Sau nhiều nỗ lực, có nỗ lực thất bại ngay từ đầu và có nỗ lực thất bại giữa chừng, gần đây chúng ta đã chính thức có hai ấn phẩm STEM dành cho học sinh phổ thông. Tuy nhiên, hành trình đi tìm độc giả của những ấn phẩm này vẫn còn nhiều thử thách ở phía trước.
Hai gương mặt “tân binh”
Từ nhiều năm qua, trên thị trường đã có một số cơ quan, đơn vị nỗ lực xuất bản các ấn phẩm theo tiếp cận liên ngành STEM dành cho học sinh, nhưng có nỗ lực thất bại ngay từ đầu và có nỗ lực thất bại giữa chừng.
Gần đây, sau mấy năm trời thai nghén từ ý tưởng của nhà văn, nhà báo Nguyễn Phan Khuê, Tổng biên tập báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng, đầu năm 2024, ê-kíp thực hiện ấn phẩm STEM Plus for Gen α đã được hình thành, số đầu tiên của ấn phẩm đã kịp ra mắt vào đầu năm học 2024-2025 với dung lượng 44 trang/kỳ và phát hành hằng tháng.
Ấn phẩm nhắm đến học sinh từ 6-13 tuổi, lứa tuổi cần được tiếp xúc sớm với giáo dục STEM - phương pháp giáo dục tích hợp các lĩnh vực Khoa học (Science), Công nghệ (Technology), Kỹ thuật (Engineering) và Toán học (Mathematics) nhằm giúp phát triển tư duy, kỹ năng và năng lực giải quyết các vấn đề thực tế. Bên cạnh đó, ấn phẩm cũng muốn thu hút cả những phụ huynh và nhà trường quan tâm đến lĩnh vực giáo dục STEM.
Với một số chuyên mục cố định như Trò chuyện cùng chuyên gia, Nghề nghiệp STEM, Câu chuyện khoa học, Chân dung STEM…, ấn phẩm giải đáp cho người đọc những thắc mắc thường gặp: giáo dục STEM là gì, các ngành nghề STEM có gì hấp dẫn và triển vọng ra sao, cần rèn luyện như thế nào nếu muốn theo đuổi các ngành nghề STEM trong tương lai… Ngoài ra, ấn phẩm có không ít chuyên mục cho phép người đọc vừa học vừa chơi: STEM siêu thú vị, Nào mình cùng chơi, Truyện tranh… Đặc biệt, số nào ấn phẩm cũng dành từ bốn đến sáu trang để đưa thông tin về hoạt động giảng dạy STEM trong các trường phổ thông trên cả nước.
Đánh giá về ấn phẩm STEM Plus for Gen α, Ths. Hoàng Vân Đông, giảng viên Trường Đại học Điện lực Hà Nội, một thành viên tích cực của Liên minh STEM, nói: “Ấn phẩm STEM Plus for Gen α đáp ứng được hai mục đích: cung cấp các kiến thức hữu ích, cần thiết; và truyền cảm hứng cho học sinh trong việc tìm hiểu và theo học các môn STEM.” Đồng thời, anh góp ý, “ấn phẩm sẽ hoàn thiện hơn nữa nếu có thêm một số mã QR để học sinh có thể kết nối với các nguồn tài liệu học liệu uy tín trên mạng, hay có thể xem trực tiếp các thí nghiệm…”
Khác với STEM Plus for Gen α, được xây dựng bởi một nhóm tác giả Việt Nam, bộ ấn phẩm The Young Scientists lại được mua bản quyền trực tiếp từ tạp chí khoa học thiếu nhi cùng tên đã có lịch sử phát triển 26 năm của Singapore.
Bộ ấn phẩm bằng tiếng Việt dày 60 trang/bản, được trình bày hấp dẫn thông qua hình thức truyện tranh hoặc infographic, phát hành định kỳ hằng tháng và khá cập nhật - chỉ chậm một tháng so với phiên bản tiếng Anh ở Singapore. The Young Scientists cũng hướng đến học sinh tiểu học và THCS nhưng được chia làm ba cấp độ (level), tương đương với ba ấn phẩm: Level 1 dành cho học sinh từ 6 - 7 tuổi, Level 2 dành cho học sinh từ 8 – 9 tuổi, và Level 3 dành cho học sinh từ 10 - 11 tuổi.
Dù nội dung nghiêng về Khoa học và Công nghệ, tương đương với chữ S và chữ T trong bốn thành tố của STEM, nhưng The Young Scientists thường xuyên yêu cầu độc giả thực hiện các hoạt động STEM sau khi đọc. Ví dụ, ở ấn phẩm Level 2 số 16 gần đây có bảy trang nội dung về loài dơi, và hoạt động STEM mà độc giả được yêu cầu thực hiện là tìm hiểu và thảo luận với bạn bè về lợi ích của loài dơi cho hệ sinh thái. Hay ở Level 3 số 16 có sáu trang nội dung về món miso của người Nhật, và độc giả được yêu cầu nghiên cứu và chia sẻ những phát hiện của mình về các loại thực phẩm lên men phổ biến khác trong cuộc sống hằng ngày.
Nước lên nhưng thuyền chưa lên
Từ vài năm nay, cụm từ giáo dục STEM đã trở nên quen thuộc ở Việt Nam. Hầu hết các trường phổ thông đều có các tiết học STEM, hướng dẫn và khuyến khích học sinh ứng dụng kiến thức Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học vào các bài tập thực hành hoặc giải quyết một vấn đề cuộc sống. Bởi vậy, chúng tôi khá bất ngờ khi biết rằng các ấn phẩm STEM dành cho học sinh không hề thuận lợi hơn các ấn phẩm khác về mặt phát hành.
Nằm trong hệ sinh thái phát hành báo và ấn phẩm hàng đầu dành cho thiếu nhi, ấn phẩm STEM Plus for Gen α non trẻ chủ yếu được phát hành thông qua các nhà trường chứ chưa thể “hữu xạ tự nhiên hương”. Ban biên tập báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng kỳ vọng, với nội dung đang dần được hoàn thiện, ấn phẩm sẽ thu hút thêm nhiều độc giả trong thời gian tới, góp phần quan trọng vào việc khơi dậy niềm đam mê của học sinh đối với các lĩnh vực STEM.
Trong khi đó, ít ai biết rằng hành trình của bộ ấn phẩm The Young Scientists ở Việt Nam đã được khởi đầu từ cách đây gần hai chục năm nhưng bị đứt đoạn khá sớm ngay sau đó. Vốn là một ấn phẩm có tiếng vang, được cả Trung Quốc, Ấn Độ, Hồng Kông, Malaysia… mua bản quyền, nên từ năm 2007 đã có nhiều đơn vị đặt vấn đề đưa The Young Scientists về Việt Nam. Bộ ấn phẩm đã được phát hành theo một số hình thức như: gộp 3 số/level để bán theo quý, xuất bản song ngữ… nhưng số lượng phát hành quá hẻo khiến ấn phẩm nhanh chóng vắng bóng trên thị trường.
Mãi đến năm 2023, Công ty Seednet Books quyết định mua bản quyền và tiếp tục xuất bản bộ ấn phẩm tại Việt Nam. Tuy nhiên, trải qua 14 kỳ xuất bản, Seednet Books có dự định dừng việc phát hành vì công ty không thể tiếp tục gồng lỗ.
Là một người bán sách thiếu nhi khá “mát tay”, chị Ngô Hương Thảo, chủ Tiệm sách Những vì sao, cảm thấy vô cùng nuối tiếc nếu bộ ấn phẩm The Young Scientists không được tiếp tục phát hành. Vì vậy chị đã đặt vấn đề làm đầu mối phát hành bộ ấn phẩm này tại Việt Nam kể từ số 15 ra mắt vào tháng 3/2025.
“Tôi khá tự tin khi đặt vấn đề làm đầu mối bán bộ ấn phẩm The Young Scientists với Seednet. Nhưng sau ba tháng, đến nay tôi đã thấy… lo rồi. Về chất lượng, đây là bộ ấn phẩm tôi nhận được phản hồi tích cực nhiều nhất từ các bậc phụ huynh và cả các con. Nhưng lượng khách hàng đặt mua hằng tháng thì rất hạn chế vì nhiều phụ huynh cho rằng ấn phẩm có giá đắt và họ không sẵn sàng bỏ ra 65.000 đồng mỗi tháng để đặt mua một level cho con mình đọc. Chúng tôi cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nhà trường để cung cấp bộ ấn phẩm vào thư viện do nhà trường không có kinh phí. Dù chỉ mới phát hành ba kỳ, và chỉ in số lượng tối thiểu là 2.000 ấn phẩm/level, nhưng chúng tôi vừa phải thuê thêm kho để chứa ấn phẩm còn tồn chưa bán được. Và chúng tôi cũng không biết mình có thể gắng gượng việc phát hành ấn phẩm này đến khi nào,” chị Hương Thảo chia sẻ.
Rõ ràng, nội dung hấp dẫn và bổ ích không phải là yếu tố duy nhất bảo đảm cho việc phát hành thành công. The Young Scientists khiến chúng tôi liên tưởng đến một trường hợp khác. Năm 2019, báo Nhi đồng từng hợp tác với đối tác Hàn Quốc xuất bản ấn phẩm Khoa học khám phá - Tập đặc biệt. Ấn phẩm được phát hành hằng tháng, có nội dung dựa trên một ấn phẩm khoa học dành cho học sinh bán chạy nhất ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, do khó khăn về thị trường, một phần chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ấn phẩm Hàn Quốc được Việt hóa này đã phải dừng xuất bản sau gần một năm ra mắt. (Sau đó một năm, báo Nhi đồng đã tự triển khai lại ấn phẩm Khoa học khám phá - Tập đặc biệt.)
Nói thêm về các thách thức trong công tác phát hành những ấn phẩm như STEM Plus for Gen α hay The Young Scientists, chị Hương Thảo cho rằng, “phụ huynh vẫn thích cách học trực tiếp, có giáo viên hướng dẫn hơn là con tự đọc, tự học, nên các lớp STEM dễ được hưởng ứng hơn”.
“So với các ngành nghề khoa học xã hội, kinh doanh…, các ngành nghề STEM đòi hỏi người học phải đầu tư thời gian, công sức, trí tuệ nhiều hơn, có nền tảng và đam mê với lĩnh vực này. Đây chính là lý do các quốc gia phát triển rất chú trọng việc cung cấp các ấn phẩm, sách truyện giúp ươm mầm, truyền cảm hứng và tình yêu đối với Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học cho công dân của mình từ nhỏ. Việt Nam muốn phát triển các lĩnh vực STEM để nâng tầm đất nước, thì cũng phải làm việc này,” ông Đỗ Hoàng Sơn, một thành viên lâu năm của Liên minh STEM, nhận định.
“Tôi biết đến cả hai bộ ấn phẩm STEM Plus for Gen α và The Young Scientists, cá nhân tôi thấy các ấn phẩm này rất tốt trong việc truyền cảm hứng, đam mê theo học, theo đuổi các ngành nghề STEM cho học sinh. Tôi hy vọng, bên cạnh nỗ lực của mỗi đơn vị, các cấp lãnh đạo giáo dục ở các tỉnh thành có thể đưa ra một chủ trương nào đó như khuyến khích trang bị hai ấn phẩm cho hệ thống thư viện của nhà trường, để giúp học sinh được tiếp cận hai ấn phẩm tốt này, góp phần tạo nên một thế hệ học sinh mới thấy STEM thú vị, say mê với nó ngay từ nhỏ, quyết tâm theo đuổi STEM và mang lại những cống hiến hữu ích cho Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học của đất nước sau này,” ông Sơn bày tỏ
Bài đăng KH&PT số 1346 (số 22/2025)