Ngày hội STEM, một sáng kiến giáo dục mang tính đột phá, đã trải qua một thập kỷ hình thành và phát triển, ghi dấu ấn sâu đậm trong việc thúc đẩy khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) tại Việt Nam.

Từ sự kiện đầu tiên vào năm 2015, Ngày hội STEM không còn bó hẹp trong khuôn khổ một hoạt động thường niên mà đã trở thành ngọn cờ đầu, tập hợp những cá nhân tâm huyết tạo nên "Liên minh STEM", cùng nhau chắp cánh ước mơ khoa học cho thế hệ trẻ.

Ngày hội STEM là gì?

Ngày 16/5/2015, tại Hà Nội, Ngày hội STEM đầu tiên đã chính thức được tổ chức với sự bảo trợ của Bộ KH&CN, đánh dấu một mốc quan trọng trong lịch sử phát triển giáo dục STEM tại Việt Nam. Tham gia tổ chức sự kiện này có tạp chí Tia Sáng và các tổ chức giáo dục tư nhân như: Học viện Sáng tạo S3, Trung tâm Toán Pomath, Học viện STEM… Đặc biệt, sự kiện có sự hiện diện của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cùng đông đảo các cá nhân và đơn vị quan tâm đến giáo dục STEM. Đây là một minh chứng rõ ràng cho sự ủng hộ và công nhận từ các cấp lãnh đạo và cộng đồng đối với tiềm năng và tầm quan trọng của giáo dục STEM.

TS Đặng Văn Sơn hướng dẫn cô giáo của một trường trung học cơ sở quận Ba Đình một nội dung về STEM. Ảnh: NVCC
Tác giả bài viết, TS Đặng Văn Sơn, hướng dẫn cô giáo của một trường trung học cơ sở ở quận Ba Đình về một nội dung về STEM. Ảnh: NVCC

Ngày hội STEM được định nghĩa là một chuỗi các hoạt động trải nghiệm, tương tác, và khám phá kiến thức khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học một cách thực tế, sinh động. Cách thức tổ chức thường nhấn mạnh vào tính tương tác và trải nghiệm, khuyến khích người tham gia tự tay làm, tự tay khám phá.

Thông qua các thí nghiệm, dự án, cuộc thi robotics và lập trình, gian hàng trưng bày sản phẩm, trình diễn khoa học, workshop thực hành, và các buổi nói chuyện chuyên đề, Ngày hội STEM tạo cơ hội cho học sinh, giáo viên, và cộng đồng cùng nhau tìm hiểu, thực hành STEM.

Mục tiêu chính của Ngày hội là khơi dậy niềm đam mê học hỏi, truyền cảm hứng về khoa học, công nghệ, kĩ thuật và toán học cho học sinh cũng như giáo viên; đồng thời kêu gọi sự chung tay của các tổ chức, cá nhân trong việc phát triển giáo dục STEM.

Chính từ sự kiện đầu tiên này, một nhóm những người tâm huyết, có chung tầm nhìn đã hình thành, tự gọi mình là “Liên minh STEM” với cam kết tiếp tục sứ mệnh lan tỏa và phát triển giáo dục STEM trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Tác động sâu rộng của Ngày hội STEM thông qua “Liên minh STEM”

Trong suốt 10 năm qua, Liên minh STEM đã đóng vai trò hạt nhân, kết nối các nguồn lực, chia sẻ kinh nghiệm, và hỗ trợ các địa phương trong việc triển khai các hoạt động giáo dục STEM. Với nỗ lực không ngừng của “Liên minh STEM”, Ngày hội STEM không còn là một sự kiện đơn lẻ mà trở thành một phong trào giáo dục lan tỏa mạnh mẽ. Từ các thành phố lớn đến những vùng nông thôn xa xôi, giáo dục STEM đã dần hiện diện trong các trường học, trung tâm giáo dục, và cộng đồng.

Trong ngày 12 và 13/4/2024, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức Ngày hội STEM cấp huyện kết hợp với hai cuộc thi robot VEX VR và robot Kcbot cấp THCS. Ảnh: ĐHS
Ngày hội STEM của huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, diễn ra trong ngày 12 - 13/4/2024 và kết hợp với hai cuộc thi robot VEX VR và robot Kcbot cấp THCS. Ảnh: Đỗ Hoàng Sơn

Ngày hội STEM đã được tổ chức tại nhiều trường học, nhiều huyện, mang đến những cơ hội học tập mới mẻ và truyền cảm hứng cho hàng chục ngàn học sinh. Ví dụ điển hình là việc tổ chức Ngày hội STEM tại các huyện vùng sâu vùng xa, nơi cơ hội tiếp cận các hoạt động khoa học và công nghệ còn hạn chế. Nhờ sự hỗ trợ của Liên minh STEM trong việc đào tạo giáo viên và cung cấp tài liệu, nhiều trường học đã tự tin tổ chức các hoạt động STEM quy mô nhỏ ngay tại địa phương, tạo ra một sân chơi bổ ích và lý thú cho học sinh.

Liên minh STEM đã đóng vai trò then chốt trong việc đào tạo giáo viên, trang bị cho họ những kiến thức và kỹ năng cần thiết để triển khai giáo dục STEM một cách hiệu quả. Sự hỗ trợ này không chỉ dừng lại ở việc cung cấp tài liệu mà còn bao gồm các buổi tập huấn chuyên sâu, chia sẻ kinh nghiệm thực tế, và tư vấn trực tiếp. Nhờ đó, nhiều giáo viên, dù ban đầu còn bỡ ngỡ, đã trở thành những người truyền lửa thực sự cho giáo dục STEM tại địa phương mình.

Thống kê cho thấy có 39 trong hơn 160 huyện (tương đương gần 25%) được các thành viên Liên minh STEM ít nhiều hỗ trợ trong 10 năm qua đã tổ chức được Ngày hội STEM (hoặc cuộc thi robotics) cấp toàn huyện. Dù có thể có những cách nhìn nhận khác nhau về “thành công” (ví dụ: tập huấn giáo viên mà không được mời dự Ngày hội STEM hoặc thi robotics thì được coi là “thất bại” hoặc chưa thành công), nhưng rõ ràng đây là một kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế. Điều này cũng cho thấy sự nhiệt tình hưởng ứng của các Phòng Giáo dục và Đào tạo và chính quyền địa phương (UBND huyện) là yếu tố cực kỳ quan trọng. Ngược lại, cũng có thể thấy rằng nhiều nơi vẫn chưa thực sự quan tâm đến việc thúc đẩy giáo dục STEM. Trong số các địa phương tổ chức được Ngày hội STEM cấp huyện, phải đặc biệt đề cao sự ham học hỏi của các thầy cô và học sinh của cả 11 huyện thuộc tỉnh Lạng Sơn, ba huyện/thành phố thuộc tỉnh Cao Bằng, và các huyện thuộc Lào Cai, Thái Bình, Quảng Ninh, Nam Định, Phú Thọ, Thanh Hóa và một số quận/huyện của Hà Nội.

Những con số này minh chứng cho sự lan tỏa mạnh mẽ của Ngày hội STEM và vai trò không thể phủ nhận của Liên minh STEM trong việc xây dựng năng lực cho đội ngũ giáo viên và các cán bộ quản lý giáo dục. Qua đó, Ngày hội STEM đã trở thành một đòn bẩy quan trọng để đưa giáo dục STEM ngày càng gần hơn với học sinh Việt Nam.

