Trong mô hình cho sinh viên vay nợ này, rủi ro được chia sẻ giữa sinh viên, nhà tài trợ, và các tổ chức giáo dục, thay vì dồn toàn bộ gánh nặng tài chính lên vai sinh viên hoặc ngân sách nhà nước.
Hồi năm cuối đại học, tôi được vào vòng cuối chương trình học bổng của một ngân hàng thương mại khá lớn ở Việt Nam. Đề bài thuyết trình yêu cầu thuyết minh một ý tưởng để cải tiến sản phẩm tài chính gắn với việc tạo ra giá trị cho cộng đồng. Tôi đề xuất một sản phẩm tín dụng hỗ trợ sinh viên vượt qua khó khăn tài chính khi học đại học
Tuy nhiên, những gì tôi nhận lại chỉ là sự dè chừng và ái ngại từ hội đồng xét tuyển. Một tuần sau, tôi nhận được kết quả, không ngạc nhiên, tôi đã trượt. Mặc dù không có lý do cụ thể, tôi hiểu rằng họ lo về rủi ro và sự bất đối xứng thông tin trong quan hệ tín dụng này.
Dù vậy, câu hỏi lớn cứ theo đuổi tôi: Làm sao để giảm gánh nặng tài chính cho sinh viên, gánh nặng cho ngân sách (hay cụ thể là cho những người đóng thuế) mà vẫn thu hút được sự tham gia của tư nhân? Nhiều năm sau, tôi biết đến mô hình Thỏa thuận chia sẻ thu nhập (Income Share Agreements – ISA) như một giải pháp linh hoạt và khả thi.
Thỏa thuận chia sẻ thu nhập là gì?
Thỏa thuận chia sẻ thu nhập thể hiện một sự thay đổi quan trọng trong tư duy về giáo dục và tài chính. Trong ISA, sinh viên không vay tiền với lãi suất cố định như các khoản vay truyền thống. Thay vào đó, họ nhận được sự hỗ trợ học phí từ một tổ chức (trường học, doanh nghiệp, hoặc tổ chức tài chính) và cam kết trả lại trong tương lai, thường chiếm từ 2%-5% thu nhập của họ trong một khoảng thời gian nhất định (phổ biến từ 5-10 năm).
Điều đặc biệt của ISA nằm ở tính linh hoạt và công bằng. Nếu thu nhập của sinh viên sau tốt nghiệp không đạt mức tối thiểu (threshold income), họ không phải trả gì trong khoảng thời gian đó. Tỷ lệ phần trăm thu nhập và thời gian trả nợ được thiết kế để không gây áp lực quá lớn lên người tham gia.
Lý thuyết về mô hình tài chính giáo dục đại học ISA được đề xuất lần đầu vào năm 1955 bởi nhà kinh tế học Milton Friedman, người nhận giải thưởng Nobel Kinh tế học năm 1976. Trong bài luận “The Role of Government in Education”, Friedman lập luận rằng ISA có thể giải quyết bài toán tài chính giáo dục đại học một cách hiệu quả hơn các khoản vay truyền thống (Friedman, 1955). Mô hình này chia sẻ rủi ro giữa sinh viên, nhà tài trợ, và các tổ chức giáo dục, thay vì dồn toàn bộ gánh nặng tài chính lên vai sinh viên hoặc ngân sách nhà nước. Ở tầm nhìn vĩ mô, ISA cho thấy khả năng huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân, giảm áp lực tài chính lên ngân sách công, đồng thời vẫn duy trì vai trò của giáo dục đại học như một hàng hóa công đặc biệt, phục vụ lợi ích chung của xã hội. Trong những thập kỷ gần đây, các nghiên cứu như của Palacios và DeSorrento (2019) đã chứng minh rằng ISA có thể giảm thiểu nguy cơ vỡ nợ và tạo động lực cho cả sinh viên lẫn các tổ chức tài trợ, khi thành công của hai bên gắn liền với nhau.
