Việc thành lập tòa chuyên trách sở hữu trí tuệ (SHTT) như thế nào để đảm bảo hoạt động hiệu quả trong thực tế là bài toán mà các nhà quản lý vẫn đang đi tìm lời giải.

 Việc thành lập Tòa chuyên trách về sở hữu trí tuệ là một bước tiến cần thiết trong tiến trình cải cách tư pháp của Việt Nam trong bối cảnh kinh tế - xã hội mới.
Việc thành lập Tòa chuyên trách về sở hữu trí tuệ là một bước tiến cần thiết trong tiến trình cải cách tư pháp của Việt Nam trong bối cảnh kinh tế - xã hội mới.

Khi phán quyết cuối cùng về vụ tranh chấp nhãn hiệu nhựa Bình Minh được tuyên vào cuối tháng bốn vừa qua, cả doanh nghiệp lẫn giới chuyên môn gần như “không thể tin vào mắt mình”. Mọi việc bắt đầu khi Công ty CP Nhựa Bình Minh phát hiện Công ty CP Nhựa Bình Minh Việt sử dụng dấu hiệu “Bình Minh Việt” gắn trên sản phẩm ống nhựa, khiến nhiều người tiêu dùng nhầm lẫn với sản phẩm của nhựa Bình Minh. Để chắc chắn hơn, Công ty CP Nhựa Bình Minh đã nộp đơn yêu cầu giám định lên Viện Khoa học sở hữu trí tuệ - cơ quan giám định chuyên môn hàng đầu của Bộ KH&CN. Kết quả cho thấy có yếu tố xâm phạm quyền. Năm 2023, Cục Quản lý thị trường tỉnh Long An đã xử phạt hành chính một cửa hàng ở Long An vì buôn bán ống nhựa Bình Minh Việt - hàng hóa xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu nhựa Bình Minh.

Dù hàng loạt bằng chứng cho thấy hành vi xâm phạm của Công ty CP Nhựa Bình Minh Việt, song phán quyết ở cả tòa sơ thẩm và phúc thẩm lại đi theo hướng ngược lại: Tòa án cho rằng hai bên đều có dấu hiệu Bình Minh nhưng logo, nhãn hàng khác nhau nên không gây nhầm lẫn. Tòa cũng tuyên bố kết luận giám định của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ và quyết định xử phạt của cơ quan quản lý thị trường chỉ mang giá trị tham khảo, không phải là chứng cứ để giải quyết vụ án. “Điều này thực sự gây sốc cho giới chuyên môn và cộng đồng doanh nghiệp”, luật luật sư Nguyễn Vũ Quân và các cộng sự ở Kenfox IP & Law Office, nhận xét trong một bài viết trên Lexology. “Việc tòa án ban hành phán quyết đi ngược lại hoàn toàn các kết luận, quyết định xử phạt của cơ quan sở hữu trí tuệ, bất chấp mọi nỗ lực chứng minh trước đó, đồng nghĩa với việc phủ nhận toàn bộ công sức và nguồn lực đã bỏ ra, buộc chủ thể quyền phải tiếp tục hao tổn nguồn lực khổng lồ trong cuộc đua pháp lý đầy tốn kém và mệt mỏi, chỉ để thuyết phục tòa án về một sự thật vốn đã được chứng minh”.

Kết quả này cũng khiến không ít người hoài nghi về năng lực chuyên môn của hội đồng xét xử. “Trong vụ nhựa Bình Minh, hội đồng xét xử đã tám lần sử dụng khái niệm ‘logo’ - một thuật ngữ không hề tồn tại trong Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành”, luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law Firm - đơn vị đại diện pháp lý cho Công ty CP Nhựa Bình Minh, viết trên Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam. “Chi tiết này, dù nhỏ, nhưng phản ánh một thực tế lớn: tư pháp hiện nay chưa có đủ nền tảng - kỹ năng - kinh nghiệm để đảm đương vai trò ‘trọng tài công lý’ trong các tranh chấp liên quan đến sáng tạo, thương hiệu và đổi mới”.

Một nhu cầu cấp bách

Như vậy, lỗi sai thuộc về ai? Thực ra, khó có thể đổ lỗi cho một cá nhân cụ thể nào ở đây, bởi vấn đề nằm ở hệ thống tư pháp. Theo các chuyên gia, vụ án nhựa Bình Minh một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của tòa chuyên trách sở hữu trí tuệ tại Việt Nam. “Chúng tôi chia sẻ sâu sắc với các thẩm phán - những người buộc phải giải quyết những vụ án đặc thù mà không có tòa chuyên trách, không có hệ thống án lệ đủ mạnh, không có đội ngũ giám định viên chuyên sâu luôn đồng hành”, luật sư Trương Anh Tú bày tỏ. “Hệ quả là mỗi tòa một cách hiểu, mỗi vụ một kết luận, dẫn đến tính dự báo thấp và khiến doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, rơi vào tình trạng ‘ngồi trên lưỡi dao pháp lý’”.

