Đây là kết quả của dự án KawaTech thuộc chương trình hợp tác theo nghị định thư giữa Chính phủ Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức, được triển khai từ tháng 1/2013 do Viện Khoa học địa chất và khoáng sản Việt Nam, Viện Công nghệ Karlsruher, Viện Quản lý nước và lưu vực sông của Đức phối hợp thực hiện. Kinh phí của dự án do Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Đức tài trợ, có sự hỗ trợ vốn của Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và vốn đối ứng của tỉnh Hà Giang.
Mục tiêu của dự án là nghiên cứu triển khai công nghệ khai thác, sử dụng tài nguyên nước ở các vùng núi đá vôi, từ đó đưa ra giải pháp cấp nước bền vững cho người dân trong vùng công viên địa chất toàn cầu - cao nguyên đá Đồng Văn.
Thiếu nước nghiêm trọng là thực trạng diễn ra thường xuyên ở các vùng núi đá vôi do đất ngầm bị vôi hóa, có tốc độ rò rỉ cao, dẫn đến thiếu các bể chứa nước tự nhiên trên bề mặt. Trên thực tế, khu vực này sở hữu nguồn nước ngầm dồi dào nhưng phân bố không đồng nhất, lại nằm sâu dưới lòng đất, khiến nước dễ bị biến động, ô nhiễm.
Các chuyên gia Đức khảo sát khu vực thủy điện Séo Hồ để thực hiện dự án. Ảnh: NV
Do đó, việc khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm gặp nhiều khó khăn. Thời gian thiếu nước sinh hoạt của người dân vùng cao Hà Giang thường kéo dài từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau. Họ thường phải đi bộ hàng chục kilômét đến các nguồn nước tự nhiên hoặc hồ chứa.
Ông Hồ Tiến Chung - Viện Khoa học địa chất và khoáng sản Việt Nam, thành viên tham gia dự án - cho biết, việc bơm nước từ rất sâu dưới lòng đất tiêu thụ nguồn năng lượng rất lớn. Việc tận dụng năng lượng từ dòng chảy thủy điện là giải pháp lý tưởng và độc đáo trong điều kiện không thể tiếp cận nguồn cung cấp điện.
Sau khi khảo sát vùng cao nguyên đá, dự án quyết định lắp hệ thống máy bơm nước bên cạnh Nhà máy điện Séo Hồ để tận dụng lực nước của nhà máy và các cơ sở hạ tầng sẵn có. Hệ thống này gồm một môđun vận chuyển nước nối trực tiếp với một máy bơm ngược (PAT) thay thế tuabin và một máy bơm tăng cường được lắp đặt, sử dụng linh hoạt nhằm nâng cao công suất của nhà máy hiện có.
Hệ thống bơm này có thể đưa nước lên độ cao hơn 600m vào bể chứa tại đỉnh Ma Ú, cấp nước cho thị trấn Đồng Văn và các vùng phụ cận. Với 2 tổ bơm - trên nguyên lý công nghệ và chế tạo hiện đại nhất hiện nay, cứ có 80 lít/giây nước đầu vào thì hệ thống sẽ tự động đẩy được lên đỉnh Ma Ú 18-20 lít/giây (tương đương 1.555m3/ngày đêm), hoàn toàn tự động dựa vào sức nước mà không dùng nguồn năng lượng nào khác.
Ông Hồ Tiến Chung cho biết thêm, dự án đang đi vào giai đoạn cuối. Các tổ máy đã được lắp đặt xong, chờ hoàn thành đường ống dẫn để có thể bơm nước lên bể chứa. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật của Hà Giang cũng được tham gia quá trình triển khai lắp đặt hệ thống máy bơm nhằm tiếp nhận đào tạo, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật vận hành hệ thống bơm nước. Sau khi dự án hoàn thành, họ có thể trực tiếp vận hành do hệ thống bơm này tương đối đơn giản, tự động, được thiết kế dựa trên năng lực của đội ngũ kỹ thuật địa phương.
“Một điểm ưu việt nữa của hệ thống này là sử dụng những trang thiết bị không cần bảo dưỡng thường xuyên, không phải thay thế” - ông Chung cho biết.
Một số dự án nghiên cứu tiêu biểu trong chương trình hợp tác Việt - Đức:
Dự án RAME (khai thác mỏ và môi trường ở Việt Nam) do Đại học (ĐH) Ruhr Bochum, Viện Kỹ thuật môi trường và sinh thái (Đức) và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam thực hiện với kết quả: Xây dựng được một nhà máy xử lý nước thải mỏ hiện đại tại Vàng Danh (Uông Bí, Quảng Ninh); quan trắc toàn diện bên trong và khu vực xung quanh vùng khai thác mỏ lộ thiên Núi Béo (Hạ Long, Quảng Ninh) và đưa ra giải pháp giảm bụi; xây dựng đầm lầy nhân tạo để xử lý nước thải hầm mỏ tại Đông Triều, Quảng Ninh...
Dự án AKIZ (giải pháp xử lý nước thải cho các khu công nghiệp) do ĐH Witten, Stuttgart (Đức) và ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội, ĐH Cần Thơ thực hiện. Dự án đã xây dựng thành công: Các giải pháp tài chính cho cơ sở hạ tầng nước thải trong khu công nghiệp; trạm khử độc tố của nước thải công nghiệp bị ô nhiễm nặng; phòng thí nghiệm trong container tại Khu công nghiệp Trà Nóc (Cần Thơ) để quan trắc nước thải tự động.
Dự án REMON (giám sát giao thông đô thị trực tuyến, giải pháp quản lý giao thông và phát triển đô thị Hà Nội) do ĐH Tự do Berlin và ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội thực hiện với kết quả: Vẽ được bản đồ kỹ thuật số các tuyến đường chi tiết của Hà Nội; lập hệ thống thông tin giao thông trực tuyến cho chuyên gia và cộng đồng dựa trên nền tảng GPS; phân tích chi tiết tình trạng giao thông như các điểm nóng hay ách tắc... |