Sau 10 năm tổ chức, Ngày hội STEM đã thực sự phát triển thành một phong trào lớn theo mô hình cộng đồng và nuôi dưỡng tình yêu STEM cho hàng trăm nghìn học sinh phổ thông trên khắp cả nước.
Đốm lửa đầu tiên
Từ một bài viết năm 2013 của GS. Pierre Darriulat, nguyên Giám đốc Khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu (CERN), trên Tia Sáng đề cập việc hằng năm ở Pháp đều có các ngày hội khoa học cho trẻ em, ý tưởng về một ngày hội tương tự ở Việt Nam đã được nhen nhóm trong ban biên tập Tạp chí Tia sáng. Ý tưởng đó càng được củng cố khi ít lâu sau, một cộng tác viên Tia Sáng viết về giáo dục STEM như một “sân chơi khoa học” mới cho các em nhỏ. Cuối cùng, cơ duyên đến khi anh Nguyễn Thế Trung, Giám đốc Công ty DTT tới tìm chúng tôi và kết nối với những người bạn rất tuyệt vời như TS. Đặng Văn Sơn, Kỹ sư Đỗ Hoàng Sơn, những người cùng ấp ủ ước nguyện tổ chức một ngày hội STEM ở Việt Nam, ông Phạm Trần Lê, Giám đốc Trung tâm Báo Khoa học & Phát triển và Tia Sáng, chia sẻ tại Tọa đàm “10 năm Ngày hội STEM: Bồi đắp tình yêu khoa học từ khối phổ thông” do Tia Sáng và Đoàn Thanh niên Bộ KH&CN tổ chức ngày 17/5/2025.
Không lâu sau cuộc gặp, trong hai ngày 16 và 17/5/2015, Ngày hội STEM lần thứ nhất đã được Tia Sáng và những người bạn cùng chung tâm huyết với việc thúc đẩy giáo dục STEM tại Việt Nam - tự tập hợp lại với tên gọi chung là Liên minh STEM - tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ KH&CN. Tại Ngày hội, khoảng 2.000 học sinh tiểu học và THCS đã tham gia các hoạt động như biểu diễn STEM, thực hành STEM (thí nghiệm vật lý, hóa học vui; lập trình game và robot...), trò chuyện với các nhà khoa học và trưng bày sách hoặc đồ chơi trí tuệ.
Trong suốt những năm tiếp theo, Liên minh STEM luôn là thành phần nòng cốt trong việc tổ chức các Ngày hội STEM quốc gia, cùng với sự “góp lửa” của các trường đại học như ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội v.v cũng như sự đồng hành liên tục của Bộ KH&CN. Nhưng thường xuyên hơn, Liên minh STEM tự giao cho mình sứ mệnh mang đốm lửa “Ngày hội STEM” mới mẻ đến các trường, các địa phương; kết nối các nguồn lực; hỗ trợ tập huấn giáo viên và hướng dẫn tổ chức những ngày hội tương tự.
Lan tỏa tình yêu STEM
Qua 10 năm, đốm lửa STEM đến nay đã lan rộng đến gần 40 huyện, góp phần đào tạo hàng vạn giáo viên và chạm tới hàng trăm nghìn học sinh trên cả nước, theo chia sẻ của ông Phạm Trần Lê. “Các địa phương, ngay cả những khu vực vùng sâu, vùng xa, cũng mang những sản phẩm, hoạt động giáo dục STEM của họ về Hà Nội để trưng bày, trình diễn, đúng như cái tên của nó là ‘Ngày hội’,” TS. Đặng Văn Sơn, thành viên Ban điều hành Liên minh STEM, cho biết thêm. “Hội không phải đến để trao đổi một cách quá hàn lâm, học thuật mà hội thì phải vui, đến là các bạn được chơi và trải nghiệm.”
Không dừng ở quy mô một sự kiện thường niên của cả nước, Ngày hội STEM đã thực sự “phát triển thành một phong trào được nhân rộng theo mô hình cộng đồng” như kỳ vọng mà Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân chia sẻ ở lần tổ chức đầu tiên. Ngày hội STEM hiện đã trở thành hoạt động quen thuộc ở nhiều tỉnh/thành phố, huyện, xã và trường học, từ cấp tiểu học đến THPT.
