Chính phủ Nhật Bản đang tập trung rất nhiều nỗ lực tài trợ cho R&D vaccine nhằm tái xây dựng năng lực trong nghiên cứu về các loại bệnh truyền nhiễm, phát triển vaccine thế hệ mới và cơ sở hạ tầng sản xuất.

Đại dịch COVID-19 đã trở thành nơi phô diễn trình độ công nghệ của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Anh, Mỹ, Đức, Trung Quốc, Nga, Cuba; đồng thời đại dịch lại phơi lộ điểm yếu của năng lực nghiên cứu và phát triển vaccine của Nhật Bản, một quốc gia có nhiều thành công về công nghệ sinh học. Cho dù có tới năm loại vaccine được phát triển tại Nhật Bản nhưng đến gần đây các nhà quản lý Nhật Bản mới xem xét chấp thuận loại vaccine đầu tiên của mình là AG0302-COVID‑19, nghĩa là ở quãng thời gian rất lâu sau khi nhiều quốc gia tiên tiến đã về đích.

Thực tế này khiến Nhật Bản đã quyết định đầu tư 1,1 nghìn tỉ yen (tương đương 8,5 tỷ USD) cho một sáng kiến hướng tới đưa quốc gia này có đủ năng lực phát triển một loại vaccine đủ chống lại một virus mới trong vòng 100 ngày – một mục tiêu đang được nhiều quốc gia khác thực hiện. Cú thúc đẩy “vô cùng tham vọng” đó nhất định là một phát triển đáng hoan nghênh, nhất là khi sẽ đem lại sự tập trung cụ thể vào các bệnh dịch truyền nhiễm.

Ảnh: Shutterstock.

Nhưng sáng kiến của Chính phủ Nhật Bản cũng phải đối mặt với những thách thức ghê gớm. Các nhà khoa học Nhật Bản, bao gồm cả một số người nhận được kinh phí tài trợ và những người quản lý kinh phí, đều lo ngại về việc sáng kiến này không đủ để giải quyết được tình trạng khan hiếm công việc ổn định, vốn là nguyên nhân khiến nhiều nhà khoa học trẻ rời khỏi lĩnh vực nghiên cứu trọng yếu này. Và cũng chưa rõ là liệu chính phủ có cam kết nguồn tài trợ bền vững sau khi đợt tài trợ đầu tiên hết hạn vào tháng 3/2027 không.

Sự suy giảm ở lĩnh vực vaccine Nhật Bản đã xuất hiện trong nhiều năm. “Trong khoảng 15 hay 20 năm trở lại đây, tài trợ cho nghiên cứu về các bệnh truyền nhiễm đã liên tục bị cắt giảm đến mức thấp và rất thấp”, Yoshihiro Kawaoka, một nhà vi trùng học tại ĐH Tokyo và ĐH Wisconsin, Madison, cho biết. Trước đại dịch, khoản kinh phí rót xuống cho lĩnh vực này của Nhật Bản ít hơn Mỹ, và vị trí của Nhật Bản thấp hơn Anh, Đức và cả Trung Quốc, theo một báo cáo công bố vào tháng 3/2021 của Công ty Tư vấn Deloitte Tohmatsu Consulting. Phần kinh phí ít ỏi khiến các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm chỉ trích nặng nề còn các nhà khoa học trẻ thì rời khỏi lĩnh vực này, Kawaoka nói.

Lĩnh vực nghiên cứu vaccine phải chịu đựng sự thụt lùi. Vào cuối những năm 2010, Ken Ishii, một nhà nghiên cứu vaccine ở Viện Đổi mới sáng tạo y sinh quốc gia Nhật Bản, đã ứng dụng công nghệ mới mà sau này là công nghệ RNA thông tin (mRNA) để tạo ra một loại vaccine cho bệnh hô hấp Trung Đông. Tuy nhiên lúc đó Chính phủ Nhật Bản và các công ty dược phẩm Nhật Bản đã từ chối đầu tư vào các ca thử nghiệm lâm sàng trên người. “Vì vậy mà dự án đó đã bị đóng băng”, Ishii, giờ đã chuyển sang ĐH Tokyo, cho biết.