Một số chương trình nổi bật hiện nay như “Back a Boiler” của Purdue University hay BloomTech (trước đây là Lambda School) đã minh chứng cho hiệu quả của ISA. Những chương trình này không chỉ giúp sinh viên tiếp cận giáo dục mà còn cải thiện tỷ lệ tốt nghiệp và việc làm. Chi tiết cụ thể sẽ được người viết đề cập trong kỳ 2.
Vậy ISA có gì khác biệt?
Thứ nhất, nó giúp giảm rủi ro tài chính cho sinh viên. Với các khoản vay truyền thống, sinh viên phải trả nợ bất kể họ có việc làm hay không. Ngược lại, ISA cho phép sinh viên chỉ phải trả khi thu nhập của họ vượt một ngưỡng tối thiểu đã được thỏa thuận. Trong trường hợp thu nhập thấp hơn ngưỡng này, sinh viên sẽ không phải trả bất kỳ khoản nào, giúp giảm áp lực tài chính trong giai đoạn thu nhập thấp hoặc thất nghiệp.
Thứ hai, nó khuyến khích nâng cao chất lượng đào tạo. ISA tạo động lực để các tổ chức tài trợ, như trường học hoặc doanh nghiệp, đầu tư vào chất lượng đào tạo và hỗ trợ nghề nghiệp. Bởi lẽ, khả năng thu hồi vốn của họ phụ thuộc vào việc sinh viên có hoàn thành chương trình học, đạt được việc làm tốt và có thu nhập cao hay không.
Thứ ba, nó gắn kết chặt chẽ với thị trường lao động. ISA khuyến khích sự hợp tác giữa các cơ sở giáo dục và doanh nghiệp trong việc thiết kế chương trình đào tạo, đảm bảo các kỹ năng được giảng dạy phù hợp với nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động. Điều này không chỉ tăng cơ hội việc làm cho sinh viên mà còn cải thiện sự phù hợp giữa kỹ năng được đào tạo và yêu cầu công việc.
So sánh với các mô hình tín dụng sinh viên khácĐể hiểu hơn về ISA, hãy so sánh với hai mô hình tín dụng sinh viên phổ biến khác: tín dụng sinh viên truyền thống và tín dụng dựa trên thu nhập (ICL – Income Contigent Loan) mà tôi đã đề cập vài lần trên báo Khoa học và Phát triển.
Cụ thể, trong mô hình tín dụng sinh viên truyền thống, sinh viên vay một khoản tiền cố định, với một lãi suất cố định (hoặc biến động rất ít) và phải trả nợ theo lịch trình định sẵn với khoản thanh toán cố định và kèm theo lãi suất. Điều này tạo ra một áp lực tài chính đáng kể, đặc biệt đối với sinh viên chưa có việc làm, sinh viên có thu nhập thấp sau khi tốt nghiệp hoặc những tình huống khó khăn như thất nghiệp, tìm việc mới.
Ngược lại, ISA ràng buộc việc thanh toán với thu nhập thực tế của sinh viên. Nếu thu nhập thấp hơn ngưỡng tối thiểu, sinh viên sẽ không phải trả bất kỳ khoản nào trong thời gian đó. Điều này giúp giảm thiểu rủi ro tài chính và tạo sự linh hoạt hơn trong việc quản lý tài chính cá nhân.
So với chương trình tín dụng dựa trên thu nhập (ICL), ISA và ICL đều là các phương pháp tài trợ dựa trên thu nhập của người học, nhưng có những khác biệt quan trọng. ISA thường được cung cấp bởi các tổ chức tư nhân hoặc cơ sở giáo dục, trong khi ICL (hoặc IDR ở Mỹ) do chính phủ tài trợ. Một điểm khác biệt lớn là thời gian thanh toán: ISA có thời gian giới hạn, thường từ 5-10 năm, hoặc kết thúc khi đạt đến mức trần thanh toán, tức đạt đến số tiền tối đa hai bên thỏa thuận thanh toán. Ngược lại, ICL kéo dài cho đến khi toàn bộ khoản vay được thanh toán hoặc được xóa nợ sau một thời gian dài (thường là 20-25 năm) và số tiền được xóa nợ có thể phải chịu thuế.
