địa AI của Ủy ban châu Âu, được công bố vào ngày 9/4 năm nay, tập trung vào năm khía cạnh: xây dựng cơ sở hạ tầng, dữ liệu, đẩy mạnh ứng dụng AI, thu hút nhân tài và đơn giản hóa quy định.
Henna Virkkunen, Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu, cho biết lộ trình này sẽ giúp phát huy thế mạnh của châu Âu. “Thế mạnh của châu Âu là cộng đồng khoa học và các nhà nghiên cứu AI, nếu tính theo đầu người, chúng tôi có số lượng nhà nghiên cứu trong lĩnh vực AI lớn nhất trên thế giới”, bà nói.
Theo cam kết của Ủy ban châu Âu, họ đã lựa chọn phương pháp tiếp cận dựa trên rủi ro của Đạo luật AI, trong đó có một số nội dung vẫn cần sửa đổi, như việc cắt giảm một số gánh nặng hành chính hoặc nghĩa vụ báo cáo để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Ủy ban châu Âu cũng kêu gọi các bên quan tâm thành lập siêu nhà máy AI. EU hy vọng sẽ huy động được 20 tỷ Euro cho tối đa năm siêu nhà máy, với tỷ lệ đóng góp tùy theo sự quan tâm của các quốc gia thành viên và các nhà đầu tư tư nhân. Ủy ban châu Âu đã tổ chức hai cuộc tham vấn công khai, trong đó một cuộc tham vấn về đạo luật phát triển đám mây AI, một cuộc tham vấn về chiến lược ứng dụng AI trong tương lai.
Bà Virkkunen cũng xác nhận rằng Ủy ban châu Âu đang tiến hành xây dựng phiên bản mới của Đạo luật Chip EU, trong đó tập trung vào các chip AI tiên tiến. Vào tháng một năm nay, Mỹ đã công bố lệnh hạn chế xuất khẩu các bộ xử lý đồ họa tiên tiến, vốn rất quan trọng trong phát triển các mô hình AI, sang một số quốc gia EU.
Nguồn: Science Business
Bài đăng KH&PT số 1344 (số 20/2025)