Nhiều kỳ vọng của xã hội đang được đặt vào KH&CN, coi đó là yếu tố then chốt của những đột phá trong tương lai góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Vậy dự thảo Luật KH,CN và ĐMST, khi được Quốc hội thông qua, có thể đáp ứng được những kỳ vọng ấy?

Hiệu trưởng ĐH Bách khoa HN Huỳnh Quyết Thắng (giữa) nghe ông Nguyễn Đoàn Kết (trái), Phó tổng Giám đốc Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, giới thiệu về công nghệ chiếu sáng thông minh. Ảnh: CCPR-Hạnh Phạm
Hiệu trưởng ĐH Bách khoa HN Huỳnh Quyết Thắng (giữa) nghe ông Nguyễn Đoàn Kết (trái), Phó tổng Giám đốc Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, giới thiệu về công nghệ chiếu sáng thông minh. Ảnh: CCPR-Hạnh Phạm

Trong hai năm 2023 và 2024, ở nhiều cuộc trao đổi với báo KH&PT, các chuyên gia tổ soạn thảo Luật KH&CN năm 2013 và nhiều nhà khoa học kỳ cựu ở các tổ chức KH&CN công lập cho rằng, ba trụ cột chính trong Luật KH&CN 2013 là đổi mới cơ chế đầu tư, đổi mới cơ chế tài chính và đổi mới chính sách đối với nhà khoa học đã tác động xuyên suốt toàn bộ quá trình sáng tạo của KH&CN mà những bên thụ hưởng trực tiếp chính sách là nhà khoa học, trường, viện và doanh nghiệp. Kết quả là hành lang pháp lý mới này đã đem lại những động lực quan trọng, làm thay đổi diện mạo nền KH&CN cũng như đóng góp vào sự phát triển của đất nước trên nhiều lĩnh vực.

Tuy nhiên, nói một cách công bằng thì những đổi mới của Luật KH&CN năm 2013 vẫn chưa đủ để đem lại những bứt phá mạnh mẽ và những biến chuyển lớn cho KH&CN. Một số nội dung trong luật vẫn khó áp dụng trong thực tế hoặc chậm đi vào cuộc sống, ví dụ như vấn đề hình thành và hoạt động của quỹ KH&CN tại doanh nghiệp và quỹ KH&CN tại địa phương, chính sách ưu đãi nhà khoa học đầu ngành, vấn đề chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sản phẩm KH&CN... Trong khi đó, chúng ta sống trong một thế giới đang không ngừng thay đổi và biên độ tác động của KH&CN vào đời sống con người đang ngày một được mở rộng. “Các tiên tiến khoa học và công nghệ mới là một nguồn lực kinh tế xã hội cho các quốc gia tận dụng những cơ hội quan trọng cho phát triển hoặc đối phó với những hiểm họa môi trường. Các tiên tiến khoa học và công nghệ mới cũng là những động lực quan trọng cho sự tăng trưởng kinh tế và sản xuất ở các quốc gia cũng như phúc lợi cao hơn cho người dân”, TS. Mario Coccia (Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Ý), trao đổi trong bài báo “Why do nations produce science advances and new technology?” (Tại sao các quốc gia tạo ra các tiên tiến khoa học và công nghệ mới?), được xuất bản trên tạp chí Technology in Society vào năm 2019. Frances Arnold, nhà khoa học đoạt giải Nobel Hóa học năm 2018, trong một phát biểu cũng nhấn mạnh vào vai trò rộng lớn hơn của khoa học trong thế giới mới, bao gồm cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội nhân văn, “KH&CN đang ngày một trở thành nền tảng của nhiều giải pháp cho những vấn đề xã hội”.


Theo dự thảo luật KHCN & ĐMST, toàn bộ quy trình sáng tạo của các nhà khoa học trong các trường viện, doanh nghiệp và nhìn rộng ra là cả quá trình sáng tạo của xã hội đều được đặt vào một không gian mới, hứa hẹn có nhiều “bộ công cụ” và quy tắc hỗ trợ sáng tạo hơn.


