Việc đưa ra mức bồi thường thỏa đáng là một trong những thách thức lớn nhất khi giải quyết các vụ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam.
Năm 2019, hãng phần mềm PTC của Mỹ - nổi tiếng với những phần mềm hỗ trợ thiết kế trên máy tính, phát hiện một công ty sản xuất thiết bị giáo dục tại Việt Nam đã sử dụng trái phép các phần mềm của mình. Ngay lập tức, PTC đã yêu cầu Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xử lý hành chính. Kết luận thanh tra cho thấy hành vi trên đã xâm phạm quyền tác giả của PTC, gây tổn thất nặng nề về tài sản và cơ hội kinh doanh. Dựa trên kết quả thanh tra, PTC đã tiến hành khởi kiện ra Tòa án nhân dân TP.HCM, đòi bồi thường thiệt hại hơn 500 nghìn USD (khoảng hơn 12 tỷ đồng) - đây là giá bán lẻ trên thị trường của chương trình máy tính đã bị sao chép và sử dụng trái phép. Tuy nhiên, cả tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều cho rằng yêu cầu bồi thường này không hợp lý do PTC không chứng minh được thiệt hại đã phải gánh chịu.
Kết quả này có thể khiến nhiều người ngoài ngành thắc mắc, song những chuyên gia trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ lại không quá bất ngờ. Bởi lẽ, “một trong những thách thức lớn nhất mà chủ thể quyền gặp phải khi quyền sở hữu trí tuệ của họ bị xâm phạm là việc được bồi thường thỏa đáng cho những thiệt hại phải gánh chịu”, luật sư Nguyễn Vũ Quân và các cộng sự ở Kenfox IP & Law Office, nhận xét trong một bài viết trên Lexology. “Hậu quả là, mức bồi thường mà tòa án ấn định thường không đủ để bù đắp hoàn toàn tổn thất thực tế, tạo ra sự mất cân bằng giữa quyền lợi bị xâm phạm và trách nhiệm bồi thường”.
Khó xác định thiệt hại
Yêu cầu bồi thường thiệt hại luôn là một trong những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm nhất trong các vụ kiện về sở hữu trí tuệ. “Bên cạnh việc ngăn ngừa hành vi vi phạm và thiệt hại đến quyền sở hữu trí tuệ, mục tiêu cơ bản khác của chủ thể quyền khi khởi kiện là yêu cầu tòa án buộc bên vi phạm bồi thường thiệt hại một cách thỏa đáng”, theo luật sư Nguyễn Vũ Quân. “Bồi thường thiệt hại là hình thức trách nhiệm dân sự nhằm buộc bên có hành vi gây ra thiệt hại phải khắc phục hậu quả bằng cách đền bù các tổn thất về vật chất và tổn thất về tinh thần cho bên bị thiệt hại”. Chẳng hạn như vụ kiện liên quan đến bộ phim “Chiếc lá cuốn bay” nổi tiếng của Thái Lan vào năm 2019. Ở Việt Nam, Công ty TK-L đã mua bản quyền phát sóng bộ phim này qua một hợp đồng khai thác độc quyền trị giá hơn 800 triệu đồng. Nhưng sau đó, TK-L phát hiện Công ty VNG đã đăng tải trực tuyến bộ phim này trên website mà không có sự đồng ý của TK-L, nên đã tiến hành khởi kiện. Cuối cùng, phần thắng thuộc về TK-L. Công ty VNG phải bồi thường hơn 900 triệu đồng cho TK-L và xin lỗi công khai.

Làm thế nào để tính ra được mức bồi thường này? Ở Việt Nam, có hai phương án để xác định mức bồi thường: theo thiệt hại vật chất thực tế hoặc theo ấn định của tòa án. Cụ thể, trong trường hợp người khởi kiện chứng minh được hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã gây thiệt hại về vật chất cho mình thì có quyền yêu cầu tòa án quyết định mức bồi thường dựa trên tổn thất về tài sản, mức giảm sút về thu nhập, lợi nhuận, tổn thất về cơ hội kinh doanh và chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại. Chẳng hạn như trường hợp bộ phim “Chiếc lá cuốn bay”, căn cứ để đưa ra yêu cầu bồi thường 949.480.000 đồng là dựa trên giá trị hợp đồng mua bản quyền phát sóng là 829.480.000 đồng, cộng thêm 120 triệu đồng phí thuê luật sư.
