Các nhà khoa học đang cảnh báo về sự chậm trễ của các dự án hợp tác về sức khỏe xuyên Đại Tây dương sau khi Mỹ chấm dứt một cơ chế tài trợ chính.

Một phòng thí nghiệm y sinh tại Trung tâm Y học Erasmus ở Rotterdam, Hà Lan.
Một phòng thí nghiệm y sinh tại Trung tâm Y học Erasmus ở Rotterdam, Hà Lan.

Quyết định được Viện Sức khỏe Mỹ (NIH) loan báo ngày 1/5/2025 về việc dừng cấp tài trợ mới cho hơn 1000 nhà nghiên cứu nước ngoài là đối tác thực hiện các dự án nghiên cứu về sức khỏe đang là nguyên nhân gây chậm trễ và đặt các dự án này vào sự bất định.

Trong khi nhiều nhà khoa học ở châu Âu vẫn còn đang tìm mọi cách để hiểu một cách chính xác chính sách mới này sẽ tác động như thế nào đến những hợp tác của mình với các nhà khoa học Mỹ thì một số dự án đang diễn ra cũng chậm tiến độ thực hiện. Một nhà nghiên cứu ở một trường đại học ở Anh đang là đối tác của một dự án nghiên cứu về bệnh hiếm do NIH tài trợ, nói. Một trường đại học của Anh, do nghi ngờ về khả năng NIH trao khoản tài trợ đúng hẹn, đã ngừng việc tuyển dụng các nhà nghiên cứu cho đến khi mọi thứ trở nên rõ ràng hơn.

Theo NIH, “sự thiếu minh bạch”đối với các khoản tài trợ phụ cho các nhà nghiên cứu nước ngoài và “việc cần duy trì an ninh quốc gia” đã dẫn họ đến quyết định đột ngột này.

Dẫu NIH không đề cập đến vấn đề này một cách rõ ràng nhưng từ sau đại dịch, nhiều tranh cãi đã dấy lên về hệ thống tài trợ phụ của cơ quan này, sau khi có tin đồn về Viện Vi trùng Vũ Hán là nơi khởi sinh virus gây đại dịch COVI-19, đã nhận được một khoản tài trợ phụ qua một dự án của NIH nghiên cứu về corona virus. Tuy nhiên, tin đồn này chưa từng được chứng minh một cách thuyết phục.

Chính sách mới này đã đi quá những động thái thắt chặt các điều kiện về nghiên cứu virus có nguy cơ rủi ro phát tán thành bệnh. Thay vào đó, nó hướng đích tới các khoản tài trợ phụ cho viện nghiên cứu nước ngoài, làm ảnh hưởng đến những hợp tác cần dữ liệu bệnh nhân từ nhiều quốc gia, hoặc nghiên cứu về các bệnh truyền nhiễm nhiệt đới.

“Với nhiều nghiên cứu lâm sàng, đó là một thách thức về việc có đủ bệnh nhân cho nghiên cứu”, Philip Rosenthal, một chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại ĐH California, San Francisco, nói. Có thêm bệnh nhân châu Âu vào một nghiên cứu ở Mỹ "sẽ làm gia tăng một cách đáng kể số lượng bệnh nhân bạn cần điều trị”, ông nói.

Tương lai của các dự án mà NIH tài trợ cho giáo sư Rosenthal ở Uganda cũng đang bất định. “Chúng tôi đang trao đổi rất cẩn trọng về điều này, vì vậy chúng tôi cần phải loại bỏ một số người hiện đang hợp tác với chương trình của chúng tôi. Thực sự là một thảm họa”.

Hệ thống mới


NIH cho biết sẽ tạo ra một hệ thống kiểm tra việc tìm tài trợ kinh phí vào cuối tháng chín tới, "để đảm bảo có thể xác định một cách minh bạch và tin cậy về từng đồng được tiêu pha”.

Sau khi có được điều đó thì hệ thống tài trợ phụ cho phép tiền được chảy vào túi các nhà nghiên cứu quốc tế sẽ không được khôi phục. Thay vào đó, các nhà nghiên cứu quốc tế cần phải đề xuất trực tiếp với tư cách cá nhân để xin tài trợ của NIH.

“Chúng tôi đang khuyến khích các hồ sơ đề xuất tài trợ nộp vào nhánh các tiểu dự án”, theo David Kosub, nhà phân tích chính sách khoa học sức khỏe tại NIH.“Việc hoàn thiện cấu trúc này sẽ cho phép các hoạt động này trải qua quá trình xét duyệt của NIH và được kiểm tra trên cùng hệ thống cơ sở dữ liệu tài trợ của NIH, và đặt dưới sự điều phối trực tiếp của NIH”, Kosub cho biết thêm.

