KH&CN đang được kỳ vọng là một trong những giải pháp hàng đầu để thúc đẩy nền kinh tế tư nhân. Nhưng làm cách nào để các doanh nghiệp tư nhân, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, có thể phát triển và áp dụng những giải pháp công nghệ mới?

Phòng thí nghiệm của Công ty Dược Mỹ phẩm CVI. Ảnh: CVI
Phòng thí nghiệm của Công ty Dược Mỹ phẩm CVI. Ảnh: CVI

Ngày 1/6/2025, phát biểu tại lễ khởi công Tổ hợp không gian sáng tạo CMC (CMC Creative Space – CCS Hà Nội), Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, Tập đoàn CMC cần tiên phong trong phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, gắn đào tạo với nghiên cứu, gắn nghiên cứu với thị trường, gắn doanh nghiệp với viện - trường, tạo động lực, truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp khác.

Với tổng mức đầu tư 300 triệu USD, không gian sáng tạo mới của CMC đang hứa hẹn rất nhiều triển vọng phát triển công nghệ tiên tiến. Đây sẽ là một hệ sinh thái tích hợp, gồm: Trung tâm dữ liệu, không gian nghiên cứu và phát triển (R&D), khu đào tạo nhân lực và khu vực hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo. Chủ tịch Tập đoàn CMC cho biết, CCS Hà Nội đặt mục tiêu tạo ra không gian sáng tạo mở, đa lớp, cho phép – nơi các nhóm R&D, startup, trường đại học và doanh nghiệp công nghệ có thể cùng tương tác, chia sẻ dữ liệu, phát triển ý tưởng và thương mại hóa sản phẩm công nghệ.

Dù cần thời gian để định lượng hiệu quả mà không gian sáng tạo mới này đem lại cho CMC nhưng với kế hoạch này, CMC đã chứng tỏ họ đi vào đường ray của mô thức phát triển kinh tế phổ biến hiện nay, mô thức mà trong đó các công ty coi trọng giá trị của nghiên cứu KH&CN và nguồn lực con người, cho phép tích hợp công nghệ và lan tỏa đổi mới sáng tạo, qua đó sử dụng know-how của nguồn nhân lực trong một môi trường kết nối.

Đó là một mơ ước quá lớn và giấc mơ quá đẹp so với thực lực của các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam, chiếm 97,4% tổng số doanh nghiệp. Đây thực sự là một bài toán khó khi thiếu rất nhiều điều kiện cần và đủ. Thiếu vốn, thiếu nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, cách nào để họ vươn lên? Cách nào để họ áp dụng những thành quả mới về KH&CN?


Hoạt động đổi mới sáng tạo ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang đi xuống. Vào năm 2012 có 10,03% doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh công nghệ hiện có để thích ứng và nâng cao năng lực sản xuất nhưng vào năm 2019 đã giảm xuống 3,42% và năm 2022 giảm 4,98%. Bên cạnh đó, sự phối hợp nghiên cứu của doanh nghiệp với các trường viện ít được thực hiện, ví dụ năm 2012 chỉ có 1,31%, năm 2019 là 0,41 và 0,60% năm 2022.


Doanh nghiệp nhỏ và bài toán công nghệ

Một ngày trước lễ khởi công Tổ hợp không gian sáng tạo CMC, cuộc tọa đàm với các doanh nghiệp về triển khai Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đã diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Có rất nhiều ý kiến thảo luận được nêu lên, không chỉ tập trung vào vai trò của “gần 1 triệu doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh hoạt động trong nền kinh tế, đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước và sử dụng khoảng 82% tổng số lao động” mà còn đề xuất nhiều kiến nghị để “thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống xã hội” của khối doanh nghiệp tư nhân. Một trong số những giải pháp được nêu là áp dụng công nghệ mới. Bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Vinamilk, một trong số những doanh nghiệp hàng đầu ngành sữa Việt Nam, cho rằng thuận lợi của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay rất lớn. Nếu trước đây “có những công nghệ mới có thể phải học, nghiên cứu từ 10 đến 15 năm thì bây giờ, chúng ta có thể tiếp nhận và áp dụng được ngay”, bà nói.