Trong bối cảnh đó, bộ quy tắc ứng xử và hành lang pháp lý cho các hoạt động KH&CN, được hình thành từ một thập niên trước, đã gặp phải nhiều giới hạn. “Luật được hình thành từ năm 2013, cho đến nay đã bộc lộ rất nhiều vấn đề. Tư tưởng của luật thì rất tốt nhưng việc triển khai thực hiện thì rất khó, vướng mắc rất nhiều, không chỉ là vướng mắc trong hệ thống triển khai của chúng ta, mà vướng mắc ngay từ hệ thống luật pháp”, TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN, trao đổi trong một cuộc thảo luận về sửa đổi Luật KH&CN do Ủy ban KH&CN, Môi trường của Quốc hội tổ chức vào cuối năm 2024, đồng thời dẫn ví dụ từ những vấn đề như viên chức không được phép thành lập và điều hành doanh nghiệp trong khi các doanh nghiệp spin-off lại là nơi đưa sản phẩm công nghệ vào thực tiễn nhanh và hiệu quả nhất. Những giới hạn trong thực thi khiến cho các kết quả đạt được còn khiêm tốn. Theo nhận xét cũng tại hội thảo này của PGS. TS Lê Bộ Lĩnh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban KH&CN, Môi trường của Quốc hội, “Rất nhiều vấn đề của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 mà chúng ta gần như đứng ở bên rìa, và đến bây giờ rất nhiều vấn đề pháp luật về AI, về dữ liệu, về tất cả những thứ khác vẫn còn chưa ngã ngũ”.

Một bộ luật KH&CN mới sẽ là nhân tố cần thiết để vượt được qua những giới hạn này.

Một nền tảng vững chắc cho KH&CN, ĐMST

Có lẽ, trong lịch sử phát triển, chưa bao giờ KH&CN Việt Nam lại nhận được nhiều hỗ trợ như hiện nay, khi liên tiếp ban hành nhiều văn bản quan trọng như Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Nghị quyết 03/NQ-CP ban hành chương trình hành động của chính phủ thực hiện Nghị quyết 57 và Nghị quyết 193/2025/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển KH&CN, ĐMST và chuyển đổi số quốc gia… Một số văn bản khác, ví dụ như Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, tuy bên trực tiếp thụ hưởng không phải là lĩnh vực KH&CN, đổi mới sáng tạo nhưng lại hứa hẹn có nhiều tác động đến KH&CN, đổi mới sáng tạo khi khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân sử dụng sản phẩm công nghệ, được phép trích tối đa 20% thu nhập tính thuế để lập quỹ phát triển KH&CN tại doanh nghiệp, có khung pháp lý thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với công nghệ mới… Có thể nói, đây chính là cơ sở và định hướng sát sườn cho dự thảo Luật KH,CN và ĐMST trong quá trình xây dựng và sửa đổi.

Mẫu máy bay điều khiển từ xa Dragonfly 26 được giới thiệu tại gian hàng của Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam.
Mẫu máy bay điều khiển từ xa Dragonfly 26 được giới thiệu tại gian hàng của Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam.


Khi đặt hoạt động KH&CN vào trung tâm của đổi mới sáng tạo quốc gia, việc tối ưu điều kiện làm việc của các nhà khoa học cần được chú trọng. Đồng thời cần một cơ chế quản lý thích hợp để các nhà khoa học có thể đưa sản phẩm công nghệ từ phòng thí nghiệm ra xã hội.
Lê Minh Hoan


Mặc dù vậy, việc hoàn thiện một hành lang pháp lý mới đủ sức vượt qua những giới hạn khiến luật cũ bị mắc kẹt và không thể phát huy sức ảnh hưởng, đồng thời dẫn dắt và thúc đẩy được những nguồn lực nội sinh theo chiến lược quốc gia không phải là điều dễ dàng. Trên thực tế thì công cuộc sửa đổi Luật KH&CN 2013 để tiến tới xây dựng dự thảo Luật KH,CN và ĐMST đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. Trong quá trình xây dựng, ban soạn thảo dự thảo Luật KH,CN và ĐMST đã phối hợp với nhiều cơ quan hữu quan, đặc biệt là Ủy ban KH&CN, môi trường của Quốc hội, để thảo luận và lấy ý kiến. Theo Bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân về dự thảo luật, Bộ KH&CN đã nhận được gần 700 ý kiến đóng góp từ 22 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, 9 doanh nghiệp, tổ chức hội, hiệp hội, liên đoàn, 46 UBND tỉnh, phố trực thuộc Trung ương. Đó là những góc nhìn khác nhau của các cơ quan, tổ chức và chuyên gia trong nhiều lĩnh vực quan trọng của đất nước về các nội dung của bản dự thảo để Bộ KH&CN tiếp thu hoặc tiếp tục nghiên cứu rà soát để có thể đề xuất bổ sung trong các quy định cụ thể hơn. Bản thân những góc nhìn khác nhau không chỉ tạo cơ hội để các nhà quản lý có được một cái nhìn toàn diện hơn về một vấn đề, cho phép thấy được ưu điểm và nhược điểm của chính sách khi được đưa vào áp dụng trong thực tiễn và quan trọng hơn, tạo ra một bộ luật mang tính “khuôn vàng thước ngọc” nhưng vẫn đủ sức tạo không gian mới cho các hoạt động KH&CN, ĐMST.

Có thể thấy điều đó trong các văn bản góp ý của các bộ, ngành, tổ chức, cá nhân gửi Bộ KH&CN, ví dụ Bộ Nội vụ đã “đề nghị rà soát dự thảo Luật, quy định chính sách trong việc ưu tiên phát triển KH&CN và ĐMST đối với một số ngành, lĩnh vực cụ thể theo từng thời kỳ có sự ưu tiên khác nhau và nên giao Chính phủ quy định chi tiết bảo đảm hơn tính khả thi của dự thảo Luật và tránh dàn trải, chống lãng phí, tiêu cực trong quá trình thực hiện”; Bộ Tài chính lưu ý “Nghị quyết số 57-NQ/TW đã đặt ra nhiệm vụ, giải pháp về ‘chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu’. Do đó, đề nghị Bộ KH&CN cần nghiên cứu quy định cụ thể, rõ ràng về cơ chế đặc thù, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học; tránh những quy định chung, hiểu không thống nhất trong tổ chức thực hiện sau này dẫn đến lợi dụng chính sách, gây thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước”; Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam “Nhiều tư tưởng, nội dung có giá trị của Luật KH&CN 2013 chưa thực hiện được cần phải giữ và bổ sung, ví dụ như nội dung về yêu cầu trong các dự án kinh tế xã hội lớn phải có nội dung chi cho KH&CN”; Bộ Công thương “đề nghị xem xét để có các quy định cụ thể, rõ ràng trong việc xác nhận cá nhân hoạt động KH&CN và ĐMST, nhất là cá nhân trong doanh nghiệp và các tổ chức khác để việc áp dụng các chính sách ưu đãi được khả thi trong thực tế”, UBND thành phố Hà Nội “để nội dung quy định cá nhân hoạt động nghiên cứu R&D trong tổ chức KH&CN công lập ‘được tham gia thành lập, điều hành doanh nghiệp’ có tính khả thi, đề nghị Bộ KH&CN rà soát quy định tại Luật Viên chức và có đề xuất điều chỉnh tương ứng tại Luật Viên chức và Chương XIII của Luật này, xin ý kiến Bộ Nội vụ để thống nhất nội dung này”…


Dự thảo luật cần hoàn thiện quy định liên quan đến các quỹ, bổ sung quy định về việc kết nối, phối hợp và đối ứng giữa các quỹ bộ, ngành, địa phương với Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia, đồng thời cần nghiên cứu quy định về cơ chế rút gọn thủ tục đầu tư cho các dự án trọng điểm về phát triển hạ tầng KH,CN và đổi mới sáng tạo.


Những ý kiến thiết thực đã góp phần bổ sung, củng cố và định hình dự thảo Luật KH,CN & ĐMST. Trong chương trình kỳ họp thứ 9, sáng 6/5/2025, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan, dự thảo Luật đã được Phó Thủ tướng Lê Thành Long trình bày tại Quốc hội với 8 chương và 83 điều, nghĩa là tăng 2 điều so với Luật KH&CN năm 2013 do bổ sung nội dung đổi mới sáng tạo. Các nội dung quan trọng của dự thảo bao gồm các chính sách về phát triển tổ chức KH&CN và tổ chức thúc đẩy ĐMST; Phát triển nhân lực KH,CN & ĐMST; Hoàn thiện các quy định về tài chính KH,CN & ĐMST; Hoàn thiện hạ tầng KH,CN & ĐMST; Phát triển thông tin KH,CN & ĐMST; Hoàn thiện quy định về chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; Quy định về Dự án ĐMST; Thúc đẩy phát triển KH,CN & ĐMST trong doanh nghiệp; Thúc đẩy thương mại hóa và phát triển thị trường công nghệ; Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; Hoàn thiện quy định về đánh giá chương trình, đề tài, đánh giá tổ chức KH&CN, tổ chức thúc đẩy ĐMST; Thúc đẩy phổ biến tri thức.

Sẽ tạo ra nhiều đột phá trong tương lai?

