Tại cuộc toạ đàm “Nghề khoa học, cơ hội và thách thức đối với cán bộ trẻ” do Đoàn Thanh niên Bộ KH&CN tổ chức vào ngày 18/12 vừa qua, nhiều nhà khoa học trẻ cho rằng điều mà họ cần là sự khuyến khích và tin cậy của các nhà quản lý và những chính sách hỗ trợ để có thể theo nghề.

Ảnh: PV
Ảnh: PV

Mới đây, câu chuyện về mức thu nhập 3 triệu của một nữ nghiên cứu viên trẻ đã khiến dư luận lại một lần nữa đặt câu hỏi về vấn đề đãi ngộ cũng như những thách thức mà các nhà khoa học trẻ đang phải đối mặt. Nhân vật chính trong câu chuyện trên là nghiên cứu sinh Hồ Thị Thương, hiện đang làm việc tại Phòng Công nghệ ADN ứng dụng, Viện Công nghệ Sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) và là đồng tác giả của bằng độc quyền sáng chế “Oligomeric vaccine from plants by S-tag- S-protein fusions” do Cơ quan sáng chế châu Âu, Hoa Kỳ, Việt Nam và Trung Quốc cấp năm 2018. Dù thực tế, chị Thương cho biết, mức 3 triệu mà báo chí đưa tin đó không phải là mức lương hiện tại của chị mà là mức chị nhận được cách đây tám năm khi vừa tốt nghiệp và bước chân vào làm nghiên cứu. Song, với khoản thu nhập ít ỏi này, chị cảm thấy rất có lỗi khi không thể có nhiều tiền để gửi về đỡ đần cha mẹ.

Câu chuyện này không phải là vấn đề riêng của một cá nhân mà là thực trạng chung từ nhiều năm của nhiều nhà khoa học trẻ. Tại tọa đàm “Nghề khoa học, cơ hội và thách thức đối với cán bộ trẻ” do Đoàn Thanh niên Bộ KH&CN tổ chức vào ngày 18/12 vừa qua, nhiều nhà khoa học cũng có chung chia sẻ về vấn đề này. TS. Phạm Thị Hồng Hà, nghiên cứu viên chính tại Viện Sử học (Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam) cho biết, với mức lương khởi điểm 3-4 triệu theo quy định trong giai đoạn đầu, chị khá chật vật để có thể “trụ lại” Hà Nội.

Theo quan điểm của các nhà khoa học trẻ tại cuộc tọa đàm, một chế độ đãi ngộ không có nhiều hứa hẹn, không có nhiều cơ hội tham gia các dự án lớn ở trong các tổ chức nghiên cứu khiến họ phải nhiều lần đặt dấu hỏi cho sự nghiệp tương lai: liệu có còn tiếp tục làm khoa học hay “ra ngoài” làm cho tư nhân, nước ngoài, nơi hứa hẹn đem lại cho họ mức sống ổn định hơn?

Nhà khoa học không thể sống và làm việc thiếu đam mê nhưng việc gây dựng một lực lượng tương lai cho một nền khoa học không thể chỉ dựa vào điều đó. Và đây là chỗ các nhà quản lý khoa học đã dần dần tháo gỡ. Các chính sách gần đây như Luật Khoa học Công nghệ 2013, nghị định 40/2014/NĐ-CP, nghị định 87/2014/NĐ-CP, nghị định 27/2020/NĐ-CP hay đề án 2395 về việc đào tạo, bồi dưỡng nhân lực KH&CN ở trong nước và nước ngoài bằng ngân sách nhà nước đều đã có các quy định về chế độ, chính sách trọng dụng các nhà khoa học trẻ, ví dụ như được xét tuyển dụng đặc cách không qua thi vào làm việc trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập; được ưu tiên cử tham gia các chương trình nghiên cứu sau tiến sỹ chuyên ngành khoa học và công nghệ tại các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu ở trong nước và nước ngoài; có cơ chế đặc cách lên nghiên cứu viên chính, nghiên cứu viên cao cấp mà không phải chờ đợi đủ thâm niên mất cả chục năm. Bên cạnh đó, sự ra đời của các giải thưởng cho nhà khoa học trẻ như giải thưởng Quả Cầu Vàng, giải thưởng Tạ Quang Bửu (hạng mục dành cho nhà nghiên cứu trẻ),... cũng cho thấy sự quan tâm dành cho các nhà khoa học trẻ.

