Đối với chúng ta, các tác phẩm nghệ thuật thời Trung cổ có thể trông hết sức lạ lùng. Thời kỳ này, các bức tranh thường vẽ những nhân vật phi thực và những cảnh tượng kỳ quái.
Olivia Swarthout là một nhà khoa học dữ liệu sống tại London. Cô bắt đầu quan tâm tới nghệ thuật thời Trung cổ qua một lớp lịch sử nghệ thuật trong thời gian học lấy bằng thống kê. Cô đã thu thập các hình vẽ lạ lùng thời Trung cổ từ 4 năm nay, thu thập các hình vẽ kỳ lạ từ các bản đồ, tác phẩm nghệ thuật, bản thảo và nhiều nguồn khác, nhằm nắm bắt vẻ đẹp của chúng.
Trong số đó có hình một phụ nữ nôn ra tiểu quỷ, một con đại bàng trên thân phủ đầy mặt người, hay một người đàn ông có vẻ mặt thảnh thơi khi bị đâm dã man vào đầu. Cô đăng những hình sưu tập được lên tài khoản
Weird Medieval Guys trên X, trước đây là Twitter. Cho tới nay, tài khoản này đã có hơn 600.000 người theo dõi.
Lý do mà các tác phẩm nghệ thuật thời kỳ này trông lạ đời tới vậy là vì những người vẽ ra các minh họa đó chỉ là người bình thường, họ là các thương nhân, tu sĩ, và không định tạo nên các tác phẩm thấm đẫm tinh thần nghệ thuật cá nhân nào cả.
"Nhiều tác phẩm ra đời (trong thời Trung cổ) là mọi người vẽ về những điều từ cuộc sống và trải nghiệm của họ… đó là một phần của văn hóa đại chúng", Swarthout trả lời phỏng vấn qua điện thoại với CNN.
Trong phần đầu của cuốn sách, Swarthout đã đưa độc giả du hành thời gian, để tìm hiểu những chuyện thường nhật nhưng không kém phần kỳ quặc xảy ra trong thời kỳ này. Chẳng hạn như những rắc rối gặp phải khi yêu, tìm kiếm vị thánh bảo hộ, hay những con chim xuất hiện trên giường bệnh của người sắp chết.
Tác giả kết thúc phần này bằng cái chết – một chủ đề thường chẳng mấy hấp dẫn, nhưng nó lại không hề u ám ảm đạm trong các bức tranh thời Trung cổ.
Chẳng hạn như bức tranh dưới đây, người đàn ông bị đâm vào ngực và đâm thẳng vào đầu lại có vẻ mặt rất điềm nhiên. Chính sự mâu thuẫn giữa cảnh tượng dã man và nét mặt bình thản của nhân vật đã tạo nên sức hút cho bức tranh.
Song, nguồn gốc của bức tranh thật khó hiểu. Nó nằm trong một cuốn sách bài hát của nhiều nghệ sĩ khác nhau. Hầu hết các bức chân dung trong cuốn sách này là người cưỡi ngựa, người chiến thắng trong trận đấu, v.v. Riêng người nghệ sĩ này lại chọn cho mình một hình đại diện vô cùng ấn tượng. Thật thú vị khi suy đoán lý do vì sao anh ta lại chọn nó.
Phần hai cuốn sách có tiêu đề động vật giới thiệu một danh sách dài động vật và quái vật trong thời kỳ này: thú vật, chim, cá và rắn. Qua đây, chúng tacó thể hiểu được những quan niệm và trí tưởng tượng của người xưa.
Chẳng hạn, trong chuyện dân gian Trung cổ, người ta đồn rằng bọn nhím dùng những chiếc gai nhọn trên lưng để mang một lượng lớn thức ăn. Hay lươn là loài vô cùng có giá trị và được sử dụng làm hình thức thanh toán.
Ngoài ra, một con vật thường xuyên xuất hiện là ốc sên. Có vô vàn bức tranh mô tả trận chiến giữa con người (từ nông dân tới hiệp sĩ) và con vật này bằng đủ thứ vũ khí như gậy gộc, chùy, cái đập lúa, rìu, kiếm và thậm chí cả nĩa. Chẳng ai biết lý do vì sao những trận chiến giữa ốc sên và hiệp sĩ lại phổ biến khắp thời Trung cổ.
Có một giả thuyết cho rằng những hình minh họa này giúp người đọc thư giãn khi bật cười trước trận chiến ốc sên, trước khi tiếp tục đọc tiếp.
Giả thuyết khác lại cho rằng ốc sên tượng trưng cho người Lombard, một bộ tộc German từng xâm chiếm nước Ý vào năm 568 sau Công nguyên. Cũng có người nhận định chúng đại diện cho những kẻ lười biếng.
Theo Swarthout, việc chất vấn vì sao các con vật không được vẽ đúng cách hay tại sao một số thứ trông kỳ lạ thế đều là cách nhìn hạn hẹp về các tác phẩm trên. Chúng chứa đựng nhiều điều về cuộc sống thời Trung cổ, và lối vẽ ngây ngô khác lạ cũng phần nào giúp ta thấy được nhiều điều thú vị trong số đó.
Nguồn: