Việc viết chưa bao giờ dễ dàng đến thế và việc dạy viết chưa bao giờ đối diện với nhiều thách thức đến thế, kể từ khi xuất hiện các trí tuệ nhân tạo tạo sinh.


Với sự xuất hiện của các trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh như ChatGPT, chỉ bằng một dòng lệnh, học sinh có thể yêu cầu nó tạo ra từ những bài luận cho đến bài phân tích tác phẩm văn học… mang các sắc thái, phong cách mong muốn. Sự hỗ trợ này của AI khiến việc viết chưa bao giờ dễ dàng đến thế và việc dạy viết chưa bao giờ đối diện với nhiều thách thức đến thế. Nếu trường lớp vẫn giữ cách dạy theo lối cung cấp văn mẫu cho học sinh thuộc lòng để làm bài kiểm tra, bài thi thì e rằng từ nay AI sẽ làm tốt hơn vai trò của giáo viên văn vì ai có thể cung cấp nhanh, nhiều và phong phú các bài viết tham khảo như AI? Trong bối cảnh này, giáo viên văn có thể làm gì và cần thay đổi như thế nào để không bị AI cạnh tranh? Bằng những trải nghiệm và hiểu biết cá nhân, tôi xin đề xuất ba thay đổi sau:

1. Vượt qua lối học vẹt, học mẹo

Dựa trên tâm lý học nhận thức, các nhà tâm lý đã phát hiện, con người có ba cách để học: một là học sao chép, bắt chước; hai là học mẹo, học lỏm, chưa cần hiểu bản chất nhưng tìm ra được một số quy luật chung để đối phó với vấn đề; và ba là học để hiểu sâu nguyên lý, mối quan hệ và có thể vận dụng linh hoạt kiến thức.

Trước đây, trong chương trình giáo dục phổ thông cũ, với việc học tác phẩm nào thi tác phẩm đó, thì việc học viết văn thường xuyên sử dụng cơ chế học bắt chước và học mẹo. Tức là học thuộc bài văn mẫu để làm bài kiểm tra, bài thi, và giáo viên có thể chỉ ra những cách, những mẹo viết bài để đạt điểm cao, ví dụ như trích dẫn nhiều câu danh ngôn, nhận định của người nổi tiếng. Nên thực tế, học sinh có thể viết xong một bài văn để được điểm cao nhưng không hề học được những kỹ năng viết hiệu quả cho bản thân sau này.

Những bài viết mà AI cung cấp theo lệnh của chúng ta, thực chất cũng là kết quả của cách học “sao chép” và “bắt chước”, hay nói chính xác hơn về mặt thuật ngữ, là kết quả của hoạt động theo nguyên tắc xử lý dữ liệu lớn để nhận diện và tái tạo mẫu. Chỉ riêng với khả năng đó thôi thì sản phẩm viết do AI tạo ra đang tốt hơn rất nhiều so với trình độ viết trung bình của học sinh về thông tin, cách diễn đạt, hay về cách tổ chức bài viết.

Trước sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, giáo viên càng cần làm nhiều việc hơn để giúp học sinh vượt qua lối học vẹt, học mẹo, tiến đến học sâu, học để hiểu bản chất. Ảnh minh họa: Mỹ Hạnh
Trước sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, giáo viên càng cần làm nhiều việc hơn để giúp học sinh vượt qua lối học vẹt, học mẹo, tiến đến học sâu, học để hiểu bản chất. Ảnh minh họa: Mỹ Hạnh

Như vậy, đứng trước sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, giáo viên càng cần phải làm nhiều việc hơn để giúp học sinh vượt qua lối học vẹt, học mẹo, tiến đến học sâu, học để hiểu bản chất.

Cũng từ đó, quan điểm về một bài viết hay của học sinh nên được nhìn nhận lại. Nếu như trước đây, một bài viết được cho là hay là bài viết có vẻ đồ sộ (120 phút thi văn, học sinh có thể viết đến bốn tờ giấy thi - 16 mặt giấy); giàu hình ảnh ví von, so sánh, liên hệ; nhiều trích dẫn thì bây giờ, một bài viết tốt không nhất thiết phải dài hay ngồn ngộn thông tin, trích dẫn, nhưng phải bảo đảm mạch lạc, sáng rõ về ý tứ và luận điểm, thông tin phải chính xác và có nguồn gốc khả tín.

