Tiến sỹ (TS) Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TPHCM - cho rằng, việc hướng dẫn về tài chính, cơ chế, nguyên tắc hỗ trợ tới nay vẫn chưa cụ thể.

Khi nhận định về đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đến năm 2025 (đề án 844) đã có nội dung rõ ràng về pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo liên quan tới sử dụng kinh phí của Nhà nước

Sáng tạo trong việc hỗ trợ khởi nghiệp

Sở KH&CN TPHCM vừa quyết định hỗ trợ tài chính cho 14 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với tổng kinh phí gần 11,8 tỷ đồng, nằm trong gói chương trình hỗ trợ Speedup 2017, do sở công bố cuối năm 2016. Mức hỗ trợ thấp nhất là 350 triệu đồng cho dự án “Usedata - Nền tảng tương tác khách hàng dành cho thương mại điện tử”, thực hiện trong 4 tháng và cao nhất là gần 1,3 tỷ đồng cho dự án “Thiết kế và chế tạo thiết bị phẫu thuật ứng dụng công nghệ laser vi điểm”, thực hiện trong 13 tháng.

Tiến sỹ Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM.
Tiến sỹ Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM.

Các dự án được tài trợ theo Quyết định số 5342/ QĐ- UBND do TPHCM ban hành ngày 11/10/2016 (quy chế phối hợp hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo). Trong đó, các nội dung được hỗ trợ tài chính thông qua vườn ươm gồm một phần kinh phí cho cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như: Trả tiền công lao động trực tiếp và sử dụng dịch vụ; nghiên cứu hoàn thiện sản phẩm, đào tạo, huấn luyện khởi nghiệp, nghiên cứu thị trường, quảng bá sản phẩm... Thực chất các hoạt động hỗ trợ trên của TPHCM được vận dụng từ chính sách và nguồn ngân sách hỗ trợ hoạt động nghiên cứu KH&CN.

Theo TS Nguyễn Việt Dũng, trong khi chờ Bộ KH&CN và Bộ Tài chính có hướng dẫn cụ thể việc hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, Sở KH&CN TPHCM đã tham mưu cho thành phố hỗ trợ theo cơ chế thực hiện nhiệm vụ KH&CN. Theo đó, Nhà nước hỗ trợ nghiên cứu KH&CN, có xác định tỷ lệ sở hữu, ưu tiên chuyển giao khai thác kết quả cho tác giả và cơ quan chủ trì. Nếu việc khai thác có hiệu quả, đơn vị khai thác sẽ hoàn lại cho Nhà nước theo quy định.

Cần khung pháp lý cụ thể

Thời gian qua, Sở KH&CN TPHCM đã có nhiều hoạt động thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo như: Cung cấp không gian làm việc chung, tổ chức sự kiện miễn phí cho cộng đồng khởi nghiệp, xây dựng và phát triển mạng lưới kết nối với chuyên gia, nhà đầu tư trong nước và quốc tế, tổ chức các chương trình đào tạo... nhằm hỗ trợ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có dự án khởi nghiệp hiện thực hóa ý tưởng.

TS Nguyễn Việt Dũng cho rằng, nếu có hệ sinh thái hoạt động hiệu quả, khi một người có ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo, cộng đồng sẽ giúp họ phát triển thông qua các hành động cụ thể như: Hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ tài chính, thị trường, kỹ năng, kiến thức...

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân tham quan sản phẩm của startup bên ngoài khuôn viên Sihub. Ảnh: Ngọc Lý
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân tham quan sản phẩm của startup bên ngoài khuôn viên Sihub. Ảnh: Ngọc Lý

“Việc này giúp cho các cá nhân, các nhóm có dự án khởi nghiệp sáng tạo đẩy nhanh tiến độ hiện thực hóa ý tưởng. Nếu đơn độc thực hiện, họ có thể mày mò nhiều năm mới ra được sản phẩm. Với sự hỗ trợ của hệ sinh thái, họ có thể rút ngắn thời gian nhiều lần, thành công hay không cũng sẽ sớm biết và nếu thành công thì đôi bên cùng có lợi” - ông Nguyễn Việt Dũng nhận định.

Theo Giám đốc Sở KH&CN TPHCM, để hỗ trợ hiệu quả hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, phải có quy định rõ ràng về nguyên tắc tài chính. Đề án 844 đã thể hiện nội dung này rất rõ, nhưng chưa có hướng dẫn về tài chính, cơ chế nguyên tắc. Do đó, thành phố phải vận dụng từ nguồn ngân sách nghiên cứu khoa học, gây ra sự bấp bênh cho các bên thực hiện.

Ông Nguyễn Việt Dũng đề xuất, nên có khung pháp lý rõ ràng gồm 2 loại hỗ trợ: Hoàn lại và không hoàn lại. Về hỗ trợ có hoàn lại, cần quy định rõ các điều kiện hoàn. Nhiều nước có chính sách quy định rất rõ 2 hình thức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo là hỗ trợ không hoàn lại (grant) và cho vay (loan), nói rõ là có áp dụng lãi suất hay không. Nếu sau giai đoạn vay, doanh nghiệp không có khả năng trả nợ thì với một số điều kiện khách quan cụ thể, các khoản vay cũng có thể được chuyển thành hỗ trợ không hoàn lại.

Về phương thức hỗ trợ của Nhà nước - theo ông Nguyễn Việt Dũng, nhiều quốc gia trên thế giới đang thực hiện phương án có đối ứng, nghĩa là Nhà nước chỉ hỗ trợ các dự án khởi nghiệp sáng tạo có sự cam kết hỗ trợ của bên thứ ba (như từ các quỹ đầu tư mạo hiểm khác của khu vực tư nhân). Sở KH&CN TPHCM đang khuyến khích, ưu tiên các dự án dạng này.

TPHCM đang có nhiều đơn vị hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp sáng tạo như Sở KH&CN, Sở Công Thương, Thành đoàn TPHCM, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp công nghệ cao, Khu phần mềm Quang Trung, Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Bách khoa...

Các đơn vị này đều có không gian hỗ trợ khởi nghiệp và các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp như: Khóa huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng về quản lý, các chính sách mới, các buổi thảo luận sinh hoạt chuyên đề liên quan đến khởi nghiệp, hỗ trợ kết nối với nhà đầu tư, ngân hàng...