Những bức ảnh ấn tượng về khoa học và môi trường trong năm 2022 do trang tin Nature lựa chọn.


Hoa san hô. Các nhà nghiên cứu phát hiện một rạn san hô kéo dài 3 km ở độ sâu 30 mét ngoài khơi bờ biển Tahiti, Polynesia thuộc Pháp, trong quá trình lập bản đồ đáy biển. Đây là một trong những rạn san hô lớn nhất được phát hiện ở độ sâu 30 mét. Rạn san hô chứa những loài san hô hình hoa hồng khổng lồ, vẫn đang ở trong tình trạng nguyên sơ, theo tổ chức văn hóa của Liên Hợp Quốc UNESCO, tổ chức đứng đầu dự án lập bản đồ.


Bàn tay. Nhà sinh vật học tiến hóa Grigorii Timin ghi được hình ảnh chi tiết bàn chân của phôi thai tắc kè, bằng cách nhuộm các phần mẫu vật cực nhỏ bằng thuốc nhuộm, sau đó chụp và kết hợp hàng trăm hình ảnh kính hiển vi với nhau.


Vực thẳm thiên hà. Trong ảnh là Sagittarius A*, lỗ đen siêu lớn ở trung tâm Dải Ngân hà. Đây là hình ảnh trực tiếp thứ hai chụp một lỗ đen. Giống như hình ảnh đầu tiên - chụp lỗ đen ở trung tâm thiên hà M87 và được công bố vào năm 2019 - hình ảnh này được tạo ra từ các quan sát sóng vô tuyến do Kính viễn vọng Chân trời Sự kiện, một mạng lưới các đài quan sát vô tuyến toàn cầu, thực hiện.


Cột Sáng thế. Hình ảnh do Kính viễn vọng không gian James Webb chụp một khu vực có các ngôi sao đang hình thành, nằm cách Trái đất 2.000 parsecs (mỗi parsec là khoảng 31.000 tỷ km). Đây thực ra là các dải bụi vũ trụ trong quá trình hình thành sao. Có thể thấy các đốm sáng màu đỏ, là các ngôi sao vẫn đang trong quá trình hình thành, trên đỉnh của một số “cột”, vẫn được bao phủ bởi bụi. Những ngôi sao còn lại, các đốm sáng màu trắng ngả xanh, tím nằm bên trong các đám mây là những ngôi sao đã "rũ bụi".


Cấu trúc xương. Ảnh hiển vi điện tử này chụp cận cảnh bộ xương sao biển. Cấu trúc mạng có trật tự cao làm cho bộ xương nhẹ nhưng chắc chắn và có khả năng chống hư hại.


Sao biển. Hình ảnh chụp vũ điệu sinh sản kỳ lạ của một con sao biển khổng lồ. Khi sinh sản, sinh vật này đứng lên bằng các chi và lắc lư để cuốn tinh trùng và trứng vào dòng nước. Nhiếp ảnh gia Tony Wu, người chụp được cảnh này, được vinh danh tại giải thưởng Nhiếp ảnh gia Động vật hoang dã của năm do Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở London tổ chức.


Ruồi thây ma. Một loại nấm ký sinh mọc ra từ cơ thể của một con ruồi trong Khu bảo tồn quốc gia Tambopata ở Peru. Nhà sinh vật học tiến hóa Roberto García Roa đã chụp được bức ảnh này, và giành chiến thắng trong cuộc thi ảnh Tiến hóa và Sinh thái BMC năm nay. Các bào tử của nấm xâm nhập vào bộ xương ngoài và não của ruồi và buộc nó phải di chuyển đến một vị trí thuận lợi hơn cho sự phát triển của nấm.


Năng lượng vô hạn. Vào tháng 2, các nhà vật lý tại lò phản ứng Joint European Torus (JET) gần Oxford, Vương quốc Anh, đã tạo ra xung năng lượng bền vững cao nhất từ trước đến nay, bằng cách hợp nhất các nguyên tử lại với nhau. Các nhà khoa học hy vọng rằng JET, lò phản ứng hình bánh vòng, sẽ giúp khai thác phản ứng tổng hợp hạt nhân, quá trình cung cấp năng lượng cho Mặt trời và có thể cung cấp năng lượng sạch vô hạn.


Tế bào phồng lên. Các nhà sinh học phân tử đã phát hiện, khi một mặt phẳng gồm các tế bào được uốn cong - như trong hình ảnh kính hiển vi này - các tế bào riêng lẻ sẽ phồng lên và trở thành hình vòm. Họ cho biết việc hiểu được cách tế bào phản ứng với sự uốn cong có thể giúp phát triển các organoid - cấu trúc đa bào nhân tạo được thiết kế để bắt chước cấu trúc vi mô của một cơ quan nội tạng.


Vụ nổ lớn. Một vụ phun trào khổng lồ của núi lửa Hunga Tonga–Hunga Ha‘apai đã được các máy đo địa chấn trên toàn thế giới nghe thấy vào tháng 1. Sức mạnh phi thường của vụ nổ, thậm chí được các vệ tinh quan sát Trái đất ghi lại, đã tạo ra cột khói núi lửa cao nhất từng được ghi nhận và đặt ra nghi vấn với các lý thuyết giải thích cơ chế phun trào núi lửa.


Phân nhánh. Những rãnh nước hình thành do nước mưa làm xói mòn tạo ra hoa văn giống như nhánh cây ở hai bên một con đường ở Tây Tạng. Để chụp được khung cảnh tuyệt đẹp này, nhiếp ảnh gia Li Ping đã chờ từ đêm đến sáng để canh góc đổ bóng phù hợp. Bức ảnh đã giành giải thưởng tại cuộc thi nhiếp ảnh Nature Conservancy năm nay.


Tế bào xoắn ốc. Đây là hình ảnh tế bào mũi của con người được chụp bởi Katie-Marie Case tại Viện Sức khỏe Trẻ em Great Ormond Street, Đại học London. Các tế bào được bao phủ bởi lớp lông mao - những sợi lông nhỏ có chức năng bẫy và dọn sạch các dị vật khỏi mũi. Trong khi nghiên cứu tại sao COVID-19 lại ảnh hưởng nhiều hơn đến một số nhóm tuổi nhất định so với những nhóm tuổi khác, Case nhận thấy những tế bào mũi hình xoắn ốc giống như thiên hà này chỉ xuất hiện ở những bệnh nhân lớn tuổi.


Blade Runner. Hình ảnh một ngư dân chèo thuyền trong cơn bão cát ở thành phố Basra phía nam Iraq mang tông màu gợi nhớ đến bộ phim giả tưởng về thế giới tương lai, Blade Runner 2049. Đây là một ví dụ nghiệt ngã về tác động của biến đổi khí hậu.


Thủy triều dâng. Biến đổi khí hậu đã khiến thủy triều dâng cao hơn, làm một khu vực ở Bangladesh tên là Khulna thường xuyên ngập nước mặn. Hiện tại, cư dân trong khu vực đã có một số biện pháp thích nghi để đối phó với nước dâng cao, chẳng hạn như cô gái này nuôi gia súc ở một túp lều được xây cao lên khỏi mặt đất, nhưng không rõ các biện pháp ứng phó có thể kéo dài khả năng sinh sống trong khu vực này đến bao giờ.

Nguồn: