Ghé Thanh Chương (Nghệ An) mỗi độ thu sang, không khó bắt gặp hình ảnh cây trám xòe tán xanh ôm trọn những chùm quả đen sai trĩu. Mỗi cây trám có thể cho thu nhập 12 triệu đồng/vụ. Đặc biệt, với việc sử dụng giống ghép, thời gian bói quả của cây trám giảm gần một nửa.

Vậy nên trong kế hoạch phát triển tài sản trí tuệ của tỉnh, trám đen là một trong những loại cây đặc sản được tập trung xây dựng chỉ dẫn địa lý - theo ông Phạm Hồng Hải - Trưởng phòng Quản lý công nghệ và thị trường công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An.

Thực phẩm sạch cho thu nhập cao

Những người từng biết đến hương vị thơm bùi đặc biệt của trám đen Thanh Chương sẽ dễ tâm đắc với mấy câu thơ sau: “Nhớ lắm Thanh Chương mùa trám chín/ Dáng thoi quê đen láy mơ màng/ Thơm bùi thi vị đời quý mến/ Cây trám thần tiên đệ nhất om”. Cây ra hoa vào tháng ba, chín quả vào tháng tám, tháng chín.

Từ xưa, quả trám đen đã được người dân chế biến thành nhiều món ăn dân dã mà ngày nay đã thành đặc sản như trám kho, trám om, trám nấu, trám gỏi... Trám đen được cho là ngon nhất khi kho với thịt ba chỉ. Đặc biệt, món xôi trám được làm từ xôi vừa đồ nóng hổi trộn với cùi trám om mềm có hương vị thơm bùi không thể quên.

Theo ông Phạm Hồng Hải, trám cũng được sử dụng trong y học cổ truyền với đặc tính: Vị chua ngọt, hơi đắng, tính bình, có khả năng thanh nhiệt, giải độc, lợi phế, thông họng, thường được dùng chữa các chứng cổ họng sưng đau, ho, lưỡi khô miệng khát.

Người dân Thanh Chương thu hoạch trám đen. Ảnh: Trần Đình Hà
Người dân Thanh Chương thu hoạch trám đen. Ảnh: Trần Đình Hà

Về hiệu quả kinh tế của cây trám, ông Nguyễn Bá Quý - Phó Chủ tịch Hội Làm vườn huyện Thanh Chương - cho biết: “Cây trám đen sinh trưởng phù hợp với cả vườn đồi núi, vườn nhà lẫn vườn rừng, là loại cây trồng dễ chăm sóc. Quả trám đen Thanh Chương trong những năm gần đây cho thu nhập tương đối ổn định. Hiện tại người dân chưa dùng thuốc bảo vệ thực vật nên quả trám được xem là thực phẩm sạch, giá bán khá cao - từ 50.000-60.000
đồng/kg”.

Ông Hải cũng chia sẻ: “Trám đen là loại quả có giá trị kinh tế cao. Cây đạt năng suất cao ở độ tuổi 14-15 năm, mỗi vụ cho thu nhập từ 10-12 triệu đồng/cây. Mỗi hộ trồng trung bình từ 5-10 cây ở nhiều độ tuổi khác nhau, thu nhập từ 15-30 triệu đồng/năm, tổng sản lượng toàn huyện trung bình là 651 tấn/năm. Trám được tiêu thụ ở các thị trường lớn như Hà Nội, TPHCM và xuất khẩu sang Trung Quốc”.

Rút ngắn thời gian bói quả

Trám mọc tự nhiên hoặc được trồng bằng hạt thường chỉ bắt đầu bói quả sau 7-8 năm. Cây lại có bộ khung tán cao, gây khó khăn cho việc thu hoạch, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. Để khắc phục các nhược điểm này, sau khi UBND tỉnh Nghệ An và UBND huyện Thanh Chương triển khai xây dựng vườn nhân giống cây trám đen Thanh Chương, nhân dân hơn 20 xã trong huyện đã trồng cây trám ghép. Có những hộ trồng từ 300-500 cây trở lên.

Ông Quý hào hứng cho biết: “Trong vụ thu hoạch năm nay, trám ghép trồng sau 3-4 năm đã cho quả bói, bình quân đạt khoảng 3-5kg quả/cây. Có hơn 300 hộ trồng 3-5 cây trở lên từ năm 2013 đến nay. Hiện số hộ đăng ký trồng mới rất lớn”. Tiêu biểu trong các hộ trồng trám ghép đã cho quả là ông Phan Bá Bảy ở xóm Liên Tân, xã Thanh Liên. Gia đình này đã trồng gần 100 cây, trong đó 30 cây đã cho quả và đang đăng ký trồng thêm 150 cây.

Trám đen Thanh Chương được bán tại địa phương. Ảnh: Đình Hà
Trám đen Thanh Chương được bán tại địa phương. Ảnh: Đình Hà

Tuy nhiên, người trồng trám cũng đang gặp một số khó khăn. Theo ông Quý, hiện bà con chưa được tập huấn về khoa học kỹ thuật, đầu tư thâm canh, phòng trừ sâu bệnh... Một số hộ muốn mở rộng quy mô nhưng thiếu vốn để đầu tư trồng mới. Mặt khác, nguồn giống ghép cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của bà con. Với các hộ nhân giống, khó khăn lớn nhất là thiếu mắt ghép để nhân giống ghép theo kế hoạch. Bởi với những cây giống đủ tốt để nhân, chủ nhà không cho lấy mắt ghép; còn nếu mua cây bố mẹ thì giá quá cao, làm đội giá thành cây ghép nên các hộ nhân giống chưa dám đầu tư.

Do đó, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn huyện Thanh Chương kiến nghị UBND tỉnh và Nhà nước tạo điều kiện giúp huyện Thanh Chương xây dựng thương hiệu cho cây trám đen, hỗ trợ kinh phí chọn lọc và mua một số cây trám đầu dòng để lấy mắt ghép nhân giống, trợ giá giống để nhân dân đầu tư phát triển mạnh cây trám ghép.

Ông Hải cho biết, Nghệ An đang xúc tiến việc xây dựng và đăng ký chỉ dẫn địa lý “Thanh Chương” cho sản phẩm quả trám đen của huyện. Ông kỳ vọng trong thời gian tới, việc sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ sẽ giúp tăng giá trị kinh tế cho sản phẩm quả trám đen của huyện Thanh Chương, nâng cao đời sống người sản xuất, kinh doanh trám đen.