Rõ ràng, công nghệ mới đang mở cánh cửa cho các doanh nghiệp bước vào một giai đoạn phát triển mới, điều mà các ông lớn công nghệ như Amazon, Apple, Facebook, Google… đã chứng thực. Tuy nhiên, thực tại ở Việt Nam, đặc biệt khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiếm 98% tổng số doanh nghiệp, là “năng lực nội tại của kinh tế tư nhân còn hạn chế, nhất là về vốn, quản trị, ứng dụng KH&CN, chuyển đổi số, áp dụng các mô hình kinh doanh mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn” như nhận định của báo cáo của Bộ Tài chính tại tọa đàm về Nghị quyết 68. Hiện trạng này đặc biệt đúng với doanh nghiệp ngành công nghiệp phụ trợ, nơi có 88% doanh nghiệp là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo trao đổi của TS. Chử Đức Hoàng (Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia) tại hội thảo “Tiềm năng, xu hướng ứng dụng IoT/AI trong ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam”, diễn ra vào 12/2024, tỷ lệ doanh nghiệp áp dụng công nghệ 4.0 chỉ chiếm dưới 15% và phần lớn vẫn đang sử dụng công nghệ 2.0, 3.0, đồng thời tỷ lệ nội địa hóa trong các ngành công nghiệp chủ chốt còn thấp, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử chỉ đạt 5 - 10%, so với 65 - 70% ở Thái Lan và Malaysia.

Đó là những hạn chế tồn tại dai dẳng với doanh nghiệp nhỏ ở nhiều lĩnh vực ngành nghề. Hơn một thập niên trước, trong một tọa đàm, ông Nguyễn Trọng Hiệu, Cục phó Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT) cho biết, về trình độ sử dụng công nghệ, chỉ có khoảng 8% số doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt trình độ công nghệ tiên tiến (phần lớn là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) còn doanh nghiệp trong nước thì hầu hết sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu và đặc biệt, khả năng cạnh tranh về công nghệ của các doanh nghiệp phía Bắc rất thấp. Tuy nhiên cho đến nay, tình trạng này vẫn chưa thay đổi là mấy.

Theo kết quả khảo sát tình trạng áp dụng công nghệ ở 400 doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (TPHCM, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và Tiền Giang) của nghiên cứu sinh Hà Thị Việt Thúy (Học viện Chính trị khu vực II) thì công nghệ chủ yếu là ở mức trung bình thấp, mức độ tự động hóa vẫn chiếm tỷ lệ khiêm tốn: 53,41% là công nghệ được phát triển và sản xuất trong giai đoạn 2001-2010, 25,57% công nghệ trong giai đoạn 2011-2015 và chỉ có 13,56% công nghệ trong giai đoạn 2016-2019. Nguồn cung cấp máy móc chủ yếu là Trung Quốc với 26,95%, Nhật Bản 16,85%, Việt Nam chiếm 22,34%, Đài Loan 15,3%, Hàn Quốc 6,12%, Đan Mạch 2,64%, Mỹ 1,41%.


Những điểm nghẽn chính sách tồn tại nhiều năm khiến cho dòng chảy công nghệ bị ngưng trệ và khiến cho nhà khoa học bị mang danh “chỉ sống trong tháp ngà”, “không dám chấp nhận rủi ro” còn doanh nghiệp vừa và nhỏ loay hoay tồn tại, không đủ khả năng nâng cấp công nghệ để đem lại sức sống mới cho sản phẩm của chính mình.


Nếu đi sâu vào hoạt động đổi mới sáng tạo ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ thấy năng lực của họ đang đi xuống. Vào năm 2012 có 10,03% doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh công nghệ hiện có để thích ứng và nâng cao năng lực sản xuất nhưng vào năm 2019 đã giảm xuống 3,42% và năm 2022 giảm 4,98%. Bên cạnh đó, sự phối hợp nghiên cứu của doanh nghiệp với các trường viện ít được thực hiện, ví dụ năm 2012 chỉ có 1,31%, năm 2019 là 0,41 và 0,60% năm 2022. Vì vậy, dù “các doanh nghiệp ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã quan tâm đến hoạt động đổi mới, tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế, khi hầu hết các đổi mới đều là ‘đổi mới tiết kiệm’ (frugal innovation)”, nghiên cứu sinh Hà Thị Việt Thúy nhận xét. Việc duy trì tình trạng ‘đổi mới tiết kiệm’ này đã đóng khung cho các doanh nghiệp trong những mục tiêu đổi mới công nghệ khiêm tốn, chủ yếu là mới đối với thị trường và mới đối với doanh nghiệp.