Từ những hoạt động như vậy, rất nhiều “ngôi sao STEM” đã lộ diện và tỏa sáng trong các cuộc thi khoa học kỹ thuật, lập trình hay robotics trong nước và quốc tế. Cuối năm ngoái tại The Hague, Hà Lan, học sinh Việt Nam đã giành 23 huy chương Vàng, 9 huy chương Bạc và tám huy chương Đồng tại Olympic STEM quốc tế năm 2024 (International STEM Olympiad). Hay tại Giải Vô địch thế giới Robot VEX (VEX Robotics World Championship) vừa diễn ra tại Texas, Mỹ, các đội thi của Việt Nam cũng đã giành bảy giải thưởng.
Điều đáng mừng và cũng khiến không ít người bất ngờ là những thành tích đó không chỉ giới hạn ở những đội thi đến từ các trường chuyên hay trường ở các thành phố lớn với nguồn lực đầu tư dồi dào, đội ngũ giáo viên có chuyên môn cao và cơ sở vật chất dạy và học STEM hiện đại. Kỹ sư Đỗ Hoàng Sơn, một thành viên tâm huyết và lâu năm của Liên minh STEM, cho biết một trong những “vinh dự” của Liên minh là đã “đưa giáo dục STEM đến 24 huyện [trong số 74 huyện] nghèo nhất” cả nước như Văn Quan (Lạng Sơn), Na Hang (Tuyên Quang), Trùng Khánh (Cao Bằng). Đội thi từ những địa phương này đã đoạt nhiều giải cao trong các cuộc thi cấp quốc gia và quốc tế. Thậm chí, Trường THPT Chuyên Cao Bằng còn được coi như một “thế lực xuất sắc trong làng robotics Việt Nam” và khiến nhiều đội thi từ các trường quốc tế, trường chuyên khác luôn phải “dè chừng” tại các cuộc thi quốc gia. Mới nhất, Đội tuyển Robotics VEX V5 của Trường THPT Chuyên Cao Bằng đã đoạt hai giải thưởng tại Giải Vô địch thế giới Robot VEX 2025, trong đó có Giải thưởng của Ban giám khảo bảng Kỹ thuật - một trong những giải lớn nhất của Cuộc thi.
Quan trọng hơn, các Ngày hội STEM đã góp phần thay đổi cách dạy và học các môn khoa học tự nhiên ở bậc phổ thông. Thay vì cách tiếp cận thuần sách vở khô khan, thầy giảng học sinh làm bài tập như trước đây, các em được học thông qua thực hành, vận dụng một cách linh hoạt và sáng tạo tất cả những kinh nghiệm, kiến thức mình đã học để tạo ra những sản phẩm có thể phục vụ học tập và cuộc sống. Bồi đắp tình yêu và kỹ năng STEM cho học sinh cũng là yếu tố chủ chốt để phát triển nền khoa học và công nghệ của đất nước, đạt tới những mục tiêu trong Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Những mục tiêu mới
Không thể phủ nhận vai trò của các Ngày hội STEM trong việc khơi dậy và lan tỏa phong trào dạy và học STEM trên cả nước, nhưng đây không phải là thước đo chất lượng giáo dục STEM. Theo TS. Đặng Văn Sơn, để đánh giá hiệu quả thực sự của hoạt động giáo dục STEM ở bậc phổ thông, cần nhìn vào việc học sinh có tiếp tục chọn học các ngành khoa học tự nhiên và kỹ thuật ở bậc đại học không. Anh chỉ ra, trên thực tế, tỷ lệ học sinh lựa chọn thi các môn khoa học tự nhiên như Vật lý, Hóa học, Sinh học ở kỳ thi THPT quốc gia ngày càng giảm - ở kỳ thi năm 2024, tỷ lệ học sinh chọn làm bài thi Khoa học tự nhiên chỉ chiếm 37% - và nhiều ngành khoa học cơ bản ở trường đại học vẫn “khát” sinh viên. Theo anh, đây là một thất bại của giáo dục STEM mà chúng ta cần thừa nhận. Vậy phải làm gì để các hoạt động giáo dục STEM trở nên hiệu quả hơn?
