Có một điều gì đó đang âm thầm rỗng hóa trong nền giáo dục của chúng ta - khoảng trống mà không một bảng điểm xuất sắc nào phản ánh được: đó là khi học sinh bước vào và bước ra khỏi cánh cửa đại học với một ngành nghề và một giấc mơ không thuộc về mình.
Sau những điểm số, chứng chỉ, thành tích,…, nhiều học sinh rơi vào khủng hoảng thầm lặng: phân vân giữa đam mê và kỳ vọng, hoài nghi chính mình, mất phương hướng nhưng không biết phải bắt đầu từ đâu, hay nói cùng ai; hoặc ngược lại, có thể chia sẻ và trao đổi rất nhiều, qua các mạng xã hội và mạng lưới quan hệ phong phú, nhưng lại không sao chạm đến được những câu trả lời mà chỉ bản thân mới có lời giải. Hay như Marx nói, con người bị tha hóa – không còn thấy mình trong công việc, học tập, hay cuộc sống của chính mình.
Giáo dục phổ thông ở Việt Nam, trong phần lớn trường hợp, chưa được thiết kế để khơi mở những câu hỏi bản thể: Tôi là ai? Tôi sống vì điều gì? Tôi muốn trở thành ai trong thế giới này? Những câu hỏi vốn quá rộng, quá khó để phân định đúng sai hay “chuẩn hóa”, nên thường bị trì hoãn hoặc bỏ qua. Hệ quả tất yếu là, phải đến khi rơi vào khủng hoảng hiện sinh, con người mới vùng vẫy tự tìm cách giải quyết, dù thường để lại hệ quả lâu dài.
Trong bối cảnh đó, không nên xem sự có mặt triết học như một môn học, mà như một lời mời tỉnh thức. Tìm hiểu triết không phải chỉ xoay quanh tiếp thu các hệ thống tư tưởng phức tạp Đông-Tây, mà nhằm khôi phục những giá trị đích thực của con người trong một thế giới đầy rẫy lựa chọn do máy móc đề xuất: năng lực đặt câu hỏi – một năng lực nguyên sơ, căn bản và cũng đẹp đẽ nhất mà không máy móc nào thay thế được. Khi một đứa trẻ hỏi “Tại sao con không được làm vậy?”, đó không phải là sự hỗn xược, mà là biểu hiện của một sự phản tư triết học. Khi một thiếu niên giằng co giữa việc chọn ngành yêu thích và ngành có thu nhập tốt và “bảo đảm tương lai”, em đang sống trong sự căng thẳng giữa hiện sinh và thực dụng – một vùng xám mà không bộ đề thi nào đo lường được. Chính trong vùng xám ấy, nhân cách bắt đầu thành hình.
Vì vậy, đến với triết học không chỉ là nhắm đến các hệ thống tư tưởng phong phú tự cổ chí kim, từ Đông sang Tây, mà kỳ thực là hành trình khám phá bản thân thông qua giao tiếp với các ý tưởng lớn, giúp người học phát triển tư duy cá nhân, năng lực phản biện và nuôi dưỡng một nhân cách độc lập. Triết học không chỉ đem lại hiểu biết về thế giới, mà còn hiểu về chính mình, từ đó tự chọn lấy một ý nghĩa và định hướng cho cuộc đời mình.
Triết học hiển nhiên không cung cấp các câu trả lời sẵn có, nhưng giúp các câu hỏi không bị đánh rơi giữa guồng máy hối hả sản tạo thành tích. Nó dạy con người được quyền phân vân, rằng không có chân lý nào đáng tin nếu nó chưa từng bị chất vấn: rằng không có “đáp án đúng” tuyệt đối, mà luôn có không gian để “nghĩ thử, nghĩ lại và nghĩ khác”; rằng tự do không phải là chọn bất kỳ thứ gì mình muốn, mà là biết vì sao mình chọn và có trách nhiệm với lựa chọn của mình. Giới thiệu triết học cho học sinh không phải để các em trở thành triết gia, mà là để mỗi em được trở thành con người – theo đúng ý nghĩa sâu sắc và có trách nhiệm nhất của từ ấy.
Khởi đầu bằng sự thay đổi nhỏ
Tuy nhiên, bởi chính giá trị này, triết học khiến người ta dè dặt đưa nó vào trường học: nỗi sợ – sợ những câu hỏi không có đáp án “đúng”, sợ sự bất định và không chắc chắn, sợ học sinh chất vấn và đặt câu hỏi, sợ phải thừa nhận rằng có những điều mà giáo viên hay người lớn cũng không tỏ tường. Nhưng cũng vì thế, triết học càng đáng được giữ gìn trong hệ thống giáo dục như một phép thực hành can đảm chấp nhận sự phức tạp của đời sống, can đảm bước vào vùng xám, can đảm đứng trước sự khác biệt mà không phán xét. Và trên hết, can đảm để học sinh được khác biệt mà không bị chối bỏ.
