Hoang mang về bệnh cây
Nhiều nhà vườn ở xã Bình Trưng, Vĩnh Kim, Kim Sơn, Dưỡng Điềm, Song Thuận cho rằng vườn vú sữa của họ bị bệnh trái nhỏ, thối rễ, khô cành, sâu đục thân. Sau hai ba năm chăm sóc “đặc biệt” nhưng vườn cây, trong đó có vườn 6-7 tuổi - trong độ tuổi sung mãn, không thấy phát mấy, thậm chí bệnh lá nhỏ và khô cành nặng hơn. Bà con cũng đã thử áp dụng phương pháp “trẻ hóa” đốn cành cấp 2 và “ thí nghiệm”một số cây đến cành cấp 1, đôn thấp xuốngnhưng cây vẫn không phục hồi được đành bứng gốc luôn.
Theo ông Trần Văn Tài, chủ vườn ở xã Dưỡng Điềm: Nhà vườn rất hoang mang khi không biết con sâu, con vi khuẩn hay côn trùng gì ở dưới đất, không ăn mà làm hư thối rễ dẫn đến việc cây không phát triển, đến mùa ra trái nhưng trái nhỏ khô rụng nhiều, số còn lại không lớn được, việc xảy ra một cách từ từ, lâu nay. Giải thích về lạm dụng phân bón là thối rễ chưa thuyết phục bởi trồng cây ăn trái cây nào cũng phải bón phân, sao chỉ có vú sữa bị chết?
Ông Trần Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim lo lắng cho các hộ trồng vú sữa trong xã nhà và các xã bạn: “Vú sữa Lò rèn Vĩnh Kim và các xã xung quanh đang đứng trên bờ vực thẳm. Vườn vú sữa 6-7 năm tuổi mới cho trái 3-4 năm mà cây đã giảm năng suất, lão hóa không khôi phục được. Lãnh đạo địa phương và bà con nông dân trồng vú sữa rất hoang mang. Nhiều hộ cưa bỏ vú sữa, trồng bưởi da xanh, sầu riêng, 4-6 năm sau mới có thu hoạch, khó khăn rất lớn khi khoảng thời gian không có thu hoạch rất dài”. Ông Hải thống nhất với nhận định ban đầu của hội thảo do Sở Nông nghiệp tổ chức: Vú sữa Lò rèn Vĩnh Kim bị bệnh và lão hóa có thể do lạm dụng phân bón hóa học, xử lý cho cây ra hoa trái vụ quá mức làm cây suy kiệt, mầm bệnh gây khô cành, thối rễ lưu tồn không được xử lý triệt để,thời tiết bất thường làm cho cây suy kiệt dần.
Ông Cao Văn Hóa, Q. Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Tiền Giang nhận định rằng: Hiện tượng suy kiệt rất phổ biến, lan rộng trên địa bàn trồng vú sữa huyện Châu Thành. Cùng với các cơ quan khoa học, tỉnh đã rút ra kết luận bệnh thối rễ, khô cành trên cây vú sữa diễn ra phổ biến, ngày càng tăng mạnh, nguyên nhân dẫn đến thì rất nhiều. Địa phương và các cơ quan khoa học đã khuyến cáo nhà vườn nhiều giải pháp chữa trị, nhiều thí nghiệm cho kết quả hết bệnh, nhưng vườn cây không hồi phục mạnh được, thậm chí nhiều cây chết, không mang lại hiệu quả tốt nên bà con phải cưa bỏ.
Theo Viện cây ăn quả miền Nam, các vùng đất ven sông Tiền và vùng đất kẹp theo các mương lớn ít có cây bị bệnh thối rễ dẫn đến rụng lá, lá nhỏ, trái nhỏ, khô cành. Bệnh khô cành nặng hơn ở các chân vườn bị ngập úng lâu trong mùa mưa và những vườn bón phân nhiều, bón không đúng cách.
Ảnh minh họa.
Hoàn thiện thủy lợi, cải tạo đất
Nhiều người dân phát hiện do đị hình thấp so với mực nước biển, không có hệ thống đập, cống lưu thông nên nhiều vườn, thậm chí tiểu vùng nằm xa lộ nước bị dồn lại nhiều ngày, nhất là khi mưa nhiều nên bộ rễ non của cây bị chết. Tình trạng này lập đi lập lại khiến cây khó phục hồi.
Ông Huỳnh Phước Hải, Phó Chi cục Thủy lợi tỉnh cho rằng: Giải pháp kiểm soát được mực nước trong các mương vườn là vô cùng quan trọng. Khi khống chế được mực thủy cấp, đáp ứng yêu cầu sinh trưởng của cây mới áp dụng tốt quy trình quản lý bệnh thối rễ trên cây vú sữa như các cơ quan khoa học khuyến cáo. Cần ưu tiên cho giải pháp thủy lợi, mở đường cho việc tiến hành các giải pháp về nông học. “Không làm tốt thủy lợi tốt thì các công việc như vệ sinh vườn, trừ nấm gây bệnh, tỉa cành trẻ hóa vườn vú sữa không có tác dụng” ông Hải nói.
Theo GS.TS Nguyễn Bảo Vệ, Đại học Cần Thơ: Muốn khôi phục vườn vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, việc ưu tiên là khôi phục và ngăn chặn sự suy thoái đất. Cần nghiên cứu tìm ra những tác động của tự nhiên và con người làm cho đất bị suy thoái. Từ đó các cơ quan khoa học đề xuất giải pháp phù hợp để cải thiện lại đất thích ứng với cây vú sữa.
Theo Hiệp hội rau quả Việt Nam, trên thị trường trái cây xuất khẩu, vú sữa có lợi thế mặt hàng hiếm do sản lượng nguồn cung thấp. Tuy nhiên chỉ những lô hàng vú sữa trái to (trên 300g/trái), hái ở độ chín 90-95%, mã đẹp (bóng, không tì vết) đáp ứng nhu cầu thu mua xuất khẩu; tiếc rằng sản lượng loại vú sữa tốt này không nhiều và bị chia sẻ nhiều chuỗi cung ứng thị trường trong và ngoài nước. Kỹ thuật bọc lá lục bình bà con đang áp dụng có thể vận chuyển đường bộ ra Hà Nội và các tỉnh miền Bắc vì duy trì trái vú sữa tươi lâu hơn vài ba ngày, nhưng chỉ phù hợp thị trường trong nước và mà không thể áp dụng cho vú sữa xuất khẩu. Ngoài yêu cầu sản xuất VietGAP, vú sữa xuất khẩu phải áp dụng chế độ bảo quản đặc biệt và vận chuyển bằng máy bay để đạt độ tươi và tránh bầm giập. Để có giá trị cao, nhất thiết phải làm công tác quảng bá tiếp thị ở các thị trường có sức mua lớn, giá cao. Điều cần nhất cho một chuỗi cung ứng vú sữa xuất khẩu là sản lượng đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Vì thế gầy dựng lại vùng trồng vú sữa chất lượng cao là việc phải làm.