Trong hành trình thương mại hóa tài sản trí tuệ (IP), nhiều người cho rằng thị trường và các quy định pháp lý là trở ngại lớn nhất. Nhưng các cuộc trò chuyện với chuyên gia đổi mới trong trường đại học hé lộ một góc nhìn hoàn toàn khác: thách thức thật sự nằm ở động lực nội tại của khối học thuật và môi trường hỗ trợ thiếu linh hoạt xung quanh.

Các nhà nghiên cứu cần một môi trường linh hoạt, ít rào cản và có hệ thống hỗ trợ vững chắc để giúp họ “ra ngoài rồi trở lại” mà không bị ảnh hưởng đến sự nghiệp. Ảnh: VNU
Các nhà nghiên cứu cần một môi trường linh hoạt, ít rào cản và có hệ thống hỗ trợ vững chắc để giúp họ “ra ngoài rồi trở lại” mà không bị ảnh hưởng đến sự nghiệp. Ảnh minh họa: VNU

Động lực từ việc sở hữu

Hiện nay, khu vực học thuật có hai cách phổ biến để chủ động thương mại hóa các kết quả nghiên cứu. Cách thứ nhất được gọi là “đặc quyền của giáo sư” - tức là trao cho giảng viên và nhà nghiên cứu tùy chọn bất cứ thứ gì họ phát triển, và toàn quyền sở hữu những gì họ phát minh. Họ có thể trực tiếp nộp đơn xin cấp bằng sáng chế và tự thương mại hóa sản phẩm của mình.

Hệ thống “đặc quyền của giáo sư” đã rất phổ biến ở các quốc gia Mỹ và châu Âu trước những năm 1980, cho đến khi Đạo luật Bayh-Dole của Mỹ ra đời nhằm chuyển quyền sở hữu các tài sản trí tuệ (IP) cho trường đại học. Về cơ bản, trường đại học sẽ sở hữu tất cả các phát minh mà nhà khoa học trong trường tạo ra, và thành lập các văn phòng chuyển giao công nghệ (Technology Transfer Office - TTO) để cố gắng thương mại hóa chúng. Trách nhiệm thương mại hóa, theo đó sẽ chuyển từ cá nhân nhà khoa học sang một bộ phân chuyên trách hơn, có thời gian và mạng lưới gắn bỏ với ngành công nghiệp rộng rãi.

Cuộc tranh luận về “đặc quyền của giáo sư” hay “quyền sở hữu IP của trường đại học” là một câu chuyện thú vị. Một số người cho rằng đặc quyền của giáo sư có thể cản trở việc chuyển giao công nghệ, vì nhà nghiên cứu có thể không đủ nguồn lực hoặc chuyên môn để thương mại hóa IP của họ một cách hiệu quả. Những người khác tin rằng nó cung cấp động lực lớn hơn cho các nhà nghiên cứu đổi mới và thương mại hóa công việc của họ một cách độc lập, có khả năng dẫn đến kết quả thương mại hóa đa dạng hơn.

Tuy vậy, câu chuyện vẫn chưa ngã ngũ. Kinh nghiệm từ nhiều quốc gia cho thấy không tồn tại một mô hình duy nhất. Chẳng hạn, tại Mỹ và Anh, các TTO của những trường đại học lớn hoạt động rất hiệu quả. Nhưng ở Phần Lan và Thụy Điển, có một vài dấu hiệu cho thấy việc chuyển quyền sở hữu trí tuệ sang TTO không mang lại kết quả như kỳ vọng và sẽ tốt hơn nếu để các nhà nghiên cứu của trường đại học tự thương mại hóa chúng.

