Các giống lúa mới do Trung tâm Giống Quảng Ngãi chọn tạo được triển khai sản xuất theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân và phát triển vùng lúa giống của tỉnh.

Từ năm 2017, Trung tâm Giống tỉnh Quảng Ngãi triển khai đề tài “Chọn tạo và phát triển một số giống lúa mới ngắn ngày, có năng suất cao, phẩm chất gạo tốt phục vụ sản xuất để tăng thu nhập cho nông dân Quảng Ngãi và một số tỉnh khu vực miền Trung”. Kết quả, ba giống lúa mới gồm QNg6, QNg13 và QNg128 đã được chọn tạo thành công và đến cuối năm 2020, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) công nhận, cho phép lưu hành tại Quảng Ngãi cũng như các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Cả ba giống lúa đều có năng suất cao (65 – 75 tạ/ha), vượt 10–14% so với một số giống đại trà địa phương. Thời gian sinh trưởng ngắn, chỉ từ 85–115 ngày. Chất lượng gạo thơm ngon, cơm dẻo, được thị trường ưa chuộng. Trong đó, giống QNg13 chống chịu tốt với bệnh đạo ôn, sâu cuốn lá và khô hạn. QNg6 cứng cây, chống đổ ngã, chịu lạnh và hạn tốt, không bị lép hạt. QNg128 là giống cực ngắn ngày (85 ngày), gạo thơm, phù hợp với vùng khó chủ động nước tưới ở duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Nhằm đưa nhanh các giống mới vào sản xuất đại trà, Sở KH&CN tỉnh Quảng Ngãi triển khai dự án “Hỗ trợ ứng dụng kết quả nghiên cứu KH&CN phát triển nhanh các giống lúa (QNg6, QNg13, QNg128) theo chuỗi giá trị”. Trung tâm Giống Quảng Ngãi là đơn vị chủ trì, thực hiện mô hình tại các huyện Sơn Tịnh, Mộ Đức và thị xã Đức Phổ, với tổng diện tích 110 ha.

Trong tiếp cận phát triển giống lúa mới theo chuỗi giá trị, các khâu chọn tạo giống – sản xuất giống – canh tác lúa hàng hóa – tiêu thụ được kết nối chặt chẽ nhằm tối ưu hóa giá trị kinh tế của giống lúa, đồng thời bảo đảm giống mới phù hợp với nhu cầu thực tiễn và thị trường. Cách làm này không chỉ giúp rút ngắn thời gian đưa giống vào sản xuất mà còn nâng cao thu nhập cho nông dân, nhờ đầu ra ổn định và giá trị gia tăng cao hơn.

Mô hình sản xuất giống lúa mới theo chuỗi giá trị. Ảnh: NNC

Trong quá trình triển khai, Trung tâm đã xây dựng quy trình sản xuất hạt giống lúa các cấp, từ siêu nguyên chủng (giống gốc ban đầu G1, G2), nguyên chủng (nhân ra từ giống siêu nguyên chủng), đến giống xác nhận (giống dùng phổ biến trong sản xuất đại trà, được nhân ra từ giống nguyên chủng). Các quy trình đều đảm bảo độ thuần chủng và chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia.

Sau 36 tháng triển khai, với giống siêu nguyên chủng, Dự án đã sản xuất được 6.562 kg (trong đó G1 đạt 161 kg, năng suất 0,28–0,3 tấn/ha, đáp ứng TCVN 8550:2018 do Bộ KH&CN công bố). Từ G1, Dự án tiếp tục sản xuất được 6.401 kg giống G2, năng suất trung bình 1,6 tấn/ha, đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật QCVN 01-54:2011/BNNPTNT. Ngoài ra, thu được gần 16.300 kg sản phẩm phụ là lúa để xát gạo ăn từ hai dòng G1 và G2.

Trên cơ sở đó, dự án mở rộng sản xuất giống nguyên chủng và giống xác nhận trên diện tích lần lượt là 80 ha và 30 ha, thu về 419 tấn giống. Lợi nhuận của nông dân tham gia mô hình liên kết tăng gần 24% so với sản xuất lúa thường.

Người dân tham gia mô hình được hỗ trợ 100% giống siêu nguyên chủng, 30% vật tư đầu vào (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật), đồng thời được tập huấn kỹ thuật. Toàn bộ sản phẩm giống lúa tươi được Trung tâm Giống thu mua tại ruộng, giúp nông dân tiết kiệm khoảng 20% chi phí phơi sấy và vận chuyển.

Có thể mở rộng chuỗi liên kết sản xuất giống bền vững với sự phối hợp giữa các đơn vị nghiên cứu, hợp tác xã và người nông dân đến các vùng miền núi như Ba Tơ, Sơn Hà, Minh Long, góp phần lan tỏa hiệu quả ứng dụng của các giống lúa mới tại địa phương.

Dự án đã được Sở KH&CN Quảng Ngãi nghiệm thu mới đây, kết quả đạt yêu cầu.

Bài đăng KH&PT số 1345 (số 21/2025)