Dù tổng số kinh phí vẫn còn khiêm tốn so với nhiều quỹ khác nhưng Quỹ Visegrad đã góp phần hình thành một thứ văn hóa chia sẻ và hợp tác giữa bốn quốc gia ở Trung Âu, không chỉ trong nghiên cứu khoa học mà còn thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong kinh doanh thông qua các khoản đầu tư cho lĩnh vực tư nhân.

Design Terminal Hub là một trong những vườn ươm lớn của vùng. Ảnh: Design Terminal Hub
Design Terminal Hub là một trong những vườn ươm lớn của vùng. Ảnh: Design Terminal Hub

Quỹ Visegrad được thành lập năm 2000 với mục tiêu ban đầu là xây dựng hợp tác văn hóa nội vùng giữa Czech, Hungary, Ba Lan và Slovakia và vùng Visegrad với những quốc gia khác, đặc biệt là vùng Tây Balkan và đối tác Đông Âu khác. Quỹ thường đầu tư vào các khoản dành cho đề tài nghiên cứu, học bổng cho các nhà khoa học, nghệ sỹ… với phần đóng góp ngang bằng nhau giữa bốn quốc gia, mỗi nước 2 triệu euro. Nhiều các quốc gia khác như Đức, Canada, Hà Lan, Hàn Quốc, Thụy Điển, Thụy Sĩ và Mỹ cũng đóng góp, đem lại cho Quỹ khoảng 10 triệu euro nữa thông qua các khoản đầu tư vào các đề tài hợp tác chung kể từ năm 2012. Nhìn lại quá khứ 19 năm vừa qua, họ đã rót 88 triệu euro cho 5.600 dự án văn hóa, giáo dục và nghiên cứu.

Việc hình thành Quỹ như một lẽ đương nhiên khi cả bốn quốc gia, cùng có diện tích khiêm tốn và tiềm lực cũng ở mức đó, tồn tại giữa một bên là các quốc gia Tây Âu giàu có còn bên kia là một nước Nga hùng mạnh. Nếu không gắn kết, nó sẽ bị bên này hoặc bên kia nuốt chửng.

Tập trung vào khởi nghiệp

Khi hình thành Quỹ Visegrad vào năm 2000, bốn quốc gia mong muốn tập trung thúc đẩy những trao đổi văn hóa và giáo dục cũng như xây dựng năng lực phát triển – những nội dung có thể hợp tác được dựa trên những điểm chung về lịch sử, văn hóa giữa các quốc gia. Dẫu vậy, trong thời gian gần đây, nhận thấy rằng để có sự phát triển vững chắc nội dung thì ngần ấy cũng là không đủ, họ có xu hướng khuyến khích cả những hỗ trợ đổi mới sáng tạo để thành lập thêm nhiều công ty khởi nghiệp và tiến tới thành lập cả các cơ quan đầu tư cho nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.

“Các dự án về khoa học và đổi mới sáng tạo đang trở nên ngày càng quan trọng với vùng này”, giám đốc điều hành Quỹ Andor Dávid nói với Science|Business. Hiện tại “có một nhiệm vụ lớn là tập trung đầu tư hơn nữa cho các lĩnh vực này,” ông nói. Do đó, mùa hè này, Quỹ đã thử nhìn nhận lại nhiệm vụ mới của mình, phân tích các kết quả thu được từ hai dự án thử nghiệm, mới bắt đầu thực hiện vào năm 2018 vừa qua, bao gồm một chương trình huấn luyện khởi nghiệp tại “quốc gia khởi nghiệp” Israel với sự tham gia của các khởi nghiệp bốn quốc gia, và một chương trình tư vấn cho các nhà sáng tạo trẻ đặt tại một vườn ươm ở Budapest là Design Terminal.

