Chủ tịch UBND TPHCM vừa phê duyệt Chiến lược quản trị dữ liệu của TPHCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, để phục vụ tốt hơn cho hoạt động của các cơ quan chính quyền và cung cấp dịch vụ hiệu quả hơn cho người dân.
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, Chiến lược dữ liệu của TPHCM tập trung vào 3 nhóm dữ liệu chính: Nhóm dữ liệu về người dân, Nhóm dữ liệu tài chính - doanh nghiệp, Nhóm dữ liệu về đất đai - đô thị.
Trong đó, nhóm dữ liệu về người dân là nhóm dữ liệu quan trọng, có nhu cầu sử dụng cao, cần được ưu tiên triển khai nhằm phục vụ cho công tác quản lý, điều hành, tác nghiệp của các cơ quan nhà nước, nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Nguồn dữ liệu hình thành dữ liệu về người dân bao gồm dữ liệu y tế, giáo dục, an sinh xã hội, tư pháp, hộ tịch, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, dữ liệu về tài chính, ngân hàng, dữ liệu về vi phạm hành chính,...
Đối với Nhóm dữ liệu về đất đai - đô thị, TPHCM phấn đấu đến năm 2025, 100% hệ thống thông tin quản lý về đất đai, cấp phép xây dựng, quy hoạch được hình thành thống nhất.
Việc chia sẻ dữ liệu giữa các đơn vị sẽ dựa trên ba hình thức: chia sẻ thông qua dịch vụ dữ liệu trực tiếp từ các hệ thống thông tin chuyên ngành do các sở ngành, quận huyện quản lý; chia sẻ dữ liệu chủ được tạo ra từ các cơ sở dữ liệu chuyên ngành; chia sẻ dưới dạng tập tin. Tùy theo hình thức chia sẻ dữ liệu, các dữ liệu gốc - được tạo ra từ các hệ thông thông tin chuyên ngành của các đơn vị - sẽ được sử dụng để tạo ra dữ liệu chủ lưu tại Kho dữ liệu dùng chung của thành phố, hoặc tạo ra các dịch vụ chia sẻ dữ liệu, tạo thành tệp tin để chia sẻ trực tiếp thông qua Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu của thành phố.
Thành phố cũng đưa ra chỉ tiêu, 100% cơ sở dữ liệu phải được lưu trữ, quản lý tại Trung tâm Dữ liệu Thành phố và được đảm bảo an toàn thông tin theo quy định.
Thạch Thảo