Tuy nhiên, để các nhà nghiên cứu trẻ có thể phát huy được hết khả năng của mình có lẽ vẫn còn rất nhiều vấn đề cần phải cải thiện trong môi trường làm việc. Chia sẻ tại Diễn đàn “Bồi dưỡng và phát huy tài năng trẻ Việt Nam”, chị Hồ Thị Thương cho biết: “tôi vừa có một công bố khoa học trên tạp chí Q1, mức chi phí mà tôi phải đóng một khoản tiền lớn. Dù Viện cũng đã cố gắng trong khả năng cho phép để hỗ trợ kinh phí, tuy nhiên mức hỗ trợ vẫn không đủ”. Chính vì vậy, chị mong muốn có thêm các chính sách hỗ trợ cho những cá nhân trẻ; các chính sách khích lệ, khen thưởng thích hợp, đúng thời điểm cũng như tăng cường kinh phí đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất nghiên cứu.


Nếu không có nhiều cơ hội tham gia các dự án ở trong các tổ chức nghiên cứu, sẽ khiến các nhà khoa học trẻ đặt dấu hỏi cho sự nghiệp tương lai: liệu có còn tiếp tục làm khoa học hay “ra ngoài” làm cho tư nhân, nước ngoài, nơi hứa hẹn đem lại cho họ mức sống ổn định hơn?

Đáng chú ý, theo chị, các tổ chức, viện nghiên cứu nên trao cơ hội để các nhà khoa học trẻ có thể làm chủ nhiệm đề tài. “Hãy lựa chọn chủ nhiệm đề tài dựa trên năng lực cá nhân. Người trẻ có nhiều thời gian, sức lực và năng lượng để tập trung nghiên cứu và cống hiến,” chị nói. Tương tự với ý kiến này, TS. Phạm Tuấn Anh, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) cũng nhận định, “các cơ quan nên tin tưởng hơn, tạo điều kiện hơn và giao nhiều trọng trách hơn cho các cán bộ trẻ, nguồn lực trẻ”.

Trong lúc những điều kiện làm việc lý tưởng như vậy còn chưa xuất hiện một cách phổ biến thì một số nhà khoa học đã tự tìm giải pháp để vượt qua khó khăn ban đầu. Ví dụ sau 10 năm làm việc tại Viện Khoa học Vật liệu (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), TS. Bùi Hùng Thắng đã công bố được khoảng 30 bài báo quốc tế thuộc danh mục ISI, sở hữu 10 bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích, cũng như thực hiện thành công nhiều đề tài, nhiệm vụ khoa học. Anh cho rằng các nhà nghiên cứu cần tìm hiểu kỹ để nắm được hết các kênh thông tin, nguồn tài trợ, tiêu chí xét chọn của các đề tài, dự án để đăng ký. “Hiện nay có rất nhiều loại đề tài từ cấp cơ sở đến cấp nhà nước như đề tài hỗ trợ cán bộ trẻ, đề tài độc lập cán bộ trẻ, đề tài hợp tác quốc tế, đề tài của Nafosted, Văn phòng Chương trình Trọng điểm Quốc gia, đề tài Nghị định thư,... Ngoài ra, còn có các đề tài do các tổ chức nước ngoài tài trợ như của Hải quân Hoa Kỳ, UNDP; do doanh nghiệp tài trợ như Nippon. Khi mình nắm chắc được quy định và tiêu chí thì cơ hội đạt được sẽ cao hơn”, anh nói và cho biết, hiện nay Viện Hàn lâm cũng đã có mức hỗ trợ 20 triệu/năm cho cán bộ là thạc sỹ và 30 triệu/năm cho cán bộ là tiến sỹ.

Đồng nghiệp khác của anh tại Viện Hàn lâm là PGS.TS Nguyễn Thiên Tạo, Trưởng phòng bảo tồn của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam - người nghiên cứu về hai nhóm động vật ít người làm nhất ở Việt Nam là rắn độc và ếch cây bay, sở hữu 100 công bố quốc tế trên các tạp chí ISI, và hiện là thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới, chọn cách làm khác. “Trên thế giới có rất nhiều quỹ nhỏ hoặc các công ty ở trên thế giới sẵn sàng hỗ trợ cho các nhà nghiên cứu trẻ, hỗ trợ phí đăng bài báo, chi phí đi hội thảo. Tôi có một danh sách khoảng 300 quỹ như vậy và chia sẻ cho các sinh viên, nghiên cứu sinh, đồng nghiệp của mình”.