Các cán bộ kỹ thuật tại địa phương đã tuyển chọn và nhân giống những cây đầu dòng sạch bệnh, có năng suất, chất lượng cao và ổn định cho hai giống cam đặc sản của tỉnh Hà Tĩnh.

Cam bù Hương Sơn (trái) và cam giòn Thượng Lộc (phải) là hai giống cam nổi tiếng của Hà Tĩnh. Ảnh: ST
Cam bù Hương Sơn (trái) và cam giòn Thượng Lộc là hai giống cam nổi tiếng của Hà Tĩnh. Ảnh: ST

Cam bù Hương Sơn và cam giòn Thượng Lộc, đặc sản trứ danh của Hà Tĩnh, là sinh kế của hàng trăm hộ nông dân. Cam bù vỏ dày, mọng nước, chín rộ dịp Tết, từng mang về hàng trăm tỷ đồng mỗi năm cho huyện Hương Sơn.

Cam giòn thì ghi điểm nhờ vỏ mỏng, tép giòn, ngọt đậm và sức sống dẻo dai với thời tiết. Loại cam này đã được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận "Cam Thượng Lộc" từ năm 2017, và có giá bán khá cao. Một cây cam giòn có thể cho thu nhập gấp hai - ba lần so với cây cam thường.

Cả hai đều cho quả một vụ mỗi năm, thu hoạch vào khoảng đầu tháng 11-12 âm lịch, kéo dài đến sau Tết.

Nhưng những năm gần đây, năng suất của các giống cam có dấu hiệu suy giảm. Theo phản ảnh, nhiều diện tích trồng cam bù đã bị chết, khiến người dân phải chặt bỏ. Năm 2023, sản lượng cam giảm mạnh, chỉ còn 1/3. Nguyên nhân ban đầu được cho là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dẫn đến những giai đoạn mưa nhiều làm tổn thương nghiêm trọng đến bộ rễ, cây bị vàng lá và bị chết.

Để đảm bảo tiềm năng kinh tế của các giống cam địa phương và chống lại thực trạng giảm sút diện tích và nguy cơ thoái hóa giống, từ năm 2020 đến nay, Trung tâm Ứng dụng KH-CN và ĐMST Hà Tĩnh (thuộc Sở KH&CN Hà Tĩnh) đã thực hiện nhiệm vụ “Sản xuất thử nghiệm nguồn gen cam bù Hương Sơn và cam giòn Thượng Lộc, Hà Tĩnh” (Mã số: NVQG-2020/DA.04).

Nhiệm vụ có sự hỗ trợ kỹ thuật của chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Rau quả (Bộ NN&MT)

Nhóm dự án thực hiện điều tra, tuyển chọn, thẩm định cơ sở cây đầu dòng. Ảnh: Báo Hà Tĩnh
Nhóm dự án thực hiện điều tra, tuyển chọn, thẩm định cơ sở cây đầu dòng. Ảnh: Báo Hà Tĩnh

Trong gần năm năm, nhóm dự án đã tới khắp các vườn đồi từ Hương Sơn đến Can Lộc để thu thập và xây dựng bộ dữ liệu mô tả đặc điểm nông sinh học nguồn gen của từng giống cam. Trên cơ sở đó, họ đã tuyển chọn được các giống tốt nhất để thực hiện các quy trình nhân giống sạch bệnh, trồng mới thời kỳ kiến thiết cơ bản, thâm canh cho mỗi nguồn gen.

Kết quả, năm 2022, nhóm Dự án thu được 10 cây đầu dòng sạch bệnh, năng suất tốt cho mỗi giống.

Dựa trên nguồn gen đó, nhóm đã nhân giống vô tính hơn 100 cây mẹ S0, S1 cho từng giống cam, đảm bảo không mang mầm bệnh vàng lá gân xanh (greening) và bệnh tàn lụi (tristeza) - hai loại bệnh phổ biến do vi khuẩn và virus gây ra, khiến cây cam còi cọc, giảm năng suất, thậm chí chết nhanh.

Các cán bộ kỹ thuật ở Hà Tĩnh đã nhân giống sạch cây mẹ S0, S1 cho giống cam bù Hương Sơn và cam giòn Thượng Lộc . Ảnh: Báo Hà Tĩnh
Cán bộ kỹ thuật ở Hà Tĩnh nhân giống sạch cây mẹ S0, S1 cho giống cam bù Hương Sơn và cam giòn Thượng Lộc . Ảnh: Báo Hà Tĩnh

Bên cạnh đó, nhóm còn xây dựng một vườn ươm rộng 1.000m², đủ khả năng cung cấp 20.000 cây giống mỗi loại mỗi năm. Những cây giống này được đưa vào trồng mới trên tổng diện tích 20 ha tại các xã Sơn Giang (huyện Hương Sơn), xã Thường Nga và thị trấn Đồng Lộc (huyện Can Lộc). Trong đó, một nửa được trồng theo phương pháp ứng dụng công nghệ cao - gồm tưới nhỏ giọt và bón phân tự động - làm nơi học tập trao đổi kinh nghiệm cho các hộ trồng trọt trong khu vực.

Từ những hiểu biết mới về giống cam, nhóm cũng triển khai một mô hình trồng cam thâm canh theo tiêu chuẩn VietGAP tại các vườn cam từ bốn đến sáu năm tuổi ở xã Hàm Trường (huyện Hương Sơn) và thị trấn Đồng Lộc (huyện Can Lộc).

Các vườn này được hỗ trợ về vật tư, phân bón và kỹ thuật chăm sóc. Kết quả ghi nhận năng suất cam bù trong mô hình thâm canh cao hơn gần 17% so với phương pháp canh tác truyền thống, đạt trung bình 15 tấn/ha; trong khi cam giòn tăng năng suất khoảng 15%, đạt 16 tấn/ha.

Tại các vườn thâm canh, năng suất trung bình cao hơn đại trà 15% – 17%.
Tại các vườn thâm canh, năng suất trung bình của cam giòn và cam bù cao hơn đại trà 15% – 17%. Ảnh: Báo Hà Tĩnh

Dự án đã tập huấn cho hơn 200 nông dân về các kỹ thuật trồng cam bù, cam giòn; đồng thời đào tạo kỹ thuật cho 10 cán bộ về công nghệ nhân giống sạch bệnh của hai nguồn gen.

Bà Trần Thị Thúy Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KH-CN và ĐMST Hà Tĩnh cho biết, kết quả của dự án góp phần giúp Hà Tĩnh chủ động nguồn cây giống sạch bệnh tại chỗ để phát triển diện tích cây cam đặc sản cũng như góp phần giúp địa phương dần hình thành nguồn nhân lực khoa học - kỹ thuật và nông dân sản xuất cây có múi có trình độ cao.

Tin đăng KH&PT số 1347 (số 23/2025)