Mong mỏi về một tòa chuyên trách sở hữu trí tuệ đang dần trở thành hiện thực. Theo dự thảo sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân đang được Quốc hội xem xét, tòa án nhân dân khu vực có thể thành lập tòa sở hữu trí tuệ. Việc thành lập do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định theo đề nghị của Chánh án tòa án nhân dân tối cao. Ngoài việc đáp ứng yêu cầu thực tế, đề xuất này cũng bám sát nội dung của Nghị quyết 68-NQ/TW về việc hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo đảm thực thi hợp đồng, giảm rủi ro pháp lý. “Điều đó cho thấy cải cách tư pháp trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ không còn là lựa chọn mà là mệnh lệnh từ thực tiễn lẫn chính sách”, luật sư Trương Anh Tú nhận xét.

Đây là một bước tiến lớn trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ ở Việt Nam. Đề xuất này đã nhận được nhiều sự ủng hộ của các chuyên gia cũng như các nhà quản lý. Trong phiên thảo luận của Quốc hội diễn ra vào sáng 19/5, đại biểu Thạch Phước Bình, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh bày tỏ sự tán thành, khẳng định việc thành lập tòa chuyên trách sở hữu trí tuệ là điều cần làm vì các vụ án về sở hữu trí tuệ thường có tính chất phức tạp, đòi hỏi kiến thức chuyên ngành. “Sự ra đời của tòa án sở hữu trí tuệ hứa hẹn sẽ cách mạng hóa cách thức giải quyết các tranh chấp về sở hữu trí tuệ, mang đến một quy trình pháp lý hiệu quả, chuyên sâu và dễ dự đoán hơn cho cả các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ trong và ngoài nước”, theo luật sư Nguyễn Vũ Quân.

Hiệu quả của mô hình tòa chuyên trách sở hữu trí tuệ đã được chứng minh ở nhiều quốc gia trên thế giới. “Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đều đã thành lập tòa sở hữu trí tuệ riêng biệt, hoặc ít nhất có các phòng xử án chuyên sâu, với thẩm phán, chuyên viên được đào tạo định kỳ, được hỗ trợ bởi hệ sinh thái chuyên môn gồm cơ quan giám định, Cục Sở hữu trí tuệ, các viện nghiên cứu”, luật sư Trương Anh Tú cho biết. “Tại Thái Lan, mô hình tòa sở hữu trí tuệ và thương mại quốc tế Thái Lan (Tòa IPIT) là một trong những mô hình tòa chuyên trách đóng vai trò quan trọng và hoạt động hiệu quả nhất của khu vực châu Á”, ThS. Phạm Minh Huyền ở trường Đại học Luật Hà Nội và ThS. Đinh Đồng Vang viết trên Tạp chí Dân chủ & Pháp luật vào năm 2020. Được thành lập từ năm 1997, Tòa IPIT là tòa chuyên trách về sở hữu trí tuệ đầu tiên ở Đông Nam Á.

Trong khi đó, việc xây dựng tòa chuyên biệt được coi là “trụ cột” tạo nên thành công của hệ thống sở hữu trí tuệ ở Trung Quốc. Theo báo cáo chỉ số sở hữu trí tuệ toàn cầu năm 2019 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), từ năm 2017, Trung Quốc đã vươn lên trở thành quốc gia có hoạt động sở hữu trí tuệ phát triển nhất thế giới, với số lượng đơn đăng ký sáng chế chiếm gần 50% tổng số đơn đăng ký sáng chế trên toàn cầu. Theo phân tích của luật sư Lê Quang Vinh trong bài viết đăng trên trang web của Công ty Sở hữu trí tuệ Bross và Cộng sự, một trong ba trụ cột giúp Trung Quốc làm được điều này là hệ thống tòa án chuyên trách về sở hữu trí tuệ: “Năm 2014, Trung Quốc bắt đầu thành lập và cho vận hành hệ thống tòa án chuyên trách về sở hữu trí tuệ tại ba trung tâm quan trọng là Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu. Đầu năm 2017, Trung Quốc lại tiếp tục thành lập các hội đồng xét xử (thuộc hệ thống tòa án hiện hành) chuyên về sở hữu trí tuệ ở bốn thành phố nữa”.

Những bước đi đầu tiên

Việc xét xử ở tòa chuyên trách có gì khác so với tòa án thông thường? Về mặt lý thuyết, quy trình giải quyết các vụ án sẽ được rút ngắn, đảm bảo công bằng, khách quan hơn. “Tòa án này, với những đặc điểm chuyên biệt, sẽ khắc phục những hạn chế của hệ thống hiện tại, tạo ra một khuôn khổ pháp lý vững chắc và hiệu quả hơn cho việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ”, luật sư Nguyễn Vũ Quân phân tích các đặc điểm chính của tòa chuyên trách về sở hữu trí tuệ. “Tòa chuyên trách sẽ có thẩm quyền xét xử sơ thẩm đối với các vụ án về sở hữu trí tuệ. Thẩm quyền tập trung này sẽ cho phép tòa án phát triển chuyên môn sâu và tinh giản quy trình xử lý vụ án. Ngoài ra, tòa chuyên trách về sở hữu trí tuệ sẽ được biên chế bởi các thẩm phán có trình độ chuyên môn cao và kinh nghiệm thực tiễn sâu rộng trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Đây là yếu tố then chốt để đảm bảo việc xem xét, đánh giá toàn diện các vụ việc phức tạp về sở hữu trí tuệ, từ đó đưa ra phán quyết chính xác, công bằng dựa trên cơ sở pháp lý vững chắc và các yếu tố kỹ thuật liên quan”.