ISA không yêu cầu trả lãi, thay vào đó người học trả một vài phần trăm thu nhập trong thời gian cam kết, giúp giảm áp lực tài chính và mang lại sự linh hoạt hơn, đặc biệt trong trường hợp thu nhập thấp. Rủi ro tài chính của ISA chủ yếu thuộc về tổ chức tài trợ, trong khi ở ICL, ngân sách nhà nước chịu rủi ro tài chính nếu người học không đủ thu nhập để hoàn trả khoản vay. Tuy nhiên, trong ICL, lãi suất tiếp tục tích lũy và có thể làm tăng tổng chi phí nếu không được thanh toán kịp thời.
Tiêu chí
|
ISA (Income Share Agreements)
|
ICL (Income Contingent Loans)
|
Tín dụng sinh viên truyền thống
|
Người tài trợ
|
Tư nhân (tổ chức tài chính, trường học)
|
Chính phủ
|
Chính phủ hoặc ngân hàng thương mại (được
chính phủ hỗ trợ hoặc bảo lãnh)
|
Hình thức thanh toán
|
Một tỷ lệ thu nhập cố định trong khoảng
thời gian giới hạn (thường 5-10 năm)
|
Thanh toán dựa trên thu
nhập, với lãi suất cố định,
kéo dài đến khi khoản vay được thanh toán hoặc xóa nợ
|
Thanh toán cố định hằng tháng với lãi
suất
|
Thời gian thanh toán
|
Giới hạn thời gian (kết thúc khi đạt mức
trần hoặc hết thời hạn cam kết)
|
Kéo dài (thường từ 20-25 năm hoặc đến
khi khoản vay được xóa nợ)
|
Theo thời hạn vay cố định
|
Áp lực tài chính
|
Linh hoạt: Không phải thanh toán nếu
thu nhập dưới ngưỡng tối thiểu
|
Linh hoạt: Không phải thanh toán nếu
thu nhập dưới ngưỡng tối thiểu
|
Cao: Phải trả nợ bất kể thu nhập
|
Lãi suất
|
Không có lãi suất
|
Lãi suất tích lũy, có thể làm tăng tổng
chi phí nếu không thanh toán kịp thời
|
Lãi suất cố định hoặc ưu đãi, có thể thấp
hơn thị trường
|
Rủi ro tài chính
|
Do tổ chức tài trợ chịu (thu nhập thấp,
không đủ hoàn trả)
|
Do ngân sách nhà nước chịu (nếu người học
không đủ thu nhập để trả)
|
Do chính phủ chịu một phần rủi ro
(thông qua bảo lãnh), nhưng sinh viên vẫn chịu phần lớn gánh nặng trả nợ
|
Sự linh hoạt
|
Cao: Chỉ trả nếu thu nhập đạt mức tối
thiểu và giới hạn thời gian
|
Trung bình: Linh hoạt theo thu nhập
nhưng có thể kéo dài nhiều năm
|
Thấp: Thanh toán cố định, không phụ thuộc
vào thu nhập
|
Nguồn lực tài trợ
|
Từ khu vực tư nhân
|
Từ ngân sách nhà nước
|
Từ ngân sách nhà nước
|
Mức độ công bằng
|
Cao: Gắn kết với thu nhập thực tế, hạn chế
gánh nặng ngân sách
|
Cao: Đảm bảo khả năng trả nợ dựa trên
thu nhập
|
Thấp: Không xét đến tình trạng thu nhập
sau tốt nghiệp
|
Bảng 1: So
sánh ISA, ICL và tín dụng sinh viên truyền thống
Như vậy ISA mang lại cách tiếp cận linh hoạt hơn trong tài chính giáo dục đại học. Ý tưởng này không chỉ tồn tại trên lý thuyết. Tại nhiều quốc gia, ISA đã được triển khai với những thành công và thách thức riêng. Thực trạng triển khai ISA tại các quốc gia trên thế giới sẽ được trình bày tại kỳ 2.
(Còn tiếp)
Tài liệu tham khảo
Friedman, M. (1955). The role of government in education.
Kelly, A. P., Palacios, M., & DeSorrento, T. (2014). Investing in value, sharing risk: Financing higher education through income share agreements.
Bài đăng KHPT số 1330 (số 6/2025)
Đọc thêm: