Trên thao trường khắc nghiệt của Trường Trung cấp 24 Biên phòng (Ba Vì - Hà Nội), không khó để bắt gặp hình ảnh huấn luyện viên đang miệt mài tập luyện tay đôi cùng học trò là một chú chó nghiệp vụ.

Chó nghiệp vụ (hay còn có tên chuyên môn là K9) được huấn luyện đặc biệt để giúp cảnh sát và những lực lượng hành pháp thực thi nhiệm vụ.

Các “vũ khí sống” trước khi bước vào buổi diễn tập truy bắt tội phạm ma túy.

Lần đầu tiên trên thế giới chó nghiệp vụ được cảnh sát sử dụng trong quá trình phá án là vào năm 1869 khi ông Charles Warren, Cảnh sát trưởng thủ đô London (Anh), với sự hỗ trợ của hai chú chó nghiệp vụ, đã phá thành công vụ án giết người hàng loạt do tên Jack The Ripper thực hiện. Sau đó, chó nghiệp vụ nhanh chóng được sử dụng rộng rãi trong lực lượng cảnh sát các nước.

Ở Việt Nam, hiện có không ít các cơ sở huấn luyện chó nghiệp vụ và trong số đó phải kể đến Trường Trung cấp 24 Biên phòng, nơi đang nuôi và huấn luyện hơn 500 chú chó, chủ yếu thuộc các giống Berger (Đức), Malinois (Bỉ), Labrador (Mỹ). Ngoài ra, trường đang nhân giống giống chó Malinois vì chúng có khứu giác phát triển và phù hợp với khả năng huấn luyện phát hiện ma túy, chất nổ, tìm kiếm cứu nạn.

Để tuyển chọn chó huấn luyện, phải lựa những chú cho có ngoại hình cân đối; thần kinh cân bằng; linh hoạt, nhanh nhẹn; không mắc các dị tật bẩm sinh. Yếu tố về khứu giác được đánh giá cao bởi vì khứu giác tốt sẽ hỗ trợ rất nhiều các chức năng khác.

Thiếu tá Hứa Ngọc Dũng - Phó Chủ nhiệm Chính trị, Trường Trung cấp 24 Biên phòng -cho biết, thường mỗi huấn luyện viên phụ trách chăm sóc và huấn luyện một chú chó. Những chú chó lần lượt trải qua từng khóa huấn luyện riêng biệt để thực hiện các nhiệm vụ như tuần tra; truy vết; phục kích; canh gác; phát hiện ma túy, chất nổ; giám biệt nguồn hơi hỗ trợ công tác điều tra hình sự; và tìm kiếm cứu nạn.

Được biết, các chú chó nghiệp vụ phải nhớ được một số hiệu lệnh bằng tay và bằng tiếng nói của huấn luyện viên. Các huấn luyện viên phải mất 2 - 3 năm để đào tạo thành công một chú chó. Sau thời gian “tại ngũ”từ khoảng 6-9 năm, một hội đồng thẩm định có sự tham gia của bác sĩ thú y sẽ được lập ra để quyết định chú chó có được “nghỉ hưu” hay không.

Những chú chó Berger có nguồn gốc từ Đức đang được chăm sóc ở khu vực dành cho chó chưa trưởng thành nhằm thích nghi với môi trường, khí hậu Việt Nam.

Kể về những chiến công lừng lẫy mà những chú chó nghiệp vụ của nhà trường đã lập được, Thiếu tá Dũng nhắc đến lần tham gia chuyên án 470 bắt tội phạm ma túy ở Loóng Sập, Sơn La, thu giữ 50 bánh heroin, tháng 11/2009; tham gia tìm kiếm cứu nạn trong vụ sạt lở xảy ra tại Công Bằng, Pác Nặn, Bắc Kạn, tháng 7/2009; tham gia gia tìm kiếm cứu nạn trong trong vụ sập mỏ đá Lèn Cờ, Yên Thành, Nghệ An, tháng 4/2011; tìm kiếm nạn nhân người Anh mất tích trên dãy Hoàng Liên Sơn, Sapa, Lào Cai, tháng 6/2016; tìm kiếm nạn nhân vụ lũ quét, lũ ống tại Nậm Păm, Mường La, Sơn La, tháng 8/2017; và mới đây nhất là tham gia bảo vệ Hội nghị APEC tại Đà Nẵng, tháng 11/2017.

Người lính đóng vai quân xanh (tội phạm) vừa bị chó nghiệp vụ phát hiện mang theo ma túy và đang bị chó tấn công vào tay.

Một chú chó vừa phát hiện ma túy được giấu dưới gầm xe.

Huấn luyện viên và chú chó đang núp trong lùm cây chờ tội phạm xuất hiện. Được biết, nhiệm vụ lớn nhất trong dạy chó chiến đấu là dạy chúng phát hiện tiếng súng, đối tượng dùng súng gì, đến loạt đạn nào là loạt đạn cuối. Để giúp những chú chó đạt được khả năng đó, các huấn luyện viên cũng phải tập bắn các loại súng từ tiểu liên đến súng ngắn kết hợp sử dụng dao găm, rồi chạy liên tục hàng chục km để chó đuổi theo.

Huấn luyện viên đang cùng các “học trò” trên thao trường tìm kiếm nạn nhân bị vùi dưới đất đá hoặc đống đổ nát do sập đổ công trình, sạt lở đất… Nguồn hơi người được giấu trong các hầm sâu 40 - 50 cm hoặc có những hầm sâu đến 2 m được lấp lại để chó tìm kiếm.