Theo các nhà phân tích chính sách, Ủy ban châu Âu không thể tài trợ cho nghiên cứu chỉ để có được lợi nhuận đầu tư. Điều này không chỉ lãng phí tài năng mà còn bỏ lỡ khả năng cạnh tranh của châu Âu.
Cộng đồng học thuật đã phản đối những kết luận từ đánh giá bước đầu về Chương trình Horizon Europe, được Ủy ban châu Âu công bố vào ngày 30/4/2025.
Ủy ban châu Âu thấy rằng khoản đầu tư hiệu quả (mỗi Euro chi tiêu cho đến nay có thể mang lại tới 11 Euro lợi nhuận cho GDP vào năm 2045), nhưng có đến 70% đề xuất nghiên cứu xuất sắc không được tài trợ. Kết luận tạm thời này theo lãnh đạo của các trường đại học, đó là dấu hiệu của sự thiếu tham vọng.
Kamila Kozirog, Phó Giám đốc nghiên cứu và đổi mới tại Hiệp hội Đại học châu Âu, nhận định: “Điều này không chỉ lãng phí tài năng mà còn là một cơ hội bị bỏ lỡ cho khả năng cạnh tranh của châu Âu”.
Những người khác trong cộng đồng học thuật cho rằng việc Ủy ban tập trung vào lợi nhuận ngay lập tức là sai lầm. Điều quan trọng cần nhấn mạnh là nghiên cứu không nên bị đặt dưới sự chi phối duy nhất của các mục tiêu chính sách ngắn hạn và cạnh tranh kinh tế. Theo bà Lidia Borrell-Damián - Tổng thư ký của Tổ chức Science Europe, nghiên cứu cơ bản tự do và các ngành khoa học có thể không đưa ra được phản hồi tức thì hay ngắn hạn cho các thách thức chính sách […] nhưng vẫn phải tiếp tục nhận được sự hỗ trợ đầy đủ.
Laura Keustermans - cán bộ chính sách cấp cao tại Liên đoàn các trường đại học nghiên cứu châu Âu - lo ngại rằng bản đánh giá bước đầu này không đề cập đến vai trò từ dưới lên của các công cụ tài trợ như Hội đồng đổi mới châu Âu, Hội đồng nghiên cứu châu Âu và Chương trình Hành động Marie Skłodowska-Curie. Bà lo ngại rằng những công cụ này có thể bị “hạn chế, cắt giảm hoặc biến mất hoàn toàn” để nhường chỗ cho “sự định hướng ngày càng gia tăng”.
Các thành viên của Nghị viện châu Âu và nhóm vận động hành lang học thuật đã thúc giục Ủy ban phân bổ cho Chương trình Khung nghiên cứu tiếp theo (FP10) một khoản ngân sách được bảo vệ ít nhất là 200 tỷ Euro. Đối với Kozirog, “đây không chỉ là một con số mà là một điều cần thiết để phù hợp với tham vọng mà châu Âu tuyên bố về vị thế lãnh đạo toàn cầu trong nghiên cứu và đổi mới”.
Tuy nhiên, hiện tại, có vẻ như cơ quan điều hành EU sẽ sáp nhập FP10 vào Quỹ năng lực cạnh tranh mới nhằm tập trung và hợp lý hóa các nỗ lực kích thích đổi mới, năng suất và tăng trưởng kinh tế trong khối 27 thành viên. Từ tháng chín năm ngoái, đã có nhiều đồn đoán rằng thay vì một chương trình độc lập kế nhiệm Horizon Europe vào năm 2028, nguồn tài trợ cho nghiên cứu và đổi mới sẽ được tích hợp vào một Quỹ Cạnh tranh châu Âu rộng hơn. Mặc dù Ủy viên phụ trách nghiên cứu, bà Ekaterina Zaharieva, đã nói vào đầu tháng tư rằng vẫn có thể có cả một FP10 độc lập và một Quỹ Cạnh tranh, việc FP10 không xuất hiện trong chiến lược Cạnh tranh của Ủy ban châu Âu chỉ càng làm gia tăng những lo ngại đó.
