Ở thủ đô Buenos Aires, hàng trăm nhà khoa học xuống đường, một số đeo mặt nạ phòng độc, để phản đối chính sách cắt giảm ngân sách dành cho khoa học dẫn đến một cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lĩnh vực KH&CN của Argentina kể từ khi nền dân chủ trở lại.
Không chỉ ở thủ đô Buenos Aires mà còn ở nhiều thành phố khác của Argentina, hàng nghìn nhà khoa học, một số đeo mặt nạ phòng độc như những nhà khoa học trong bộ phim truyền hình nhiều tập hậu tận thế The Eternaut của Netflix Argentine. Họ phản đối những chính sách, những điều mà chính phủ ông Javier Milei bắt đầu áp dụng đang tàn phá khoa học ở đất nước này.
Kể từ khi Tổng thống Milei lên nắm quyền vào cuối năm 2023, ông đã thực thi những chính sách cắt giảm lớn lên ngân sách chi tiêu của chính phủ, như một phần của hành động làm giảm lạm phát của đất nước. Và hệ quả là các hoạt động khoa học đã bị cắt giảm xuống một nửa vì thiếu ngân sách.
Fernando Stefani, một nhà vật lý ở trường Đại học Buenos Aires, nói vớiNaturengay tại cuộc biểu tình, “ngay cả những dự án nghiên cứu đã được phê duyệt và đang trong tiến trình thực hiện cũng không được cấp kinh phí”. Cơ quan Thúc đẩy nghiên cứu, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo quốc gia, nơi cấp phát kinh phí chính cho các dự án khoa học ở Argentina, cũng không mở mới bất kỳ một đợt tiếp nhận hồ sơ đăng ký tài trợ kể từ cuối năm 2023.
Cơ quan khoa học chính của Argentina, Hội đồng Nghiên cứu KH&CN quốc gia (CONICET), nơi tài trợ cho hơn 280 viện nghiên cứu trên khắp đất nước và tuyển dụng phần lớn các nhà khoa học của đất nước hiện vẫn còn chi trả lương nhưng không nhiều, theo nhiều nguồn tin. Một số nhà khoa học trao đổi vớiNaturelà họ sẽ không thể đủ kinh phí nuôi đám động vật trong phòng thí nghiệm trong vài tuần tới. Và dẫu lương đã được trả nhưng mức lương này cũng đã giảm xuống 40% kể từ khi ông Milei nắm quyền. “Mức lương dành cho các nhà nghiên cứu trẻ ở mức chết đói và những nhà nghiên cứu có thâm niên hơn thì không đủ lương để sống một cuộc sống cho tươm tất”, Stefani nói.
Theo dữ liệu do cơ quan giám sát nghiên cứu CIITI, đầu tư của chính phủ vào KH&CN đã giảm 32,9% vào năm 2024 – mức giảm lớn nhất kể từ khi CIITI bắt đầu thu thập dữ liệu vào năm 1972.
Riêng ngân sách của CONICET đã giảm 17,8% vào năm 2024 và sẽ giảm thêm 21,6% vào năm nay khiến tổng mức cắt giảm trên thực tế là khoảng 36%. Trong khi đó, cơ quan này không tuyển dụng thêm nhân sự mới, buộc các nhà khoa học trẻ phải tìm nơi khác để phát triển sự nghiệp. Theo số liệu từ báo chí, “11% nhân viên hành chính của CONICET bị sa thải, cùng với việc cắt giảm 1.291 người làm, trong đó có 46% nghiên cứu sinh tiến sĩ và sau tiến sĩ. Ngoài ra, số đơn nghỉ việc của Tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ (CIC) tăng 24%”.
Franco Moscovicz, một thành viên của Hội đồng KH&CN Liên bang, đã nói rằng “hệ thống KH&CN đang bị tấn công – ngay cả ở những lĩnh vực mà chính phủ tuyên bố coi là ‘ưu tiên’”. Ông cho biết, “Cánh cửa khoa học đã bị đóng sập lại, trợ cấp đã bị dừng hẳn và tình trạng sụt giảm tiền lương nghiêm trọng đến mức đang phá hủy các nhóm nghiên cứu và đẩy nhanh quá trình di cư ra nước ngoài của các nhà nghiên cứu”.
