Khi chọn một người bạn 4 chân, hầu hết mọi người có xu hướng hành động y như lúc chọn "nửa kia" của mình: tất cả những gì chúng ta mong muốn ở một chú chó (hoặc đối tác) không phải lúc nào cũng giúp ta đi đến quyết định cuối cùng.
Một nhóm các nhà tâm lý học chuyên tìm hiểu cách con người chọn đối tác tình yêu đã áp dụng các công cụ nghiên cứu để hiểu rõ cách thức chúng ta nhận nuôi chó nhằm giúp các con vật tìm được mái ấm cho riêng mình. Sau khi xuất bản công trình nghiên cứu trong tờ Behavior Research Methods (Phương pháp nghiên cứu hành vi), tác giả nghiên cứu Samantha Cohen cho biết, cô đã bị cuốn vào cuộc nghiên cứu trong lúc tình nguyện làm cố vấn nhận vật nuôi tại một trại nuôi dưỡng động vật ở Indiana.
Cô khẳng định: "Lúc đó, tôi có trách nhiệm ghép cặp các chú chó với mỗi người dựa trên sở thích của họ, nhưng tôi thường nhận thấy rằng khách đến thăm cuối cùng lại nhận nuôi các chú cún không nằm trong gợi ý ban đầu của tôi. Nghiên cứu này đã chỉ ra một lý do: Con người có xu hướng chỉ cần người bạn bốn chân đáp ứng một số đặc điểm mong muốn khi lựa chọn ngẫu nhiên, đồng nghĩa với việc các yếu tố này có thể có tác động lớn hơn đến con người khi nhận nuôi các chú chó."
Thuật ngữ dành cho kiểu hành vi được đề cập ở trên được gọi là "stated-revealed preference gap" (khoảng cách giữa phát biểu sở thích và bộc lộ sở thích), là một từ học thuật để mô tả sự khác biệt giữa những đặc điểm con người dự định mong muốn và các yếu tố quyết định cuối cùng. Cũng giống như việc chọn bạn đời, con người cũng có những sở thích nhất định khi chọn cho mình thú nuôi bốn chân.
"Kết quả của cuộc nghiên cứu này là những gì mọi người mong đợi ở một chú chó không phải lúc nào cũng đồng nhất với các đặc điểm khi lựa chọn"- Cohen phát biểu và nói thêm rằng, nhóm của cô phân loại các chú cún dựa trên 13 đặc điểm: tuổi tác, giới tính, màu lông, kích thước, trạng thái thuần chủng, tình trạng đào tạo, độ lo lắng, tính phòng thủ, độ thông minh, độ kích động, mức độ năng lượng, tính vui đùa và độ thân thiện. Sau đó, cô đã khảo sát sở thích của hơn 1.200 người đang có ý định tìm một chú chó về làm bạn; trong đó, có 145 người quyết định đi nhận nuôi. Hầu hết mọi người liệt kê ra những yếu tố được cho là đặc điểm mong muốn – đứng đầu là mức độ thân thiện, theo sau là tính vui đùa và mức độ năng lượng vừa đủ. Thế nhưng, cuối cùng họ lại thường chọn người bạn "lông lá" chỉ với một vài đặc điểm, chẳng hạn như tuổi tác và tính vui đùa, trong khi bỏ qua những đặc điểm khác như màu lông hoặc tình trạng giống thuần chủng. Và nói chung, mọi người thường cho rằng chú cún của mình trông rất dễ thương.
Cohen chia sẻ: "Tương tự như các kết luận được nhiều nhà tâm lý học rút ra từ các mô hình hẹn hò tốc độ (cuộc hẹn hò trong thời gian ngắn), sức hấp dẫn từ vẻ bề ngoài là rất quan trọng. Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng họ đã chọn được một chú cún trông "bảnh bao" hoặc đáng yêu."
Nhưng hãy nhớ rằng, ngoại hình có thể chỉ mang tính tương đối: đây là một yếu tố mà các nhà nghiên cứu cho rằng có thể đã ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu. Do không cùng chung ý kiến khi xác định đặc điểm của con vật, người chọn và nhân viên trại nuôi dưỡng sẽ phải sử dụng các yếu tố chủ quan khác nhau để mô tả cùng một chú chó. Để làm rõ điều này, các nhà nghiên cứu đã nghĩ ra một phương pháp giúp mô tả các đặc điểm, bao gồm một dạng thuật toán để xác định mức độ thân thiện, tổng số các câu lệnh mà chú cún tuân theo, kích thước và màu lông và cùng với các chỉ số khác.
Tất nhiên, việc nhận nuôi thú cưng vẫn khác với quyết định chọn bạn đời do những chú cún không tự mình đưa ra lựa chọn trong khi tình yêu phải xuất phát từ cả hai đối phương. Bất kể điều này, các nhà nghiên cứu nói rằng nghiên cứu đã cung cấp cái nhìn thực tế nhằm hiểu thêm về cách mọi người đưa ra quyết định về mối quan hệ và còn giúp chúng ta nhìn ra được cách chủ nuôi nhận nuôi chú chó của mình.