Tuy nhiên, việc xác định số tiền bồi thường không phải lúc nào cũng dễ dàng như vậy. Điều này bắt nguồn từ đặc tính chất vô hình của các tài sản trí tuệ. “Do tính chất đặc thù của loại tài sản này nên nhiều trường hợp nguyên đơn không chứng minh được thiệt hại, hoặc xác định không đầy đủ về những thiệt hại đã xảy ra trên thực tế”, ThS. Dương Vân Anh ở Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội, phân tích trong một tọa đàm diễn ra vào cuối tháng tư vừa qua. “Các căn cứ để xác định thiệt hại vật chất như mức giảm sút về thu nhập, lợi nhuận, cơ hội kinh doanh, danh dự, nhân phẩm và những tổn thất khác về tinh thần… trên thực tế rất khó để xác định một cách chính xác, đầy đủ”.
Do vậy, không ít trường hợp phải chuyển sang phương án hai - tòa án sẽ ấn định mức bồi thường, tùy theo mức độ thiệt hại, nhưng không quá 500 triệu đồng. Tuy nhiên, đây không phải là phương án được ưa chuộng. “Quy định này chưa thật sự thỏa đáng, hạn chế quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của bên bị xâm phạm trong trường hợp thiệt hại thực tế lớn hơn 500 triệu đồng mà họ không thể đưa ra một con số tương đối chính xác”, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, viết trên Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam. Hơn nữa, trên thực tế, cơ chế bồi thường này hiếm khi được tòa án chấp nhận. “Trong vụ M Corp. (Mỹ) kiện Công ty H1, nguyên đơn yêu cầu tòa án buộc bị đơn phải bồi thường thiệt hại theo luật định là 500 triệu đồng, tuy nhiên, yêu cầu này bị tòa án bác bỏ khi cho rằng nguyên đơn không xác định thiệt hại cụ thể nên không chấp nhận yêu cầu buộc bị đơn bồi thường số tiền 500 triệu đồng”, theo luật sư Nguyễn Vũ Quân.
Nhìn chung, điểm mấu chốt để tính toán mức bồi thường vẫn nằm ở xác định thiệt hại thực tế. “Dù không thể xác định được mức thiệt hại cụ thể, để quyết định mức bồi thường theo luật định, tòa án phải xác định được rằng có thiệt hại thực tế xảy ra, trong đó tính đến thiệt hại, hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và quan hệ nhân quả giữa hai yếu tố này. Như vậy, sự tồn tại của thiệt hại thực tế vẫn phải được coi là yếu tố bắt buộc làm phát sinh trách nhiệm. Dựa vào đó, tòa án xem xét nhằm ấn định mức bồi thường theo luật định”, luật sư Nguyễn Vũ Quân phân tích. Chẳng hạn như vụ tranh chấp kiểu dáng quan tài giữa Công ty Ý Thiên và Công ty Nhã Quán vào năm 2008. Dù không chứng minh được thiệt hại thực tế về vật chất, tinh thần… nhưng tòa án có cơ sở để xác định rằng hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của Công ty Nhã Quán đã gây thiệt hại không nhỏ cho Công ty Ý Thiên. Bởi lẽ, khi bị Công ty Ý Thiên yêu cầu ngừng sản xuất các sản phẩm mang kiểu dáng mà Ý Thiên sở hữu, Nhã Quán vẫn tiếp tục sản xuất hàng loạt, bị cơ quan quản lý thị trường nhiều lần xử phạt, thu giữ hàng hóa. Do vậy, tòa án đã buộc Công ty Nhã Quán phải bồi thường cho Ý Thiên hơn 400 triệu đồng.