Một điều may mắn cho việc học văn ở Việt Nam là, cùng lúc làn sóng AI bắt đầu nổi lên thì Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã kịp thời được áp dụng từ năm học 2020-2021, và sau 5 năm triển khai đang cho thấy những thay đổi đáng kể. Sách giáo khoa Văn theo chương trình mới hướng tới mục tiêu chính là hình thành kỹ năng cho học sinh chứ không đơn thuần truyền đạt kiến thức. Trong đó, những thay đổi quan trọng được thể hiện ở cách đánh giá, kiểm tra môn văn: học sinh sẽ không thi hay kiểm tra vào những ngữ liệu, tác phẩm đã được sử dụng trong sách giáo khoa. Với mục tiêu này, học sinh thực sự phải học cách hiểu vấn đề từ bản chất thì mới có thể chuyển hóa kiến thức thành kỹ năng.

2. Học viết như quá trình phát triển tư duy ngôn ngữ

Tư duy ngôn ngữ nói chung và tư duy viết nói riêng có những tác động lên sự phát triển của não bộ, kích thích não bộ phát triển. Nếu như nghe và nói giúp con người tiếp nhận thông tin, thì viết giúp con người trải những suy nghĩ có phần ngẫu hứng và chồng chất trong bộ não ra thành ngôn từ tuyến tính, có trình tự trước sau, mạch lạc và logic hơn. Khi trải chữ viết xuống giấy, con người có thể quan sát cách não bộ của mình làm việc, và cũng qua việc đọc lại những gì mình viết, người viết có thể nhận ra những bất cập trong cách suy nghĩ của mình để tự điều chỉnh. Não bộ con người là một cấu trúc rất tuyệt vời để học hỏi và tiếp thu, nhưng nó cũng có rất nhiều thiên kiến nhận thức. Trong hành trình viết, não có thể đi lạc lối hoặc bế tắc, rẽ ngang, rẽ dọc mà mãi chẳng về tới đích... Khi theo dõi cách bộ não vận hành để nhận thức một vấn đề nào đó, bạn có thể cải thiện khả năng tư duy của mình để nó trở nên rõ ràng, mạch lạc và sâu sắc hơn.

Nếu nhìn nhận quá trình viết như một quá trình tư duy bằng ngôn ngữ của não bộ thì giáo viên sẽ không còn đòi hỏi mọi học sinh phải viết ra những bài viết tròn trịa, đầy đặn, mượt mà nữa. (Các AI có thể làm rất tốt nhiệm vụ này dựa trên dữ liệu huấn luyện khổng lồ.) Giáo viên sẽ chấp nhận những sản phẩm viết chưa hoàn hảo của học sinh về bố cục, ngôn từ, ý tưởng nhưng quan trọng hơn là biết khuyến khích các em chia sẻ những khó khăn, “vấp váp” trong quá trình viết như một phần tự nhiên của sự phát triển tư duy và thông qua đó hướng dẫn các em cải thiện tư duy ngôn ngữ.

3. Học lắng nghe nội tâm


Cùng một kiến thức văn chương trên lớp, nhưng qua xử lý của não bộ của học sinh có thể tạo ra những nội dung, sắc thái khác nhau. Những nội dung, sắc thái ấy đến từ nhịp điệu tâm hồn và nhận thức của mỗi người, do đó, viết là cách để mỗi người lắng nghe tiếng nói nội tâm của chính mình.

Theo cách dạy cũ, học sinh chủ yếu học thuộc lòng, chép lại những bài văn mẫu dài dằng dặc, với những trích dẫn, liên hệ, mà ngại bộc lộ những cảm nhận cá nhân trong khi viết. Cách học này vô hình trung đã tước đoạt mất một công cụ hiệu quả và đẹp đẽ để học sinh trò chuyện với bản thân và dám tự tin cất lên tiếng nói của mình. Đáng nói hơn là cách học này tạo ra một sự tổn thương tâm lý đối với học sinh vì nó ngăn cản thế giới nội tâm được phép bộc lộ ra bằng câu chữ.