Đại dịch COVID-19 khiến cho những điểm yếu phơi lộ ngày một rõ ràng hơn. Khi các nhà khoa học ở nhiều quốc gia khác chạy đua nghiên cứu để hiểu về SARS-CoV-2 và phát triển các phương thức điều trị, các đồng nghiệp Nhật Bản lại vật lộn để khỏi bị bỏ lại. Chỉ có hai nhà khoa học ở Nhật Bản xuất hiện trong danh sách 300 tác giả có công bố về COVID-19 được trích dẫn nhiều nhất. Tương phản với tình trạng này, Italy và Hong Kong, với dân số ít hơn và cơ sở hạ tầng khoa học ít hơn, có mặt ở vị trí 18 và 14, trong đó có một nghiên cứu về COVID-19 do một nhóm nhà khoa học thực hiện dưới sự hướng dẫn của nhà thống kê ĐH Stanford John Ioannidis và xuất bản trên tạp chí Royal Society Open Science.

Đại dịch nhấn mạnh vào sự thiếu hụt một nền vaccine mạnh của Nhật Bản. Ban đầu, giữa những sợ hãi về việc Mỹ và nhiều quốc gia khác có thể chỉ dành vaccine cho quốc gia mình, quan chức Nhật Bản lo ngại là ‘chúng tôi có thể không cứu được những người mà chúng tôi có trách nhiệm bảo vệ”, Michinari Hamaguchi, Tổng Giám đốc của Trung tâm Chiến lược về nghiên cứu và Phát triển vaccine tiên tiến y sinh để chuẩn bị và ứng phó mới (SCARDA), nói. Cuối cùng thì Nhật Bản đã có được vaccine cần thiết nhưng ông Hamaguchi cho rằng, chính sự sợ hãi đã khiến quan chức chính phủ thúc đẩy “sự phục hồi các năng lực phát triển và sản xuất vaccine nội địa”.

Dẫu bị nhiều công ty ở những quốc gia khác bỏ lại trong cuộc chạy đua này thì các công ty dược phẩm Nhật Bản cũng vẫn chạy đua để cho ra được các vaccine của mình. Tháng trước, Daiichi Sankyo đề nghị các nhà quản lý cho phép họ bán vaccine COVID dựa trên công nghệ mRNA của mình. Họ lên kế hoạch chuẩn bị cho một cú tiêm tiếp theo. Shionogi hiện đang chờ một lệnh phê duyệt cho vaccine COVID-19 tiểu đơn vị protein. Tuy nhiên vẫn chưa rõ ràng là các nhà quản lý sẽ đưa ra chấp thuận hay không.

Một trong những yếu tố quan trọng của sáng kiến vaccine là việc tạo ra SCARDA vào tháng 3/2022, vốn được truyền cảm hứng từ Cơ quan nghiên cứu và phát triển Y sinh Mỹ. SCARDA sẽ hỗ trợ công việc nghiên cứu và phát triển các vaccine phòng các loại coronavirus, cúm, Zika, sốt rét, Nipah, và đậu mùa cùng nhiều loại bệnh truyền nhiễm khác. Cụ thể, cơ quan này sẽ cung cấp 1,1 tỷ USD vào các hạng mục tài trợ cho nghiên cứu do các nhà khoa học đề xuất. “Đây là lần đầu tiên, Nhật Bản trao tài trợ cho phát triển vaccine phòng các dịch ít được chú ý”, Chieko Kai, một nhà vi trùng học ở ĐH Tokyo, nói. Kai mới giành được một tài trợ cho nghiên cứu kéo dài hai năm với kinh phí 15 triệu USD từ SCARDA để phát triển vaccine Nipah.

Những cơ quan khác sẽ cung cấp 2,7 tỉ USD để hỗ trợ các công ty khởi nghiệp liên quan đến vaccine, 1,7 tỉ USD nhằm tăng cường thêm sức mạnh của ngành công nghiệp vaccine và 2 tỉ USD cho các pha thử nghiệm lâm sàng trên diện rộng đồng thời thúc đẩy các vaccine COVID-19.

Liệu kinh phí tài trợ của cơ quan SCARDA mới sẽ cho phép các phòng thí nghiệm tuyển dụng và thu hút đủ nhân tài đang là một câu hỏi mở, đặc biệt là tính bất định xung quanh tính dài hạn của tài trợ. “Mất nhiều thời gian và tiền bạc để xây dựng các nhóm nghiên cứu, ngoài ra các nhóm cũng cần được đầu tư tốt để duy trì nghiên cứu”, Hiroaki Mitsuya, Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe toàn cầu quốc gia và Viện nghiên cứu Y sinh, nhận xét. Mitsuya lo ngại là sau quãng thời gian năm năm thì chính phủ có thể có những ưu tiên khác. Việc phục dựng cơ sở hạ tầng vaccine của Nhật Bản, Mitsuya nói, phải bắt đầu với “rất nhiều tài trợ và các vị trí cho các nhà nghiên cứu giai đoạn đầu”.

Nguồn: science.org