Trung Quốc, nơi các trường đại học và tổ chức nghiên cứu từng kiểm soát gần như toàn bộ tài sản trí tuệ do nhân viên tạo ra, trong những năm gần đây (từ 2020) đã thí điểm cách tiếp cận hỗn hợp hơn: cho phép các giáo sư giữ lại một phần quyền sở hữu trí tuệ, thường là trong thỏa thuận đồng sở hữu với trường đại học. Một số trường đại học, như Trường Đại học giao thông Tây Nam (SWJTU) phân bổ tới 70% quyền sở hữu bằng sáng chế cho nhà phát minh (giáo sư), chỉ giữ lại 30% cho trường. Kết quả, quyền sở hữu hỗn hợp làm tăng hoạt động thương mại hóa do nhà phát minh dẫn dắt, trong khi nghiên cứu học thuật không bị suy yếu bởi các nỗ lực thương mại hóa.

Cũng như nhiều nước, luật pháp của Việt Nam đang có xu hướng đi theo con đường trao quyền sở hữu IP cho các trường đại học và giảm những đặc quyền của giáo sư. Dẫu cho không chính thức, các nhà nghiên cứu Việt Nam đã “ngầm” áp dụng đặc quyền của giáo sư trong một thời gian dài để vượt qua các rào cản khó khăn khi không thể đi qua con đường chính thức - biểu hiện ở chỗ các nhà khoa học bắt tay với những người bên ngoài mở công ty và đứng sau cung cấp tư vấn kỹ thuật - bỏ qua bước xin cấp IP, đồng thời cũng bỏ qua quyền được tham gia điều hành hoạt động công ty đó. Dù mang màu sắc “lách luật”, cách làm này thực chất phản ánh nhu cầu linh hoạt và thực tiễn phức tạp hơn trong quá trình chuyển giao tri thức ở Việt Nam.

Mặc dù các trường đại học Việt Nam thường giữ quyền sở hữu tuyệt đối về IP (đặc biệt với các nghiên cứu được thực hiện bằng toàn bộ ngân sách nhà nước), nhưng họ cũng có quyền chuyển giao và sử dụng các IP đó, đi kèm với việc phân chia lợi ích kinh tế mà IP đó mang lại.

Câu hỏi “chia sẻ IP thế nào?” giữa người sáng tạo (nhà nghiên cứu) và đơn vị hỗ trợ (trường đại học, viện nghiên cứu) đang trở thành vấn đề nóng trong môi trường học thuật – nhất là khi Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo đang được sửa đổi.

Hiện tại, cả Luật này và Luật Sở hữu trí tuệ 2022 đều không quy định tỷ lệ chia sẻ quyền sở hữu IP cụ thể giữa nhà trường và nhà nghiên cứu. Việc phân chia quyền sở hữu - trong trường hợp được phép - được trao cho các bên tự thỏa thuận bằng văn bản, dựa trên mức độ đóng góp tài chính, kỹ thuật, và tuân thủ pháp luật hiện hành. Có nghĩa là, việc chia sẻ quyền sở hữu trí tuệ hiện nay phần lớn phụ thuộc vào cán cân quyền lực đàm phán giữa các bên. Trong nhiều trường hợp, bên nắm quyền lực – thường là đơn vị quản lý – có thể tự quyết định “khi nào nên hào phóng, khi nào nên giữ phần hơn cho mình”.

Theo nguồn tin không tiết lộ của nhóm phóng viên Khoa học & Phát triển, một số trường đại học kỹ thuật đang phân bổ 10-30% quyền sở hữu bằng sáng chế cho nhà phát minh (giáo sư), và giữ lại 70-90% cho trường. Con số này có thể thay đổi tùy theo đặc thù của từng lĩnh vực, hoặc tùy theo loại tài sản IP được tạo ra.

Tuy nhiên, một điểm mới đang được đề xuất trong Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo sửa đổi là: người làm nghiên cứu có thể được hưởng tối thiểu 30% thu nhập từ việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu, đồng thời được miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân với khoản thu nhập này. Đây là một nỗ lực đứng về phía các nhà nghiên cứu, phản ánh sự thay đổi trong tư duy chính sách: từ xem họ là người làm thuê trong hệ thống, sang nhìn nhận họ như chủ thể sáng tạo cần được cân bằng lợi ích và khuyến khích phát triển.