Những lợi ích của tòa chuyên trách là việc không còn phải nghi ngờ. Tuy nhiên, liệu nó còn đúng trong bối cảnh Việt Nam? Nhiều người cho rằng tòa chuyên trách về sở hữu trí tuệ có lẽ chỉ cần thiết với những quốc gia phát triển, có hoạt động thương mại sôi động, kéo theo nhiều vụ kiện về sở hữu trí tuệ. Ở Việt Nam, hầu hết các vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được giải quyết bằng biện pháp hành chính, không nhiều vụ được đưa ra tòa. Chẳng hạn trong số 776 vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được các bộ, ngành giải quyết vào năm 2022, có đến 546 vụ được xử lý bằng biện pháp hành chính - theo báo cáo tình hình thực hiện Chương trình phối hợp hành động phòng chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Chương trình 168) do Bộ KH&CN công bố năm 2023. Như vậy, số vụ được xử lý bằng biện pháp dân sự vẫn còn chiếm tỉ lệ khá thấp.

Tuy nhiên, nếu đợi đến khi thị trường phát triển, nhu cầu giải quyết các vụ tranh chấp sở hữu trí tuệ tăng cao mới tiến hành thành lập tòa chuyên trách về sở hữu trí tuệ thì đã quá muộn. Bởi lẽ, quá trình xây dựng tòa chuyên trách về sở hữu trí tuệ là một hành trình dài, đòi hỏi chuẩn bị cả về nguồn nhân lực, các quy định hướng dẫn… “Bước đi này cần được triển khai đồng bộ với các cải cách khác: tăng cường đào tạo chuyên sâu, nâng cấp kỹ năng giám định, đẩy mạnh xét xử trực tuyến, cải tiến thủ tục tố tụng vốn còn rườm rà và thiếu công cụ đánh giá thiệt hại thực tế”, luật sư Trương Anh Tú nhận xét.

Những bước đi đầu tiên chắc chắn không dễ dàng, song đây là con đường mà Việt Nam buộc phải đi khi “sân chơi” quốc tế ngày càng mở rộng với những “luật chơi” mới. Trong các hiệp định thương mại thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia trong những năm gần đây, tất cả đều “siết chặt” các quy định về sở hữu trí tuệ. “Chúng ta đặt mục tiêu đưa đổi mới sáng tạo và công nghệ trở thành động lực tăng trưởng, thì càng cần một hệ thống tư pháp có năng lực bảo vệ sáng tạo. Không thể khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào R&D, nhãn hiệu, mô hình kinh doanh... nếu họ không được bảo vệ một cách nhất quán - minh bạch - hiệu quả khi quyền sở hữu bị xâm phạm”, theo luật sư Trương Anh Tú. “Thành lập tòa chuyên trách không chỉ giúp bảo vệ tốt hơn quyền lợi của các bên tranh chấp, mà còn góp phần hình thành án lệ chuẩn mực, cách hiểu thống nhất, giảm thiểu tranh chấp và gia tăng niềm tin vào tư pháp. Khi thị trường không còn phải đoán định các phán quyết, nền kinh tế sẽ bớt gián đoạn bởi những rủi ro pháp lý bất định”.

Để “ném đá dò đường” và tránh đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, nhiều chuyên gia đề xuất trong giai đoạn đầu, nên thành lập tòa chuyên trách một cách “chọn lọc”. Theo ông Thạch Phước Bình, việc thành lập tòa chuyên trách nên căn cứ vào số lượng trung bình các vụ án phát sinh trong ba năm liên tiếp trên địa bàn, đồng thời dựa vào nhu cầu thực tiễn, tính chất phát triển kinh tế xã hội của khu vực, trình độ chuyên môn của đội ngũ hội đồng thẩm phán và năng lực hạ tầng, cơ sở vật chất cùng các nguồn hỗ trợ khác. “Trong các phiên họp Quốc hội gần đây, một số đại biểu đã đề xuất triển khai thí điểm mô hình tòa án chuyên biệt về sở hữu trí tuệ tại các trung tâm kinh tế trọng điểm như Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM. Các chương trình thí điểm này sẽ cung cấp dữ liệu thực tế quý giá, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đánh giá kỹ lưỡng tính khả thi và hiệu quả hoạt động của tòa án trước khi triển khai toàn quốc”, luật sư Nguyễn Vũ Quân nhận xét.

Bài đăng KH&PT số 1345 (số 21/2025)

Tài liệu tham khảo: