Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh và biến đổi khí hậu đều trở nên trầm trọng hơn, quyết định bổ nhiệm một ban cố vấn khoa học của Tổng thư ký LHQ António Guterres nhằm củng cố và đẩy nhanh các thỏa thuận đa phương - đặc biệt là Chương trình nghị sự 2030 đã nhận được sự hoan nghênh từ giới khoa học.

Cách đây hàng chục năm, các nhà khoa học đã giúp gây dựng nên hệ thống Liên Hợp Quốc (LHQ) với các cơ quan chuyên môn, Đại Hội đồng, Hội đồng Bảo an… hướng đến sứ mệnh bảo vệ nhân quyền, cung cấp một cơ cấu cho luật pháp quốc tế, tăng cường tiến bộ kinh tế, xã hội, cải thiện các điều kiện sống và chống lại bệnh tật. Ngày nay, đây vẫn là cơ quan mà mọi người sẽ tìm đến khi cần dữ liệu lẫn bằng chứng khoa học đáng tin cậy về biến đổi khí hậu - Chương trình Môi trường LHQ, hoặc đại dịch - Tổ chức Y tế Thế giới. Tuy nhiên, thật khó tin khi biết rằng trong phần lớn 76 năm lịch sử của tổ chức này, cơ cấu văn phòng LHQ không hề có bộ phận cố vấn khoa học. Và điều này sắp thay đổi.

Phòng thí nghiệm thuộc Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC). Nơi đây hỗ trợ nâng cao năng lực khoa học và khả năng phân tích các chất trái phép như ma túy, cần sa… cho gần 300 phòng thí nghiệm ở 80 quốc gia. Ảnh: UNODC

Tháng chín năm nay, trong Chương trình nghị sự chung (Our Common Agenda), Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres thông báo ông đang lên kế hoạch bổ nhiệm một ban cố vấn khoa học, chịu trách nhiệm báo cáo và cập nhật thông tin cho văn phòng của ông, nhằm củng cố và đẩy nhanh các thỏa thuận đa phương - đặc biệt là Chương trình nghị sự 2030 - và tạo ra những bước chuyển tính cực trong cuộc sống của người dân trên toàn thế giới.

Nhưng đã hơn hai tháng trôi qua kể từ khi LHQ công bố kế hoạch thành lập, và hiện tại họ vẫn chưa tiết lộ tên của các thành viên trong hội đồng. Tạp chí Nature đã trao đổi với một số cựu cố vấn khoa học của LHQ, những người cho biết họ không rõ về kế hoạch của nhóm lãnh đạo LHQ. Cho đến nay, không có đề cương xây dựng và cũng không có mốc thời gian nào cụ thể được đưa ra.

Có thể hiểu rằng ý tưởng này vẫn đang được phát triển và Guterres đang hướng tới việc tạo ra một hội đồng dựa trên mạng lưới khoa học hiện có của các cơ quan LHQ. Dẫu biết rằng quyết định thành lập hội đồng không phải là việc đơn giản có thể hoàn tất trong một sớm một chiều, nhưng người đứng đầu LHQ nên nhanh chóng trình bày kế hoạch của mình nhằm chấm dứt sự hồi hộp và chờ mong của công chúng. Lúc này, thời gian thực sự là một vấn đề lớn.

Hướng đến hợp tác trong khoa học

Thời gian gần đây, COVID-19 và biến đổi khí hậu đã đẩy khoa học lên vị trí cao hơn nữa trong chương trình nghị sự quốc tế. Khó mà chối bỏ sự thật rằng khoa học ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các thách thức liên quan đến môi trường, con người, v.v. Tuy nhiên, đại dịch đã cản trở tiến độ hiện thực hóa các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) của LHQ, đó là kế hoạch nhằm xóa đói giảm nghèo và đạt được sự bền vững vào năm 2030.

Các nghiên cứu tạo tiền đề cho hầu hết những hiểu biết của chúng ta về bản chất của virus SARS-CoV-2 và căn bệnh mà nó gây ra. Tất cả các quốc gia đều có quyền tiếp cận với các phát hiện mới, nhưng mỗi quốc gia lại có những quyết định, nhóm chính sách khác nhau dựa trên những dữ liệu đó - ví dụ như thời điểm bắt buộc đeo khẩu trang hoặc mức độ giãn cách, phong tỏa. Các nhà lãnh đạo LHQ cần đưa ra lời khuyên mang tính khoa học nhưng đồng thời cũng phải tính đến khía cạnh chính trị - xã hội - văn hóa đặc thù. Vì lẽ đó, họ cần được tư vấn bởi các chuyên gia hiểu rõ về cách thức áp dụng khoa học tại các khu vực khác nhau.

LHQ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết câu hỏi mà đại dịch vừa qua đã nhấn mạnh - làm thế nào để khơi dậy trong các quốc gia về tầm quan trọng của việc hợp tác nhằm giải quyết các vấn đề toàn cầu?

Biến đổi khí hậu là một ví dụ điển hình. Lời khuyên do Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) đưa ra đang được phân tích và áp dụng ở hầu hết các quốc gia, dù là ở các mức độ khác nhau. Tuy nhiên, khí hậu đồng thời cũng là một lĩnh vực gây bất đồng giữa các quốc gia. Bất chấp lời kêu gọi đoàn kết của Guterres, trong hội nghị về khí hậu vào tháng trước ở Glasgow, có những thời điểm mà bầu không khí trở nên căng thẳng bất thường. Vì lẽ đó, các cố vấn khoa học có thể giúp văn phòng tổng thư ký tìm ra những cách thức sáng tạo để khuyến khích sự hợp tác giữa các quốc gia trong nỗ lực đạt được các mục tiêu của thỏa thuận khí hậu Paris năm 2015.

Bản thân những cạnh tranh trong nội tại hệ thống LHQ cũng là yếu tố gây cản trở tiến trình hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững. Để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, quản lý đất đai, rừng và bảo vệ đa dạng sinh học, các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách cần phải làm việc cùng nhau. Nhưng các cơ quan khoa học của LHQ, chẳng hạn như IPCC, được thành lập theo các đường lối với các mục tiêu, chương trình làm việc và quy tắc riêng. Phải đến vài năm trở lại đây, IPCC và Nền tảng chính sách-Khoa học liên chính phủ về Đa dạng sinh học và Dịch vụ Hệ sinh thái (IPBES) mới bắt đầu hợp tác với nhau, dù rằng IPBES cũng là một tổ chức có liên kết chặt chẽ với LHQ.

Điểm cốt yếu để xây dựng được một hội đồng cố vấn đáng tin cậy đó là tính độc lập. Guterres cần xây dựng một cấu trúc tổ chức mà thông qua đó các cơ quan của LHQ được chia sẻ ý kiến, và nguồn tài trợ có thể đến từ bên ngoài LHQ. Tất cả những bên có liên quan sẽ phải chấp nhận rằng đóng góp của họ là vì mục tiêu chung - chứ không nhằm thúc đẩy lợi ích của bất kỳ tổ chức nào, kể cả tổ chức riêng của họ.

Bên cạnh đó, Guterres cũng cần đảm bảo rằng các cố vấn khoa học của ông được tuyển chọn cẩn thận, đủ uy tín để đại diện cho các cá nhân từ những lĩnh vực khác nhau, có cả những người đến từ các quốc gia có thu nhập thấp. Hội đồng khoa học này phải bao gồm những người thực sự giỏi và có thể liên hệ trực tiếp đến văn phòng của ông nếu cần. Để tuyển dụng được nguồn nhân sự như vậy, cần phải có một khoản ngân sách kha khá. Guterres nên nhanh chóng công bố đề cương xây dựng để giới nghiên cứu có thời gian đóng góp ý kiến ​​và phản biện.

Ban cố vấn khoa học cho tổng thư ký LHQ sẽ là một ‘mắt xích’ quan trọng giúp gắn kết các nhà khoa học, các tổ chức quan tâm đến phát triển bền vững trên toàn thế giới. Đây sẽ là một nhiệm vụ quy mô lớn, đòi hỏi nguồn lực đáng kể và một ý chí mạnh mẽ quyết tâm thay đổi.