Có lẽ, không doanh nghiệp nào không mang mơ ước một ngày nào đó sẽ trở lên lớn mạnh và có sức cạnh tranh ở tầm quốc tế. Tuy nhiên, với doanh nghiệp nhỏ thì đó là điều gần như không tưởng. Kết quả khảo sát vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cho thấy, gần 84% số doanh nghiệp sử dụng nguồn vốn tự có của chính mình. Nguyên nhân là họ không có khả năng tiếp cận nguồn vốn vay do không có tài sản đảm bảo, ít có cơ hội tiếp cận nguồn hỗ trợ của nhà nước, ví dụ như Quỹ Phát triển Doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tại cuộc tọa đàm với Thủ tướng ngày 31/5/2025, ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại giống cây trồng Việt Nam, cũng lên tiếng rằng “cơ chế thuế, tín dụng còn bất cập, việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cho đổi mới sáng tạo, dù chính phủ đã có chủ trương nhưng thực tế còn nhiều rào cản. Các quỹ hỗ trợ KH&CN còn hạn chế, chưa có cơ chế mở để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận”.

Do đó, hệ quả là doanh nghiệp nhỏ phải đối mặt với “những trở lực, nhất là công nghệ đã đầu tư với giá trị lớn nhưng lạc hậu khi chưa thu hồi vốn, kiến thức và kỹ năng của lao động chưa thích ứng với bối cảnh mới”, theo nghiên cứu sinh Hà Thị Việt Thúy.

Hiện trạng này đặt ra một nan đề: liệu có chính sách mới nào có thể giúp họ bước qua những trở ngại đó?

Đổi mới công nghệ cần đổi mới chính sách

Bài toán phát triển và ứng dụng công nghệ mới không chỉ hiển thị một cách rõ ràng với những doanh nghiệp lớn mà còn là mối quan tâm của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bởi đây chính là giải pháp quan trọng để họ vượt qua khỏi những trở ngại thường gặp để có được vị trí vững chắc hơn trên thị trường. Quá trình hội nhập quốc tế đi kèm với việc Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu – Việt Nam (EVFTA) mở ra nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp trong nước nhưng cũng mở cánh cửa cho các doanh nghiệp quốc tế vào thị trường nội địa. Do đó, nếu không đủ năng lực cạnh tranh thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó có thể chống đỡ và tồn tại ngay trên chính sân nhà.

Có lẽ, giữa trăm bề khó khăn, chỗ dựa lớn nhất của các doanh nghiệp nhỏ chính là chính sách, điều mà giờ đây đang được thúc đẩy bằng Nghị quyết 68. Cách đây một vài năm, các nhà quản lý bắt đầu nhận ra những khiếm khuyết trong quan điểm về kinh tế tư nhân dẫn dến những điểm thiếu hụt chính sách. Do đó, họ đã đưa ra cái nhìn mới “lấy doanh nghiệp làm trung tâm” trong thiết kế chính sách. Tuy nhiên điều đó vẫn chưa đủ. Theo PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam), tại tọa đàm giữa Thủ tướng với các doanh nghiệp về triển khai Nghị quyết 68, “Cách đây 40 năm, khi chúng ta thừa nhận nền kinh tế nhiều thành phần, thì thực ra kinh tế tư nhân đã đóng góp vai trò chuyển đổi phù hợp và hiệu quả, đã cứu nền kinh tế đang khủng hoảng và giúp chúng ta có nền kinh tế như hiện nay. Bây giờ, sau 40 năm, chúng ta lại có cơ hội ở một tầm vóc mới để thực hiện nhiệm vụ có ý nghĩa to lớn hơn, đó là làm sao để khu vực kinh tế tư nhân phát huy mạnh mẽ”.

Do đó, ông đề nghị, các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm đến khu vực doanh nghiệp liên quan đến đổi mới sáng tạo, công nghệ cao, bởi đây là ‘mặt trận’ cạnh tranh mang tính quyết định của quốc gia với thế giới. Để làm được điều này, theo quan điểm của ông, vấn đề đầu tiên cần làm là tạo thể chế cho khu vực tư nhân, thúc đẩy kinh tế thị trường phát triển. “Nếu chúng ta chậm trễ trong việc tạo ra môi trường thể chế cho khu vực đổi mới sáng tạo, chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội. Cho nên, tôi đề nghị Chính phủ cùng Quốc hội có chương trình để tiến tới xây dựng hệ thống thể chế cho nền kinh tế tương lai thật kịp thời, không phải chỉ dừng lại ở cơ chế thử nghiệm (sandbox) mà phải có hệ thống thể chế tốt. Nếu không, chúng ta lại lặp lại tình trạng hệ thống thể chế chồng chéo, mâu thuẫn và lạc hậu khiến chúng ta khó có thể cạnh tranh được với thế giới trong tương lai”, ông nói.

Cũng với góc nhìn cần có những cơ chế, chính sách mới hỗ trợ doanh nghiệp để họ có thể mở rộng mô hình kinh doanh hoặc xây dựng năng lực cho chính mình, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, cho rằng cần có những chính sách cụ thể và thiết thực hơn. “Chúng ta cần triển khai hiệu quả các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và hộ kinh doanh, đặc biệt là trong các lĩnh vực đất đai, KH&CN, vốn, nguồn nhân lực, cũng như chuyển đổi theo hướng xanh và bền vững”.

Khi nhìn vào thực trạng khó khăn của doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các địa phương, ông nhấn mạnh một giải pháp trọng tâm trong việc hỗ trợ vốn, mở rộng cơ hội tiếp cận các nguồn vốn ổn định từ nhà nước. Ông “đề xuất Thủ tướng cho phép thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng ở cấp Trung ương và khởi động lại 28 Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các địa phương. Bên cạnh đó, cần sớm thành lập Quỹ hỗ trợ chuyển đổi xanh, bao gồm cơ chế hỗ trợ lãi suất 2% cho các doanh nghiệp chuyển đổi xanh”. Tuy nhiên, là một chuyên gia kinh tế có kinh nghiệm, ông cho rằng không chỉ trông chờ vào nguồn ngân sách nhà nước mà cần phải huy động được nguồn vốn từ xã hội. Đây sẽ là một nguồn vốn quan trọng và dồi dào cho các doanh nghiệp. “Chính phủ nên cho phép thúc đẩy mạnh mẽ hơn các quỹ đầu tư mạo hiểm, bởi vì đây mới là kênh vốn chính cho phát triển KH&CN và chuyển đổi số, chứ không thể chỉ dựa vào nguồn tín dụng ngân hàng truyền thống trong các lĩnh vực này”, ông nói.

Nhiều doanh nghiệp tại tọa đàm cũng góp ý kiến về sự khác biệt giữa các loại hình doanh nghiệp cũng như lĩnh vực kinh doanh. Để thúc đẩy họ áp dụng các thành tựu công nghệ mới, cần những chính sách mang tính đặc thù hơn. Ông Trần Mạnh Báo, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed kiến nghị “Nhà nước sớm xây dựng và ban hành cơ chế riêng cho doanh nghiệp KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp, bao gồm đất đai, tín dụng, thuế, đào tạo”. Bà Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam kiến nghị, nhà nước xem hợp tác xã là doanh nghiệp bởi hiện nay hợp tác xã chưa được thụ hưởng các chế độ, chính sách hỗ trợ tiếp cận về pháp luật, tiếp cận về nghiên cứu KH&CN như với doanh nghiệp. Có lẽ, đây là một phần nguyên nhân vì sao số lượng doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất mới chỉ có khoảngg 290 doanh nghiệp, chiếm hơn 15% tổng số doanh nghiệp nông nghiệp của Việt Nam.

Có vô vàn thách thức cần giải quyết để các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp cận được vốn vay, tiếp cận được các nguồn cung công nghệ mới được thiết kế vừa vặn với nhu cầu của mình. Nếu chỉ xét riêng vấn đề công nghệ, có rất nhiều trở ngại trên con đường tiếp cận công nghệ của họ, ví dụ như công nghệ mới quá đắt đỏ, hoặc không thể áp dụng do được phát triển phù hợp với những doanh nghiệp quy mô lớn, hoặc không đủ năng lực tiếp nhận… Trong khi đó, ở các trường, viện, các nhà nghiên cứu có công nghệ mới, hoặc có năng lực nội địa hóa công nghệ, hoặc có năng lực hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp nhận công nghệ lại bị “trói buộc” bởi nhiều cơ chế không phù hợp cho chuyển giao công nghệ hoặc không thể chủ động hợp tác nghiên cứu với doanh nghiệp hoặc không thể lập doanh nghiệp spinoff từ kết quả nghiên cứu của chính mình... Những điểm nghẽn chính sách tồn tại nhiều năm khiến cho dòng chảy công nghệ bị ngưng trệ và khiến cho nhà khoa học bị mang danh “chỉ sống trong tháp ngà”, “không dám chấp nhận rủi ro” còn doanh nghiệp vừa và nhỏ loay hoay tồn tại, không đủ khả năng nâng cấp công nghệ để đem lại sức sống mới cho sản phẩm của chính mình.