Design Terminal Hub là một trong những vườn ươm lớn của vùng. Ảnh: Design Terminal Hub
Design Terminal Hub là một trong những vườn ươm lớn của vùng. Ảnh: Design Terminal Hub

Các dự án này đã đầu tư cho 28 công ty khởi nghiệp từ các quốc gia khối Visegrad, đưa họ tới Haifa, Israel, để tập huấn trong vòng ba tuần về chiến lược và tham gia các vườn ươm và khóa tăng tốc khởi nghiệp tốt nhất quốc gia này. Các cơ quan phụ trách đổi mới sáng tạo ở Visegrad đã chọn ra 7 nhà sáng lập các khởi nghiệp mỗi quốc gia, để tới Haifa “nhìn thấu cách Israel đang hỗ trợ các doanh nghiệp và cách hệ sinh thái đầy đủ chức năng vận hành tốt như thế nào,” Dávid cho biết. Dự án được thiết lập trên cơ sở một biên bản ký kết giữa vùng Visegrad với Israel vào tháng 6/2018.

Dấu hiệu hiếm của hợp tác

Vào đầu năm nay, liên minh Visegrad đã đóng vai trò chính trong BIOEAST, một chương trình chung thúc đẩy nền kinh tế sinh học, tập trung vào nông nghiệp và lâm nghiệp, thu hút sự tham gia của bảy quốc gia EU, trong đó có nhóm Visegrad. Sáng kiến này được xem như một dấu hiệu hiếm hoi về hợp tác sâu rộng giữa các thành viên Trung Âu và Đông Âu cùng thuộc khối EU.

Quỹ Visegrad đã tự hào là thành lập được một “khối liên minh khởi nghiệp” gồm bốn trung tâm vườn ươm khởi nghiệp hàng đầu mỗi quốc gia làm nòng cốt để thúc đẩy sự lớn mạnh của hệ sinh thái Trung và Đông Âu. “Nó hướng đến mục tiêu tìm ra các rào cản pháp lý ngăn cản sự phát triển của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong vùng,” Dávid nói.

Trước mắt, Quỹ Visegrad sẽ hỗ trợ việc thành lập một trường hè về tin sinh học, sinh học phân tử và chỉnh sửa hệ gene, và hỗ trợ việc thành lập một cơ sở hạ tầng nghiên cứu tiên tiến về máy gia tốc spectroscopy tia X ở Prague, nơi cho phép các nhà khoa học trong vùng có thể sử dụng. Các quốc gia khối Visegrad còn đầu tư vào các công ty khởi nghiệp nông nghiệp tại các vùng hẻo lánh để qua đó thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong vùng.

Hiện tại, Quỹ tập trung vào đầu tư cho các loại dự án nghiên cứu ở rất nhiều lĩnh vực, từ trao đổi sinh viên đến các dự án nghiên cứu chung, có thể từ nghiên cứu cơ bản đến nghiên cứu ứng dụng để nâng cao hiểu biết và có sản phẩm công nghệ cụ thể. Bất cứ ai cũng có thể nộp hồ sơ xin tài trợ và sau đó có thể gợi ý cho họ việc tìm đối tác tham gia thực hiện dự án ở các quốc gia. “Những gì chúng tôi đang chờ đợi là những kết quả của các hội thảo hoặc các hoạt động hợp tác nghiên cứu sẽ tác động lên toàn vùng”, Dávid cho biết.

Tăng gắn kết để có thêm tài trợ từ EU

Việc hình thành văn hóa hợp tác trong nhiều năm đã đem lại cho cả bốn quốc gia những ưu thế mới so với một số quốc gia EU khác khi hướng tới việc xin tài trợ của EU thông qua Horizon, đặc biệt khi EU cũng đang tìm hướng giải quyết các lo ngại về khoảng cách đổi mới sáng tạo và nghiên cứu giữa Tây Âu và Trung – Đông Âu.

Bốn quốc gia Visegrad đều nhận thấy việc hình thành vững chắc liên minh ngoại vùng có thể góp phần gia tăng cơ hội xin tài trợ của châu Âu. Ví dụ với Ba Lan, phó giám đốc phụ trách bộ phận đổi mới sáng tạo và phát triển của Bộ Khoa học và Giáo dục đại học Mateusz Gaczyński nói với Science|Business. “Chúng tôi ưu tiên số một cho việc liên kết để cùng nhau thực hiện các dự án chung từ EU”. Romania, một quốc gia Đông Âu khác cho rằng, thật hiệu quả khi hợp tác trong nghiên cứu, ví dụ trong nông nghiệp, không chỉ qua việc gia tăng ngân sách đầu tư cho nghiên cứu mà còn có được sự thống nhất chung về chính sách đầu tư.