Không rõ hệ thống kiểm tra mới này có kiểm tra các nhà nghiên cứu quốc tế về quá trình nộp hồ sơ và nộp báo cáo dự án không. Tuy nhiên một số nhà nghiên cứu châu Âu lo ngại việc này làm tăng thêm tình trạng quan liêu giấy tờ.

“Với tôi, điều này sẽ có nghĩa là tăng thêm thủ tục giấy tờ mà không đem lại chút lợi ích thực tế nào”, theo Ethan Weed, một nhà nghiên cứu ngôn ngữ tại ĐH Aarhus Đan Mạch, hiện đang là một nhà nghiên cứu tham gia thực hiện một dự án về trẻ tự kỷ do các nhà nghiên cứu ĐH Connecticut dẫn dắt.

Các hợp tác quốc tế sử dụng tài trợ của NIH có thể trở nên “ít hấp dẫn hơn nhiều”, ông nói.

Hơn nữa, sự thất thường của những thay đổi chính sách của Mỹ có thể khiến cho những nhà nghiên cứu quốc tế có tiềm năng sẽ phải nghĩ rất kỹ về những cam kết với các dự án do NIH tài trợ, Weed nhấn mạnh.

“Các nhà nghiên cứu ở giai đoạn đầu sự nghiệp như các nghiên cứu sinh và postdoc đã đi tới nhiều nơi trên thế giới, trì hoãn việc có con và rời khỏi nơi mình sinh sống để nắm giữ các vị trí thông qua các chương trình tài trợ nghiên cứu như chương trình của NIH”, ông nói. “Điều vô cùng quan trọng là họ và những người tuyển dụng họ phụ thuộc chặt chẽ vào nguồn tài trợ này”.
Dimitris Rizopoulos, một nhà sinh học thống kê tại Trung tâm Y học Erasmus ở Rotterdam, cho rằng sự thay đổi chính sách có nghĩa là các kế hoạch trong tương lai với các nhà nghiên cứu Mỹ “khó có thể thực hiện được”, dẫu dự án mà ông tham gia không hề bị ảnh hưởng.

Một người được hưởngtài trợ khác của NIH nói vớiScience|Businesslà họ vẫn đang xem xét những thay đổi này ảnh hưởng đến dự án của mình như thế nào.

“Chủ đề này thật bất định”, Antonio Gonzalez, một nhà nghiên cứu tại Hội đồng nghiên cứu quốc gia Tây Ban Nha, nói. Anh đang hợp tác với các nhà nghiên cứu ĐH Cornell để làm về kỹ thuật quét não hiệu suất cao.

Thật không may, châu Âu đang cho phép các nhà nghiên cứu Mỹ nộp hồ sơ đề xuất tài trợ từ hạng mục sức khỏe của chương trình Horizon Europe thông qua một chương trình trao đổi không chính thức mà qua đó các nhà nghiên cứu châu Âu cũng có thể nhận được kinh phí từ NIH.

Tuy nhiên với động thái mới của NIH khi hoãn tài trợ cho các nhà nghiên cứu quốc tế, và dừng thực hiện các dự án thuộc nhóm chủ đề DEI (đa dạng, công bằng và hội nhập), tương lai của thỏa thuận này thật sự không rõ ràng.

“Hội đồng châu Âu đang theo sát tình thế này một cách cẩn trọng”, theo Thomas Regnier, người phát ngôn của hội đồng về chủ quyền công nghệ, quốc phòng, vũ trụ và khoa học, khi phản hồi về chính sách mới của NIH.

“Khoa học là một nỗ lực toàn cầu, không nên để phí bất cứ tài năng nào”, ông nói.

Rối loạn ở NIH

Việc khép lại các tài trợ phụ không chỉ là một thay đổi chính sách lớn tại NIH kể từ khi ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ mà hằng trăm khoản tài trợ cho các dự án nghiên cứu về sức khỏe người chuyển giới, thiên kiến chủng tộc và HIV đã bị dừng đột ngột.

Tổ chức này đã cắt giảm kinh phí của các trường đại học thông qua các khoản phí quản lý đề tài. Hơn 1.000 nhân viên NIH cũng bị sa thải.

Thêm vào đó, Nhà Trắng đã công khai các kế hoạch cắt giảm ngân sách của NIH tới 40%, song song với việc cắt 55% ngân sách phân bổ cho Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ, dẫu đề xuất cắt giảm vẫn còn cần đến sự đồng thuận của Quốc hội.

Nguồn: Sciencebusiness

Bài đăng KH&PT số 1345 (số 21/2025)