Những quyết sách về KH&CN phản chiếu bầu không khí xã hội và quan điểm về phát triển của các quốc gia. Nhìn chung, sự quan tâm của các quốc gia đối với việc tạo ra các tiên tiến khoa học và công nghệ mới cũng liên quan đến sự thích ứng của các quốc gia trong các môi trường kinh tế - xã hội không ngừng thay đổi theo thời gian và không gian. “Nước Mỹ thời kỳ hậu chiến là một quốc gia dẫn đầu thế giới về KH&CN. Những đầu tư cho nghiên cứu khoa học của Mỹ thật đáng kinh ngạc”, TS. Siddhartha Mukherjee, một chuyên gia về ung thư và miễn dịch học, từng nhận xét về lý do vì sao Mỹ lại trở thành một cường quốc hàng đầu thế giới.

Những ví dụ thành công như vậy khiến cả xã hội đặt kỳ vọng vào những gì mà cuộc sửa luật KH&CN năm 2013 sẽ đem lại. Đó cũng là lý do mà trong các buổi thảo luận về dự thảo Luật KH,CN & ĐMST, kéo dài từ năm 2024 đến đầu năm 2025, đều tập trung vào một mục tiêu, đó là làm thế nào để các hoạt động KH&CN, ĐMST có thể đem lại những kết quả lớn lao, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Nếu dự thảo luật, khi được thông qua, trở thành bệ phóng cho những đột phá thì sẽ tạo ra những biến chuyển lớn cho nền kinh tế. Sự đa dạng của nền kinh tế thông qua đổi mới sáng tạo cũng có thể làm giảm sự phụ thuộc vào một vài lĩnh vực thế mạnh và tăng cường sức chống chịu trước những cơn khủng hoảng kinh tế tiềm năng. Trong bối cảnh hiện nay, người ta không chỉ quan tâm đến tăng trưởng kinh tế mà còn chú trọng đến chất lượng cuộc sống. Những giải pháp làm tăng cường chất lượng cuộc sống là từ các hoạt động KH&CN, ĐMST, khi giúp cải thiện vấn đề chăm sóc sức khỏe, giáo dục, giao thông và những khía cạnh khác nhau của cuộc sống hằng ngày.

Để chuẩn bị cho những đột phá, dự thảo Luật KH,CN & ĐMST cần trở thành một bệ phóng vững chắc để kích hoạt nội lực và qua đó, có được các giải pháp mới. Đó là lý do mà các nhà khoa học trong các trường, viện đều hy vọng vào việc luật mới có thể tạo không gian thông thoáng hơn, rộng mở hơn để họ có thể làm việc trong điều kiện tốt nhất. Trong hội thảo về sửa Luật KH&CN do Ủy ban KH&CN, Môi trường của Quốc hội tổ chức, PGS. TS Phạm Bảo Sơn, Phó Giám đốc ĐHQGHN, từng đề cập đến việc khắc phục những khó khăn của các trường, viện bằng luật mới. Ông cho rằng những quy định về tự chủ, cơ chế đặt hàng nhiệm vụ khiến các trường viện rất khó phát huy được năng lực “Khi nguồn thu chủ yếu đến từ đào tạo thì các trường đại học quan tâm nhiều hơn đến hoạt động đào tạo và ít quan tâm đến hoạt động KH&CN. Trường đại học còn như vậy, nhìn sang các viện nghiên cứu còn khó khăn hơn nữa bởi các viện nghiên cứu không có nguồn thu từ chỗ nào cả, mà vẫn phải tự chủ. Đây là vấn đề về cơ chế tự chủ trong các viện nghiên cứu, chắc chắn phải có cơ chế phù hợp thì mới phát triển được”. Những vướng mắc chồng chất nối tiếp nhau. “Một trong những cái còn rất thiếu hiện nay là vấn đề đặt hàng. Hiện nay, chúng ta có cơ chế đặt hàng nhưng trên thực tế rất ít, hầu như không có”, ông phân tích. “Hiện nay, đa số các nhiệm vụ KH&CN đều đi theo hai bước: đặt hàng đề bài, sau đó là thuyết minh. Hai bước này phù hợp với trường hợp nhà nước đặt hàng nhưng trên thực tế lại không có nhiều đặt hàng như vậy. Đa số là các nhà khoa học, các nhóm nghiên cứu, các đơn vị đề xuất nhiệm vụ lên, lại phải có một hội đồng để chuyển thành đề bài đặt hàng, sau đó họ mới nộp thuyết minh. Tôi nghĩ điều này không phù hợp, bởi khi các nhà khoa học đã đề xuất lên, chúng ta chỉ nên đi một bước là thuyết minh thôi, không cần thêm một bước đặt đề bài nữa”.