Vậy nên, tôi không cho rằng cần một phân môn “Triết học” riêng biệt trong chương trình phổ thông. Cái cần, theo tôi, là tinh thần và cách tiếp cận của triết học, lý tưởng nhất là một tư tưởng thâm nhập được vào các môn học, tiết dạy, và các cuộc trò chuyện trên lớp. Một tiết Ngữ văn không nên dừng ở bố cục và biện pháp tu từ, mà có thể mời học sinh suy tư: Nếu Chí Phèo không bị tước mất cơ hội làm người tử tế, liệu bi kịch có xảy ra? Một giờ Lịch sử không chỉ tái hiện sự kiện, mà có thể mở ra tưởng tượng: Nếu lịch sử là những khả thể chưa thành, chúng ta sẽ nhìn hiện tại khác đi thế nào? Một bài học Địa lý có thể đặt ra câu hỏi: Tại sao con người lại vẽ nên ranh giới quốc gia, và điều đó có ý nghĩa gì trong thời đại biến đổi khí hậu toàn cầu?
Triết học không cạnh tranh với các môn học khác. Nó chỉ là một nền móng giúp mọi tri thức không trở thành cơ giới, giúp giáo dục không trở thành nơi huấn luyện và “sản xuất”, và giúp con người không tha hóa trở thành một công cụ hay “phụ lục của máy móc”.
Nhưng để điều đó xảy ra, người thầy cần chuyển mình từ vai trò truyền đạt kiến thức sang vai trò của một người dẫn đường – người khơi mở tư duy, nuôi dưỡng sự tò mò và đồng hành cùng học sinh trong hành trình khám phá bản thân và thế giới.
Là một giảng viên, tôi từng chứng kiến những học sinh có học lực không quá xuất sắc bất ngờ thể hiện nổi bật trong một lớp học triết luận. Không phải vì các em đột ngột “giỏi” hơn theo nghĩa truyền thống, mà vì lần đầu tiên, nội dung học không yêu cầu ghi nhớ hay chọn đáp án đúng, mà khuyến khích suy nghĩ và đặt câu hỏi. Khi được đánh giá qua khả năng lý giải và phản biện thay vì điểm số, các em bắt đầu tham gia một cách chủ động, sử dụng chính kinh nghiệm và tư duy của mình để hiểu vấn đề.
Tôi cũng chỉ thực sự phát triển tư duy này khi học ở Pháp. Điều khiến tôi thay đổi không nằm ở khối lượng kiến thức, mà ở việc tổ chức cách học: sinh viên không chỉ tiếp cận hệ tư tưởng của Kant hay Hegel v.v. như những hệ thống khép kín, mà được mời gọi chất vấn, phản biện và phát triển lập trường cá nhân trên cơ sở lý lẽ. Sự trưởng thành đến không phải từ việc “hiểu đúng” một triết gia, mà từ quá trình tự kiểm định suy nghĩ của mình trong đối thoại học thuật. Nếu có điều gì duy trì được phẩm chất khai phóng trong giáo dục, thì đó chính là không gian nơi học sinh được học với tư cách một chủ thể có khả năng suy xét và được tôn trọng trong năng lực ấy.
Trong thế giới đầy biến động, triết học không trao cho con người tấm bản đồ, mà là năng lực để vẫn bước tiếp dù có hay không có tấm bản đồ trong tay. Nó không làm cho cuộc đời trở nên dễ hiểu hơn, nhưng giúp ta đủ can đảm để sống trong sự không hiểu ấy. “Phải tưởng tượng rằng Sisyphus hạnh phúc”, triết học không cứu con người khỏi sự phi lý - nó giúp tìm thấy giá trị của sự tồn tại bản thân, ý nghĩa cuộc sống, từ đó tránh rơi vào trầm cảm hoặc mất niềm tin vào cuộc sống. Hơn nữa, triết học cũng như một cái phanh, giúp giới trẻ có khả năng phản tư trước những thái độ, hành vi và tư duy quá độ – như bắt chước văn hóa nước ngoài một cách thiếu chọn lọc, hành xử quá khích, khệnh khạng, phô trương, đánh mất tự trọng và sự chừng mực. Thay vào đó, khuyến khích sự tự tin có nền tảng và tránh sự tự ti vô lối.
Có thể sẽ mất nhiều năm để triết học có vị trí xứng đáng trong hệ thống giáo dục Việt Nam. Nhưng chúng ta có thể bắt đầu từ hôm nay – không bằng một cải cách lớn, mà bằng một sự thay đổi nhỏ: hãy hỏi học sinh rằng các em đang nghĩ gì, khao khát gì, và lo sợ điều gì. Hãy để các em biết rằng câu hỏi của mình có giá trị, ngay cả khi chưa có lời đáp. Bởi chính trong tiến trình tìm kiếm ấy, bản thể của con người mới được hình thành.
Một nền giáo dục không giúp con người nhận ra mình là ai sẽ tiếp tục tạo ra những sinh viên mất phương hướng, những người trưởng thành hoang mang, và một xã hội sống bằng định hướng hơn là định vị. Ngược lại, một nền giáo dục biết mời gọi con người trở về với chính mình – đó là nơi triết học không chỉ được dạy, mà được sống.
Triết học không gieo hạt giống tri thức. Nó đánh thức hạt mầm hiện hữu. Và có lẽ, đó chính là sứ mệnh sâu xa nhất của giáo dục: giúp mỗi người can đảm bước vào hành trình trở thành chính mình.
Bài đăng KH&PT số 1347 (số 23/2025)