TS. Đặng Văn Sơn nêu một số đề xuất, theo đó trước hết cần thống nhất cách hiểu về giáo dục STEM ở phổ thông. “Địa phương hiện nay vẫn đang hiểu rất mơ hồ về giáo dục STEM”, có những trường coi STEM là một môn học mới, nơi khác lại coi là hoạt động ngoại khóa hay thậm chí là giáo dục kỹ năng sống. Anh bày tỏ quan điểm, giáo dục STEM không nhất thiết phải là một môn học hay hoạt động riêng biệt mà mang ý nghĩa chính sách nhiều hơn - tức là những cách thức dạy và học để nuôi dưỡng tình yêu của học sinh với khoa học kỹ thuật và khuyến khích các em tiếp tục học, và theo đuổi công việc trong những lĩnh vực này trong tương lai.
Anh cũng mong muốn học sinh sẽ có nhiều không gian để học tập và trải nghiệm các hoạt động STEM hơn. Bên cạnh các phòng thí nghiệm hay phòng học STEM trong trường, cần tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận các trung tâm khoa học hay bảo tàng ở chính nơi các em sinh sống. Sau khi Nghị quyết 57-NQ/TW được ban hành, ngân sách dành cho khoa học và công nghệ sẽ tăng lên rất nhiều, chiếm tới 3% mức chi thường xuyên của các địa phương. TS. Đặng Văn Sơn gợi ý, ngân sách này có thể được dùng để xây dựng và tổ chức các trung tâm khoa học và công nghệ ở địa phương, thay vì chỉ có một vài trung tâm tập trung ở các thành phố lớn như hiện tại.
Lý giải việc học sinh còn ngại thi các môn khoa học tự nhiên và theo đuổi một số ngành khoa học - kỹ thuật, nhiều diễn giả tại Tọa đàm cho rằng chủ yếu do các em nghĩ đây là những lĩnh vực khó, khô khan và không có nhiều cơ hội việc làm. Vì vậy, nên có các hỗ trợ tài chính cho cả sinh viên và cơ sở đào tạo các ngành STEM, cũng như cân nhắc có chính sách tuyển thẳng những học sinh có giải thưởng tại các cuộc thi khoa học, kỹ thuật hoặc với các dự án, chứng chỉ STEM phù hợp.
Ngoài ra, cần nâng cao kiến thức và kỹ năng của đội ngũ giáo viên phụ trách các hoạt động giáo dục STEM. Cô Đặng Thu Hà, giáo viên môn Công nghệ tại Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, khẳng định việc liên tục học tập và trau dồi kiến thức là trách nhiệm của mỗi giáo viên, bởi “kiến thức chúng ta đã được học từ thế kỷ trước không đủ để dạy cho công dân của thế kỷ hiện tại, cho bản thân mình dùng cũng không đủ”. Tuy nhiên, việc tham gia các chương trình đào tạo kéo dài do các trường đại học tổ chức như hiện nay là không khả thi về thời gian và kinh phí với các giáo viên phổ thông. Vì vậy, nên thay bằng các khóa học ngắn về các nội dung cốt lõi và thiết yếu của giáo dục STEM và có các ưu đãi về học phí hoặc miễn phí cho giáo viên phổ thông.
Nhìn lại chặng đường 10 năm thắp và giữ ngọn lửa STEM cho học sinh phổ thông, TS. Đặng Văn Sơn khiêm tốn đánh giá những đóng góp của Liên minh STEM chỉ nhỏ bé như hạt cát. Nhưng PGS. TS. Phạm Ngọc Điệp, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), người từng tham gia nhiều Ngày hội STEM quốc gia, khẳng định dù đóng góp đó có là hạt cát thì cũng phải là sa thạch chứ không thể là hạt cát thông thường.
Bài đăng KH&PT số 1345 (số 21/2025)