Sự hỗ trợ linh động

Nhưng dù thực hiện theo cách nào - đứng về phía các nhà nghiên cứu hay đứng về phía các trường đại học - thì điều quan trọng nhất vẫn là các biện pháp hỗ trợ: Với mỗi cách tiếp cận quyền sở hữu IP, liệu chúng ta có những công cụ hỗ trợ phù hợp và thuận lợi để thương mại hóa chúng?

Chẳng hạn, với hướng tiếp cận tập trung vào cá nhân các nhà nghiên cứu, điều quan trọng là xây dựng một môi trường linh hoạt, ít rào cản và có hệ thống hỗ trợ vững chắc, giúp họ “ra ngoài rồi trở lại” mà không bị ảnh hưởng đến sự nghiệp. Các nhà khoa học không nên phải đối mặt với những rào cản vô hình chỉ vì tạm rời bục giảng hai năm để thử sức với startup hoặc spin-off. Nếu chỉ vì một bước thử ấy mà bị trì hoãn thăng chức hay mất cơ hội giữ biên chế, thì chính trường đại học đang tự khóa chặt cánh cửa đổi mới sáng tạo của mình.

Hơn cả chuyện “không bị trừng phạt”, câu hỏi lớn tiếp theo là: liệu các nhà khoa học có được hỗ trợ thực chất cho hành trình khởi nghiệp của mình không? Họ có được kết nối với các nhà đầu tư thiên thần, quỹ mạo hiểm ngay trong trường đại học để không cảm thấy đơn độc? Liệu những chương trình tăng tốc mà họ tiếp cận có thực sự giúp dự án bước nhanh hơn, hiệu quả hơn, hay chỉ là những lớp học kỹ năng rập khuôn?

Nhìn chung, các nhà khoa học luôn có mối gắn bó đặc biệt với “đứa con tinh thần” của mình. Khi thấy công trình không chỉ nằm trên giấy mà được ứng dụng vào đời sống, họ cảm thấy một niềm tự hào sâu sắc, và chính cảm giác thành tựu ấy là động lực lớn lao để tiếp tục cống hiến. Vì thế, nếu được tạo điều kiện thuận lợi – từ cơ chế rõ ràng, môi trường linh hoạt đến hỗ trợ thực chất – họ sẽ sẵn sàng đưa nghiên cứu bước ra khỏi phòng thí nghiệm, để kết quả thật sự sống và tạo ảnh hưởng.

Còn với cách tiếp cận thứ hai thông qua các văn phòng TTO riêng của trường đại học, thì câu hỏi đặt ra là liệu sự vận hành của các văn phòng đó có thuận tiện để nhà nghiên cứu hay doanh nghiệp nào cũng có thể dễ dàng đến và nói: “Tôi muốn mua/bán tài sản trí tuệ này”?

Có một vấn đề với các trường đại học là họ thường định giá IP của mình quá cao. Họ thường cho rằng đây là tài sản quý giá, rất khó tạo ra, nên khi chuyển giao ra ngoài, họ đòi giữ phần lớn lợi ích trong bất kỳ dự án khởi nghiệp nào. Trên thực tế, đã có những trường đại học đòi hỏi quyền góp vốn bằng IP (bao gồm sáng chế, hoặc đôi khi gồm cả thương hiệu của trường mình) lên tới 25-50%, thậm chí tới 85% vốn chủ sở hữu. Điều này được coi là quá mức, vì startup non trẻ chưa kịp thở đã phải gánh một khoản chi phí nặng nề cho quyền sử dụng công nghệ. Thay vì mở đường cho đổi mới sáng tạo, các trường lại vô tình bóp nghẹt khả năng thương mại hóa của startup ngay từ bước đầu, và tạo bất lợi cho doanh nghiệp ở những vòng gọi vốn tiếp theo.

Điều tương tự cũng xảy ra khi các trường đại học định giá một con số “trên trời” để bán lại quyền sở hữu cho các doanh nghiệp hiện hữu. Thoạt nhìn, có vẻ như họ đang bảo vệ giá trị của tài sản. Nhưng thực chất, chính động cơ định giá ấy – nếu thiếu thực tiễn và hiểu biết thị trường – lại làm chậm quá trình ứng dụng công nghệ, thậm chí khiến cơ hội thương mại hóa bị bỏ lỡ.

