Triển lãm “một câu đựng trời trong cơi đựng trầu” hướng đến bóc tách những rào cản vô hình đối với phụ nữ trong xã hội Việt Nam đương đại.
Diễn ra từ cuối tháng 10 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, triển lãm đã thu hút đông đảo khách tham quan, đặc biệt là giới trẻ tại Hà Nội. Tựa đề của triển lãm là một lối chơi chữ nhằm phản hồi lại những định kiến trong câu tục ngữ:
“Đàn ông nông nổi giếng khơi
Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu.”
Không khó để bắt gặp những câu tục ngữ mang tư tưởng Nho giáo như trên nói về nghĩa vụ, vai trò của người đàn ông - đàn bà trong xã hội. Trong lời ngỏ, những nghệ sĩ thực hiện triển lãm cho hay, trong câu tục ngữ trích dẫn ở trên, đàn ông dù nông cạn, hời hợt cỡ nào cũng như cái giếng khơi, gần và sâu với mạch nước ngầm, được xây cất vững chãi và tôn trọng như mạch sinh nguồn sống. Đàn bà dù sâu sắc đến đâu cũng chỉ như cái cơi đựng trầu, nhỏ và nông, có nắp đậy, thường được đặt trong nhà, ý ám chỉ, mỉa mai những công việc tủn mủn và không quan trọng, hay còn được gọi là “việc vặt”, “chuyện đàn bà”, “chuyện chị em”.
Các nhà nữ quyền trên thế giới, khi phân tích rào cản phụ nữ trên con đường sự nghiệp, đã đưa ra khái niệm “trần kính" (glass ceiling), hàm ý những rào cản vô hình, trong suốt nhưng có thể ngăn cản người phụ nữ vươn lên, thăng tiến lên một vị trí cao hơn trong sự nghiệp. Theo đó, nhóm nghệ sĩ bày tỏ họ muốn “mở” nắp đậy của cơi đựng trầu - vật được định nghĩa là nông, là cạn như một lối vào để ta có thể nhìn thấy những lớp “trần kính” của người phụ nữ - những rào-cản-không-được-chỉ-mặt-gọi-tên. Nó tồn tại dưới nhiều dạng thức, không chỉ trong sự nghiệp mà còn trong gia đình, khi vai trò người phụ nữ còn gắn với “thiên chức” làm mẹ, làm vợ với vô vàn trách nhiệm phải đảm đương để có thể xã hội định danh là “toàn vẹn”.
Các tác phẩm từ điêu khắc động, nhiếp ảnh, video đa kênh tới sắp đặt tương tác mang đến những góc nhìn cá nhân, những tự sự, tâm tư, quan sát của các nghệ sĩ về những khuôn mẫu xoay quanh nữ giới, “gánh nặng kép” giữa công việc được trả lương và công việc chăm sóc không được trả lương (thường gắn với phụ nữ). Triển lãm dẫn dắt người xem đến với những suy tư và câu chuyện của những cô gái, những người mẹ, những người nữ lao động phổ thông, những tượng đài nữ anh hùng, về hôn nhân và gia đình, về công việc chăm sóc, về sự sống và cái chết, về những tiêu chuẩn, và về tình yêu đối với công việc và cuộc sống.
Triển lãm được thực hiện trong khuôn khổ chiến dịch Nhà Nhiều Cột – được tài trợ bởi Investing in Women, một sáng kiến của chính phủ Australia nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn diện ở khu vực Đông Nam Á thông qua trao quyền kinh tế cho phụ nữ.
Một số hình ảnh tại triển lãm