Việc chọn lọc và phát triển giống nếp than bản địa góp phần bảo tồn nguồn gen quý hiếm, xây dựng thương hiệu gạo nếp đặc sản Kon Tum.

Nếp than là một giống lúa mùa bản địa, thường được người dân Xê Đăng (Kon Tum) trồng và chế biến thành món cơm lam, rượu cần, bánh sừng trâu,... Gạo nếp than tuy không phải là lương thực chính, nhưng không thể thiếu trong những những lễ hội quan trọng như mừng năm mới, đâm trâu, mừng nhà rông,...

Tại tỉnh Kon Tum. Giống lúa này được trồng chủ yếu tại các huyện Đăk Hà, Sa Thầy, Kon Rẫy và một số xã vùng Đông Trường Sơn thuộc huyện Đăk Glei và huyện Kon Plông... Với màu tím đen đặc trưng, nếp than không chỉ dẻo thơm mà còn chứa giá trị dinh dưỡng cao, do lớp cám của nó chứa hàm lượng anthocyanin - một chất chống oxy hóa mạnh - rất cao.

Tuy nhiên, trải qua nhiều thập kỷ canh tác theo phương pháp truyền thống, giống nếp than ở Kon Tum đang dần thoái hóa, chất lượng giảm, phẩm chất gạo kém đi. Nhằm bảo tồn nguồn gen quý hiếm, đồng thời xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác phù hợp để khuyến cáo cho nông dân, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kon Tum đã thực hiện đề tài “Đánh giá, chọn lọc giống nếp than trên địa bàn tỉnh Kon Tum”.

Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã thu thập tổng cộng 13 mẫu giống lúa nếp than tại các huyện Đăk Hà, Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Đăk Tô, Sa Thầy và đánh giá kỹ lưỡng theo các chỉ tiêu: màu sắc hạt, tỷ lệ lẫn giống khác hoặc hạt khác dạng, hình dạng hạt, mức độ thuần chủng. Qua phân tích, bốn mẫu giốngđược lựa chọn để đưa vào giai đoạn trồng thực nghiệm tại hai địa điểm đại diện cho điều kiện sinh thái khác nhau: xã Đăk Sao (huyện Tu Mơ Rông) và xã Đăk La (huyện Đăk Hà).

Các giống nếp than được theo dõi thời gian sinh trưởng, tốc độ phát triển, khả năng chống chịu sâu bệnh và năng suất, sau đó chọn ra hai giống tốt nhất - gồm mẫu giống tại xã Đăk Sao (huyện Tu Mơ Rông) và mẫu giống tại xã Mo Rai (huyện Sa Thầy) - để tiếp tục trồng khảo nghiệm tại ba điểm gồm: xã Đăk La (huyện Đăk Hà), xã Đăk Sao (huyện Tu Mơ Rông) và thị trấn Đăk Glei (huyện Đăk Glei).

Trồng khảo nghiệm các giống nếp than tại Kon Tum. Ảnh: NNC

Kết quả, thời gian sinh trưởng của các giống trong mô hình trình diễn dao động từ 160 - 165 ngày. Bệnh đạo ôn lá và đạo ôn cổ bông (bệnh ở phần cổ bông – chỗ tiếp giáp giữa thân và bông) xuất hiện trên cả hai mẫu giống, nhưng đều ở mức nhẹ, không ảnh hưởng lớn đến năng suất. Sâu đục thân ghi nhận ở mức nhẹ trên mẫu giống từ xã Mo Rai tại hai điểm trình diễn: xã Đăk Sao và thị trấn Đăk Glei. Đặc biệt, sâu cuốn lá và rầy nâu – hai đối tượng gây hại phổ biến trong sản xuất lúa - không xuất hiện ở cả ba điểm khảo nghiệm, cho thấy khả năng chống chịu tốt của các giống nếp được chọn.

Đối với mẫu giống xã Mo Rai, năng suất trung bình đạt 3,45 tấn/ha và đạt cao nhất 3,63 tấn/ha tại điểm thị trấn Đăk Glei. Đối với mẫu giống xã Đăk Sao, năng suất trung bình đạt 3,4 tấn/ha tại điểm thị trấn Đăk Glei. Trong khi đó, năng suất một số giống khác do bà con trồng thường chỉ đạt từ 1,2 - 3,3 tấn/ha.

Theo nhóm thực hiện, đây là hai mẫu giống lúa nếp than cho năng suất cao nhất, hình thái cây đẹp, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt và thích nghi cao với điều kiện canh tác thực tế. Đây là những giống nếp có tiềm năng phục vụ mở rộng sản xuất theo hướng an toàn, góp phần tạo ra sản phẩm nông nghiệp đặc trưng cho vùng miền núi Kon Tum.

Không dừng lại ở việc chọn giống, nhóm nghiên cứu còn xây dựng và hoàn thiện tài liệu kỹ thuật canh tác lúa nếp than và chuyển giao cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện và thành phố trong tỉnh nhằm hướng dẫn người dân áp dụng đúng kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Bài đăng KH&PT số 1344 (số 20/2025)