Hoàn thiện hệ sinh thái giáo dục STEM

Tiết học STEM về chế tạo mô hình máy bay bay được điều khiển từ xa.
Tiết học STEM về chế tạo mô hình máy bay được điều khiển từ xa. Nguồn: TGCC

Hành trình 10 năm của Ngày hội STEM và những nỗ lực không mệt mỏi của Liên minh STEM đã tạo nên những dấu ấn đáng kể, gieo mầm đam mê khoa học cho hàng trăm ngàn học sinh trên khắp mọi miền Tổ quốc. Tuy nhiên, nhìn về phía trước, những thành quả đạt được, dù đáng tự hào, vẫn chưa đủ để kiến tạo một nền giáo dục STEM vững chắc và toàn diện. Để giáo dục STEM thực sự phát triển và đạt được hiệu quả tối đa, cần có sự tham gia đồng bộ và mạnh mẽ hơn nữa từ nhiều phía, nhằm hoàn thiện một hệ sinh thái giáo dục STEM toàn diện.

Hệ sinh thái giáo dục STEM không chỉ là việc tổ chức các ngày hội hay tập huấn giáo viên, mà còn là sự kết nối chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình, doanh nghiệp, các tổ chức khoa học, và cộng đồng. Trong đó, vai trò của các tổ chức chính danh là vô cùng quan trọng. Hiện tại, Liên minh STEM hoạt động trên tinh thần tự nguyện và tâm huyết. Mặc dù đây là một điểm mạnh, thể hiện sự nhiệt huyết của những người tiên phong, nhưng để mở rộng quy mô và tác động một cách bền vững, cần có một tổ chức được công nhận chính thức, có đủ thẩm quyền và nguồn lực để điều phối các hoạt động, xây dựng chính sách, và kết nối các bên liên quan một cách bài bản và chuyên nghiệp.

Một tổ chức chính danh như vậy, được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Bộ Khoa học và Công nghệ cũng như Bộ Giáo dục và Đào tạo, sẽ là xương sống vững chắc cho sự phát triển của giáo dục STEM. Tổ chức này có thể đảm nhiệm các vai trò quan trọng như:

Đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên chuyên nghiệp: Nâng cao năng lực chuyên môn của giáo viên đặc biệt là các kiến thức cập nhật từ các nghiên cứu và công nghệ mới, giúp họ tự tin và sáng tạo trong việc giảng dạy STEM, từ đó truyền cảm hứng cho học sinh.

Thiết lập các kênh kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp: Tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận thực tế, khám phá các ứng dụng của STEM trong đời sống và sản xuất, đồng thời định hướng nghề nghiệp tương lai.

Xây dựng quỹ hỗ trợ giáo dục STEM: Huy động nguồn lực tài chính từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp để tài trợ cho các dự án, hoạt động STEM tại các vùng khó khăn, thu hẹp khoảng cách tiếp cận giáo dục.

Tổ chức các sự kiện quy mô lớn và đa dạng: Nâng tầm các Ngày hội STEM, Cuộc thi STEM, và các hoạt động khoa học khác, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội và khuyến khích sự tham gia rộng rãi.

Nghiên cứu và phát triển: Cập nhật các xu hướng giáo dục STEM mới nhất trên thế giới, từ đó nghiên cứu và áp dụng vào bối cảnh Việt Nam một cách linh hoạt và hiệu quả.

Việc hình thành một Liên minh STEM chính danh trong thời gian tới không chỉ là mong muốn mà còn là yêu cầu cấp thiết để nâng tầm giáo dục STEM tại Việt Nam. Đây sẽ là bước ngoặt quan trọng, chuyển đổi từ những nỗ lực tự phát sang một chiến lược bài bản, có định hướng rõ ràng và sự hỗ trợ toàn diện. Khi có sự phối hợp chặt chẽ giữa ý chí và nguồn lực từ nhà nước, cùng với sự đồng lòng của các tổ chức, cá nhân và cộng đồng, hệ sinh thái giáo dục STEM sẽ được hoàn thiện, mở ra một tương lai tươi sáng cho thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước, sẵn sàng đối mặt với những thách thức và cơ hội của kỷ nguyên số.


Bài đăng KH&PT số 1345 (số 21/2025)