Những sai sót nghiêm trọng hơn
Daniel Gros, Giám đốc Viện Chính sách châu Âu tại Đại học Bocconi, sẽ hoan nghênh một ngân sách nghiên cứu cao hơn cho EU, nhưng ông muốn EU cắt giảm tài trợ cho các tập đoàn lớn tham gia vào quan hệ đối tác theo Trụ cột 2 của Horizon Europe - điều mà ông coi là sự hỗ trợ hào phóng cho nghiên cứu hợp tác không phải lúc nào cũng cần thiết. “Thực ra, nên ưu tiên các dự án nhỏ hơn nhưng có tiềm năng đột phá lớn hơn”, ông nói.
Riccardo Bernardini - phó giáo sư về xử lý tín hiệu số tại Đại học Udine lại cho rằng, việc lấy mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh của châu Âu làm định hướng là cần thiết, nhưng ông “không đồng ý với quan điểm rằng nghiên cứu ở mức độ sẵn sàng công nghệ thấp (low-TRL) nên bị đặt dưới sự phục vụ cho các ứng dụng công nghiệp”, ông nói. Ví dụ, cơ học lượng tử ra đời vào những năm 1920 từ mong muốn hiểu được những thiếu sót trong vật lý cổ điển, và không có ứng dụng cụ thể nào trong tầm nhìn. Nhưng một thế kỷ sau, lĩnh vực này hiện là nền tảng của phần lớn công nghệ hiện đại.
“Tôi có cảm giác rằng châu Âu muốn tiếp tục theo đuổi chính sách ‘đổi mới thận trọng’: lấy các công nghệ đã phát triển và sử dụng chúng để phát triển sản phẩm và dịch vụ”, Bernardini nói.
Một khía cạnh của vấn đề này là xu hướng đưa sẵn các giải pháp vào trong các lời kêu gọi đề xuất nghiên cứu. Ví dụ, thay vì một lời kêu gọi mở về các giải pháp chống lại các sự kiện đại dịch, lời kêu gọi lại yêu cầu các giải pháp áp dụng trí tuệ nhân tạo hoặc blockchain để chống lại các sự kiện đại dịch. “Tại sao phải bắt buộc sử dụng AI? Nếu AI là một công cụ hữu ích, sẽ có người tự dùng nó,” Bernardini nói.
Nỗ lực đơn giản hóa
Ủy ban cũng sử dụng đánh giá tạm thời để nhấn mạnh những nỗ lực nhằm đơn giản hóa việc tài trợ nghiên cứu, một động thái được cộng đồng học thuật đón nhận nồng nhiệt.
Ví dụ, Science Europe ủng hộ các kế hoạch tinh gọn cả các nhiệm vụ và quan hệ đối tác, nhưng đồng thời cảnh báo sự thận trọng, đặc biệt với những động thái làm cho các hồ sơ đăng ký bớt nghiêm ngặt hơn. “Việc đơn giản hóa không nên là lý do để nới lỏng các tiêu chí liên quan đến đạo đức nghiên cứu, khoa học mở, sự bền vững, bình đẳng, đa dạng và hòa nhập, hay cân bằng giới tính,” bà Borrell-Damián nói.
Kozirog cũng cảnh báo không nên coi Trụ cột 2, bao gồm nghiên cứu về các thách thức toàn cầu, là gánh nặng hành chính và cuối cùng làm giảm tham vọng của nó.
Một số người khác lại cho rằng sự phức tạp trong chương trình đang tăng lên thay vì giảm đi. “Ủy ban rất chú trọng vào việc đơn giản hóa Chương trình Khung, nhưng đồng thời lại muốn đưa vào các lời kêu gọi đề xuất mang tính xuyên suốt và xem xét dành một tỷ lệ nhất định trong các khoản tài trợ của Trụ cột 2 cho các biện pháp chuyển giao công nghệ khi phù hợp,” Keustermans nói.
“Nói chung, Ủy ban nên áp dụng một cách tiếp cận toàn diện đối với việc đơn giản hóa, bao gồm cả việc kiềm chế không liên tục thêm vào các ưu tiên, công cụ hoặc nghĩa vụ mới,” bà nói thêm.
Nguồn: Sciencebusiness
Bài đăng KH&PT số 1346 (số 22/2025)