Tổng thống Milei luôn biểu hiện thù địch với các nhà khoa học, khi cho rằng họ đang sống bám vào chính phủ, và trong suốt chiến dịch tranh cử của mình, ông ta đã hứa hẹn sẽ đóng cửa toàn bộ CONICET. Dẫu cho đến hiện nay thì ông ta chưa thực hiện hoàn toàn lời hứa này nhưng “nó gần như chết đói”, theo Lidia Szczupak, một nhà khoa học thần kinh tại Viện Nghiên cứu Sinh lý học, Sinh học phân tử và các khoa học thần kinh tại ĐH Buenos Aires, nơi vẫn nhận tài trợ từ CONICET. “Mức lương của chúng tôi vô cùng thấp – chúng tôi vẫn còn bám trụ là nhờ tình yêu với khoa học”, cô cho biết thêm.
Chính phủ cưa máy
Các cuộc biểu tình ngày 28/5/2025 do nhiều nhóm tổ chức, trong đó có Mạng lưới các tổ chức KH&CN (RAICYT), nơi các thành viên đều là nhà nghiên cứu tại các viện ở khắp Argentina.
Một bộ luật được Quốc hội Argentina thông qua vào năm 2021 đã yêu cầu mức tài trợ cho khoa học ở đất nước này phải gia tăng theo thời gian, chạm tới mức 1% GDP của Argentina vào năm 2032. Tuy nhiên, ông Milei đã cắt giảm ngân sách dành cho khoa học của chính phủ. Năm 2025, ngân sách dành cho khoa học chỉ đạt 0,15% GDP, thấp hơn cả mức 0,30% GDP vào năm 2023. Quốc hội cũng không ‘chống lưng” cho việc thực thi luật.
Ông Milei thường xuyên xuất hiện với một chiếc cưa máy để minh họa cho cam kết cắt giảm ngân sách cho khoa học. Ông cũng tuyên bố loại bỏ vai trò của KH&CN khi điều hành đất nước, giảm vị thế của Bộ KH&CN, Bộ Môi trường xuống thành văn phòng. Ông cũng ủng hộ việc ít dựa vào căn cứ khoa học trong việc ra quyết định của chính phủ, ví dụ ông yêu cầu các nhân viên của chính phủ tránh không được dùng thuật ngữ “biến đổi khí hậu’ vì ông vẫn coi đó là “trò lừa đảo xã hội” và ủng hộ hành động dẫn đầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump, bắt đầu quá trình đưa Argentina ra khỏi vị trí thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
“Chúng tôi đang đối mặt với một nỗ lực loại bỏ KH&CN trong vai trò như một nguồn khởi sinh kiến thức và nguồn hỗ trợ chính sách công”, theo Carolina Vera, một nhà khoa học khí hậu tại Trung tâm Nghiên cứu Biển và Khí quyển tại ĐH Buenos Aires, một nơi cũng nhận được tài trợ từ CONICET. “Những người xuất sắc nhất đã rời các cơ quan nghiên cứu sang các công ty tư nhân hoặc đi ra nước ngoài. Có thể thấy điều này xuất hiện ở mọi lĩnh vực nghiên cứu”, cô cho biết thêm.
Những thay đổi chóng mặt này sẽ khiến cho Argentina càng khó khăn hơn trong việc giải quyết những vấn đề xã hội, “Chúng tôi đang thấy mối hiểm nguy đe dọa từ những cơn bão, cháy rừng và hạn hán. Điều này sẽ ảnh hưởng đến người dân Argentina”, cô nói. “Sẽ phải mất hàng thập kỷ để phục hồi hoặc để có được một hệ thống quản lý rủi ro” để có thể phản hồi với những mối đe dọa đó, Vera nói.
“Hệ thống khoa học đang trong tình trạng nguy cấp và sẽ cực kỳ khó đảo ngược tình hình”, bài phát biểu chính thức được đọc tại cuộc biểu tình ở Buenos Aires cảnh báo. “Không có người lao động thì không có khoa học, không có khoa học thì không có tương lai”.
doi: https://doi.org/10.1038/d41586-025-01688-7
Nguồn: brasildefato, batimes
Bài đăng KH&PT số 1347 (số 23/2025)