Những hướng đi mới
Nếu nhìn qua các vụ tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam, bất cứ ai cũng có thể thấy sự chênh lệch giữa yêu cầu bồi thường ban đầu và phán quyết của tòa án trong hầu hết các trường hợp. Việc tìm ra “đáp án hoàn hảo” về mức bồi thường thiệt hại trong các vụ kiện về sở hữu trí tuệ dường như là một “nhiệm vụ bất khả thi”. Thực ra, đây cũng là bài toán khó ở nhiều quốc gia trên thế giới. “Việc xác định thiệt hại vật chất luôn là một thử thách đối với pháp luật của các quốc gia, bởi lẽ tài sản trí tuệ là vô hình, rất khó để xác định trên thực tế”, luật sư Lê Xuân Lộc ở Công ty Luật Tilleke & Gibbins Việt Nam, nhận xét trong một bài viết trên Tạp chí Khoa học và công nghệ Việt Nam.
Chẳng hạn ở Nhật Bản, mức thiệt hại được tính bằng cách lấy số lượng đơn vị hàng hóa mà bên xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã bán được nhân với mức lợi nhuận trên một đơn vị sản phẩm của chủ sở hữu quyền. “Cách này được đánh giá là hợp lý trong nhiều trường hợp vì hành vi xâm phạm của bị đơn dẫn đến việc bị đơn bán được hàng hóa còn nguyên đơn thì không (hoặc giảm sút) và con số hàng hóa mà bị đơn bán được này là dễ xác định hơn số hàng hóa mà nguyên đơn không bán được”, theo luật sư Lê Xuân Lộc. “Song câu chuyện trở nên bế tắc nếu bị đơn từ chối cung cấp các số liệu bán hàng của mình, trong khi nguyên đơn thì lại không tự chứng minh được mình bị tổn thất về thu nhập, lợi nhuận, cơ hội kinh doanh là bao nhiêu”.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở Trung Quốc. “Mức bồi thường thấp thường xuất phát từ việc các tòa án địa phương thiếu kinh nghiệm xét xử SHTT, ảnh hưởng từ lợi ích cục bộ và đặc biệt là sự thiếu tin cậy của hồ sơ kế toán do bên vi phạm cung cấp. Mặc dù Luật Nhãn hiệu Trung Quốc (tương tự cơ chế tại Việt Nam) cho phép tòa án yêu cầu bên vi phạm xuất trình hồ sơ tài chính, quy định này thường không hiệu quả trong thực tế. Nhiều bên vi phạm, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ hoặc cá nhân, không có hệ thống sổ sách rõ ràng, thường che giấu doanh thu hoặc cố tình làm sai lệch dữ liệu. Điều này đẩy nguyên đơn vào thế khó, khi gánh nặng chứng minh thiệt hại vẫn rất nặng nề và khó khả thi”, luật sư Nguyễn Vũ Quân nhận xét. Hậu quả dẫn đến là mức bồi thường thấp, không bù đắp được tổn thất và không đủ sức răn đe những bên xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Giữa vô vàn rào cản về xác định mức bồi thường trong tranh chấp sở hữu trí tuệ, đâu là “lối thoát” cho Việt Nam? Theo các chuyên gia, chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm từ một số quốc gia trên thế giới. Chẳng hạn như ở Mỹ và Hàn Quốc, trong các vụ kiện về sở hữu trí tuệ, “bị đơn bắt buộc phải xuất trình, trao đổi các tài liệu, chứng cứ nhằm chứng minh lợi nhuận thu được do thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Trong trường hợp bị đơn cố tình không hợp tác, không cung cấp hoặc cung cấp thiếu, gian dối các tài liệu, chứng cứ, bị đơn sẽ phải chịu cơ chế trừng phạt, cụ thể là bồi thường thiệt hại theo mức mà nguyên đơn yêu cầu”, theo luật sư Lê Xuân Lộc. Nếu quy định này được áp dụng tại Việt Nam, “nguyên đơn sẽ dễ dàng chứng minh được khoản lợi nhuận mà bị đơn đã thu được do thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và đòi bồi thường thiệt hại dựa trên quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam”.
Bài đăng KH&PT số 1344 (số 20/2025)