Khi đặt hoạt động KH&CN vào trung tâm của đổi mới sáng tạo quốc gia, việc tối ưu điều kiện làm việc của các nhà khoa học cần được chú trọng. Trong buổi làm việc ngày 6/5, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan yêu cầu ban soạn thảo dự án Luật KH,CN & ĐMST cần quán triệt tinh thần Nghị quyết 57 để chú trọng hỗ trợ cho các nhà khoa học phát huy năng lực, tháo gỡ khó khăn cho các nhà khoa học trong việc phải thực hiện các thủ tục hành chính, hóa đơn, chứng từ. Các nhà khoa học cũng cần một cơ chế quản lý mới toàn diện hơn để có thể đưa sản phẩm công nghệ từ phòng thí nghiệm ra xã hội, bởi “ở các nước phát triển, các công ty spin-off mới là yếu tố quyết định để đưa kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học ra thị trường”, TS. Nguyễn Quân trao đổi trong phiên họp lấy ý kiến của Ủy ban KH,CN & MT của Quốc hội.

Do đó, những cơ chế quản lý mới được quy định trong dự thảo Luật KH,CN & ĐMST cần bao quát cả một chu trình sáng tạo. Tại phiên họp ngày 6/5, Ủy ban KH,CN & MT của Quốc hội khi đề cập đến nguồn nhân lực chất lượng cao ở trong nước và quốc tế đã đề nghị ban soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định về thu hút, trọng dụng nhân tài, ưu đãi các nhà khoa học, trong đó cần lưu ý thêm các quy định về các tiêu chí xác định nhân tài, quy định về xuất nhập cảnh, thời gian lưu trú ở Việt Nam cho chuyên gia nước ngoài, đồng thời rà soát các quy định về hợp tác quốc tế để bổ sung các quy định nhằm đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính, tài chính trong hợp tác quốc tế, thiết kế các quy định để kịp thời giải quyết những bất cập về hợp tác quốc tế trong thực tiễn triển khai, ví dụ như quy trình, thủ tục tiếp nhận tài trợ cho khoa học từ nước ngoài, tổ chức hội thảo quốc tế…

Bên cạnh đó, để tăng cường nguồn lực tài chính cho khoa học, Ủy ban KH,CN & MT của Quốc hội lưu ý dự thảo luật cần hoàn thiện quy định liên quan đến các quỹ, bổ sung quy định về việc kết nối, phối hợp và đối ứng giữa các quỹ bộ, ngành, địa phương với Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia, đồng thời cần nghiên cứu quy định về cơ chế rút gọn thủ tục đầu tư cho các dự án trọng điểm về phát triển hạ tầng KH,CN và ĐMST. Đây không chỉ là sự thể hiện tinh thần trân trọng nguồn kinh phí đất nước dành cho hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo mà còn là giải pháp hữu hiệu trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước như mong đợi của các nhà khoa học, “rất cần cơ chế đầu tư các trang thiết bị cho phòng thí nghiệm bởi hiện nay, phải đưa việc đầu tư này vào kế hoạch trung hạn. Tôi nghĩ chúng ta phải có cơ chế đầu tư tăng cường năng lực hằng năm cho các phòng thí nghiệm”, PGS. TS Phạm Bảo Sơn từng chia sẻ.

Dĩ nhiên, việc nới rộng không gian cho sáng tạo cũng là nhằm hướng quá trình sáng tạo đến mục tiêu đem lại các giải pháp phục vụ cộng đồng và phát triển đất nước. Trong quá trình ấy, các hoạt động sáng tạo cũng cần quy tụ được các nguồn lực xã hội. Vì vậy, Ủy ban KH,CN & MT của Quốc hội đã trao đổi với ban soạn thảo dự luật là quan tâm hơn nữa đến vấn đề tài chính cho khoa học thông qua việc rà soát, bổ sung các quy định để thu hút, khơi thông nguồn vốn đầu tư từ cộng đồng, xã hội, đặc biệt từ khu vực tư nhân. Muốn tư nhân gia nhập cuộc chơi sáng tạo công nghệ, dự thảo luật cần tiếp tục thể chế hóa chủ trương của Đảng về vai trò của doanh nghiệp và kinh tế tư nhân, trao quyền cho các bên được tự do hợp tác về R&D cũng như quyền tự do kinh doanh trong ứng dụng kết quả nghiên cứu và phát triển công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Có lẽ, sẽ cần đến thời gian để chứng kiến những đột phá như kỳ vọng sẽ đến, khi chính sách đi vào cuộc sống. Tuy nhiên có thể thấy rằng, ít nhất một không gian được tối ưu bằng các chính sách có tầm nhìn như vậy sẽ thúc đẩy và kết nối hoạt động sáng tạo từ các phòng thí nghiệm ở trường, viện đến các doanh nghiệp.

Bài đăng KH&PT số 1344 (số 20/2025)