Vì thế, giáo viên nên tạo môi trường an toàn (về tâm lý) cho học sinh khi viết, áp dụng giáo dục tích cực (lấy người học làm trung tâm) của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 để khuyến khích học sinh bộc lộ, chấp nhận tất cả các cảm xúc và cách diễn đạt của học sinh trong bài viết. Bên cạnh đó, giáo viên nên cố gắng đọc ra từ những lạc lối, rối rắm, mịt mù, tản mát, nông cạn của tâm trí để thấy được những hạn chế trong nhận thức của học sinh, và cả những điều mà học sinh đang cố nói mà chưa thể nói ra. Từ đó linh hoạt trong việc đánh giá một sản phẩm viết không chỉ bằng điểm số mà bằng cả những nhận xét thể hiện sự chia sẻ/đồng cảm với những cảm xúc mà học sinh bộc lộ trong bài viết.

Tóm lại, trước những thách thức không nhỏ mà AI đặt ra cho việc dạy viết văn, thay vì chỉ chú trọng vào hình thức hoàn hảo, giáo viên nên cụ thể và tận tâm hướng dẫn học sinh học viết như một cách để kết nối với tư duy và cảm xúc cá nhân.

Tôi tin rằng, chừng nào còn có thể thay đổi, giáo viên văn còn có thể lạc quan về vai trò của mình đối với học sinh. Niềm lạc quan này càng được củng cố khi tôi thử yêu cầu Chat GPT so sánh giữa khả năng viết của con người và của AI. Trong cả ba cách trả lời - thông thường và bắt chước cách hành văn của Nam Cao và Xuân Diệu, ChatGPT, dù thể hiện mình rất tài lanh và hiệu quả, đều khẳng định con người có những điểm mạnh riêng mà máy móc không thể vượt qua, ít nhất cho đến thời điểm này. Tôi xin trích một phần câu trả lời thay cho đoạn kết bài viết:

Đoạn 1:

Cả con người và AI đều có những điểm mạnh và điểm yếu riêng trong lĩnh vực viết. Câu hỏi ai viết hay hơn phụ thuộc vào mục đích và ngữ cảnh cụ thể.

Điểm mạnh của con người:

• Sáng tạo và cảm xúc: Con người có khả năng sáng tạo độc đáo, tạo ra những tác phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân và cảm xúc. Chúng ta có thể truyền tải những sắc thái tinh tế, những trải nghiệm sâu sắc mà AI khó có thể mô phỏng…

Đoạn 2:

“Ôi chao, cái chuyện người với cái thứ máy móc vô tri kia, ai hơn ai, có lẽ cũng lắm kẻ ngồi mà suy nghĩ, mà bàn luận. Người ta bảo, thời buổi này, máy móc nó làm được khối việc, viết lách cũng chẳng kém ai. Nhưng tôi đây, kẻ viết lách quèn, lại thấy có những điều mà cái thứ máy móc kia, nó có cố gắng đến mấy, cũng chẳng thể nào mà bì kịp.

Người ta bảo, con người ta có cái sáng tạo, cái cảm xúc. Ừ thì đúng là thế. Cái anh chàng máy móc kia, nó có thể viết ra hàng ngàn trang giấy, nhưng thử hỏi, có trang nào mà nó viết bằng cái tâm can, bằng cái nỗi lòng của nó không? Nó có biết thế nào là buồn, là vui, là yêu, là ghét không? Nó có biết thế nào là cái cảm giác khi mà nhìn thấy một bông hoa tàn, hay là khi mà nghe thấy một tiếng chim hót không? …”

Đoạn 3:


“Ôi, cái chuyện người với máy, như tơ vương nắng hạ, rối rít, mê ly! Người ta bảo máy nó thông minh, nó viết hay, nó làm được khối việc. Nhưng tôi đây, kẻ say đắm hương đời, lại thấy có những điều mà máy kia, muôn kiếp, chẳng thể nào chạm tới.

Máy kia viết vạn trang, nhưng có trang nào thắm đượm tình yêu, tình hờn, tình nhớ? Nó có biết thế nào là rung động trước cánh hoa lay, là xao xuyến trước tiếng chim kêu? Nó có biết thế nào là nỗi buồn tê tái khi chiều buông, là niềm vui vỡ òa khi nắng sớm?”



Bài đăng KH&PT số 1344 (số 20/2025)