Thực tế là, trừ một vài đại học hoặc viện nghiên cứu cực kỳ lớn và năng động, hầu hết các trường đại học trên thế giới không vận hành hiệu quả văn phòng chuyển giao công nghệ TTO của mình. Lý do đơn giản là họ không có đủ giao dịch để vận hành trơn tru, từ đó có đủ chi phí để duy trì bộ máy và tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng cần thiết.

Theo ghi nhận sơ bộ của nhóm phóng viên Khoa học & Phát triển từ năm 2021 đến giờ, chưa có trường đại học nào ở Việt Nam có bộ phận TTO “đúng nghĩa” và vận hành thực sự hiệu quả. Mặc dù các trường đại học miền Nam có xu hướng làm việc tích cực với doanh nghiệp hơn so với các trường miền Bắc, nhưng điều đó vẫn chưa đủ để hình thành một hệ sinh thái chuyển giao công nghệ hiệu quả và bền vững.

Nếu gõ cửa hỏi các văn phòng TTO của trường đại học, liệu có bao nhiêu đơn vị thực sự nắm rõ nhu cầu cụ thể của mỗi ngành công nghiệp mà họ quan tâm, cũng như các luồng chuyển giao ngang - dọc cho những công nghệ đã có hoặc đang trong giai đoạn R&D? Bao nhiêu đơn vị sở hữu nhân sự chuyên trách thay vì kiêm nhiệm? Những đơn vị này có quen thuộc với các hợp đồng chuyển giao và các vấn đề pháp lý liên quan đến công nghệ? Và liệu họ có đủ kinh phí để thực hiện các nghiên cứu thị trường, xây dựng mạng lưới, tổ chức các buổi kết nối với ngành công nghiệp và theo dõi hiệu quả chuyển giao – hay chỉ đủ chi trả cho điện, nước và lương hành chính cơ bản? Những câu hỏi này không dễ trả lời, nhưng lại là phép thử rõ ràng nhất cho năng lực thực chất của một TTO – nơi phải là cầu nối năng động giữa tri thức học thuật và thị trường.

Một chiến lược phổ biến mà các TTO ở nhiều nơi thường dùng hiện nay là cấp phép (licensing) các công nghệ của trường, có thể là cho một đối tác trong ngành công nghiệp hoặc cấp lại cho chính nhà phát minh trong trường nếu người đó thành lập công ty spin-off. Qua cách này, TTO có thể đưa công nghệ của trường ra thị trường mà không cần tự mình tham gia sản xuất hay phân phối.

Ngoài ra, TTO cũng có thể nắm giữ cổ phần trong công ty spin-off thay vì chỉ cấp phép công nghệ. Một số nghiên cứu trên thế giới cho thấy việc sở hữu cổ phần trong công ty spin-off có thể mang lại lợi nhuận cao hơn so với chỉ cấp phép, nhưng chiến lược này thường phổ biến hơn ở những TTO hoạt động độc lập về tài chính với trường đại học mẹ (tức là có cấu trúc TTO bên ngoài).

Theo các chuyên gia, với một nền kinh tế có số lượng giao dịch IP còn hạn chế như Việt Nam, không nhất thiết mỗi trường đại học phải tự thiết lập văn phòng TTO riêng. Thay vào đó, các trường có thể chia sẻ mô hình thỏa thuận hoặc cùng xây dựng một mạng lưới chung, bởi việc thiết lập hệ thống và soạn thảo hợp đồng riêng biệt cho từng trường thường rất tốn kém.

Tất cả thực tiễn này định nghĩa lại thách thức thương mại hóa. Nó vượt qua lối mòn “cần thêm bằng sáng chế!” thường thấy trong các trường đại học và tập trung vào động lực, các ưu đãi và sự hợp tác thực tế — những điểm nghẽn thật sự trong việc đưa khoa học ra thị trường.

Bài đăng KH&PT số 1347 (số 23/2025)