Đó là lý do mà song song với những chính sách mới như Nghị quyết 68, Nghị quyết 57, Luật KH&CN được xây dựng nhằm tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động KHC&N phục vụ kinh tế xã hội, trong đó thể hiện rõ nét hơn vai trò của doanh nghiệp, khu vực kinh tế tư nhân, “chủ thuyết” phát triển trong lĩnh vực KH&CN, đổi mới sáng tạo như nhận xét của ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban KH&CN và Môi trường của Quốc hội, trong cuộc thảo luận về dự thảo Luật KH&CN vào tháng 5/2025. Khi nhận xét về các quy định thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và nền kinh tế trong Chương IV của dự thảo, ông đề nghị rà soát sự đồng bộ và thống nhất với các quy định về đầu tư, tài chính, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng hệ sinh thái và phát triển thị trường KH&CN, đổi mới sáng tạo để bảo đảm tính khả thi của Luật khi được thông qua.

Để giấc mơ công nghệ của các doanh nghiệp nhỏ thành hiện thực, một yếu tố quan trọng là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đó là lý do mà Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội đề nghị ban soạn thảo Luật nghiên cứu quy định về xây dựng chương trình đào tạo nhân lực nghiên cứu trình độ cao, có cơ chế luân chuyển nhà khoa học giữa viện, trường với doanh nghiệp, cơ chế thu hút chuyên gia quốc tế và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài tham gia các chương trình, đề án lớn mang tính chiến lược…

Sự đồng bộ về chính sách cũng như hiệu lực trong thực thi chính sách, giữa rất nhiều văn bản pháp luật mới, từ Nghị quyết 57, Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 193 của Quốc hội đến Luật KH&CN, đổi mới sáng tạo, có thể sẽ là cú hích quan trọng cho kinh tế tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ có thể vươn lên bằng công nghệ.


Thúc đẩy KH&CN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh doanh hiệu quả, bền vững trong kinh tế tư nhân

- Triển khai quyết liệt Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trong khu vực kinh tế tư nhân.

- Ban hành khung pháp lý thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với công nghệ mới, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới; tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân tham gia nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, dữ liệu lớn, thương mại điện tử, công nghệ tài chính, y tế thông minh...

- Cho phép các doanh nghiệp được tính vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp đối với hoạt động nghiên cứu và phát triển bằng 200% chi phí thực tế của hoạt động này. Có chính sách hỗ trợ chi phí đầu tư mua sắm máy móc, đổi mới công nghệ, chi phí thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh doanh bền vững, tuần hoàn thông qua cơ chế khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc tài trợ qua các quỹ.

- Doanh nghiệp được trích tối đa 20% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để lập quỹ phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và nghiên cứu phát triển. Doanh nghiệp được sử dụng quỹ để tự triển khai hoặc đặt hàng nghiên cứu phát triển bên ngoài theo cơ chế khoán sản phẩm.

- Doanh nghiệp, tổ chức tư nhân được sử dụng phòng thí nghiệm, phòng thử nghiệm, phòng hỗ trợ thiết kế và thiết bị nghiên cứu dùng chung, trung tâm thử nghiệm, đo lường, kiểm định, giám định của Nhà nước để phát triển sản phẩm với mức phí hợp lý.

- Có chính sách miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, công ty quản lý quỹ đầu tư mạo hiểm, tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo kể từ thời điểm phát sinh thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp. Miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp cho các cá nhân, tổ chức đối với khoản thu nhập từ chuyển nhượng phần vốn góp, quyền góp vốn vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân cho các chuyên gia, nhà khoa học làm việc tại doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm nghiên cứu phát triển, trung tâm đổi mới sáng tạo, các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

- Nhà nước ưu tiên nguồn lực hỗ trợ đầu tư phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo phục vụ ươm tạo phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm, phát triển và chuyển giao các công nghệ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.

(Trích Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân)



Bài đăng KH&PT số 1347 (số 23/2025)