Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Hậu Giang và Tập đoàn Lộc Trời đang bàn chuyện đưa trái khóm (miền Bắc gọi là quả dứa) sang châu Âu bằng máy bay để đảm bảo sản phẩm tươi ngon nhất khi tới tay người tiêu dùng.

Đó là tiết lộ của bà Nguyễn Thị Kiều - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Ứng dụng KH&CN Hậu Giang.

Tăng giá gấp ba nhờ nhãn hiệu tập thể

Dứa Cầu Đúc thuộc giống dứa Queen, mỗi trái nặng 1,5-2kg, lõi nhỏ, mắt lồi, thịt vàng sậm, ít xơ, ít nước, ăn giòn và ngọt. Giống này phát triển tốt ở địa bàn thành phố Vị Thanh từ nửa đầu thế kỷ trước.

Cái tên “khóm Cầu Đúc” được hình thành do hồi đó sông Cái Lớn đoạn đi qua xã Hỏa Tiến - nơi tạo ra những quả dứa thơm ngon nhất - có cây cầu đúc bằng ximăng, trung tâm mua bán dứa. Là người tham gia dự án “Xây dựng và quản lý nhãn hiệu tập thể khóm Cầu Đúc Hậu Giang”, ông Phạm Trường Giang - cán bộ Văn phòng Tỉnh ủy - cho biết: “Nhờ thổ nhưỡng mà trái dứa ở Cầu Đúc ngon vượt trội so với nơi khác, vị ngọt thanh, thơm dịu, ít gây rát lưỡi và bảo quản được ít nhất 10 ngày”.

Một vườn dứa Cầu Đúc ở Hậu Giang. Ảnh: Kiều Nguyễn

Mặc dù vậy, theo ông Vu Sủi - Chủ nhiệm Hợp tác xã Thạnh Thắng, thành phố Vị Thanh, trước khi nhãn hiệu tập thể “khóm Cầu Đúc Hậu Giang” được Cục Sở hữu trí tuệ cấp vào năm 2015, giá sản phẩm chỉ dao động trong khoảng 2.000-3.000 đồng/trái; nhưng sau khi được bảo hộ, mức giá chưa bao giờ dưới 7.000 đồng/trái, và lên tới 9.000-10.000 đồng/trái trong dịp cuối năm 2016. Hiện mỗi ngày, hợp tác xã xuất 7-10 tấn, cung cấp cho các siêu thị ở TPHCM và các doanh nghiệp xuất khẩu, chế biến trái cây.

Bà Nguyễn Thị Kiều chia sẻ: “Để trái dứa Cầu Đúc được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể, chúng tôi đã triển khai 2 chương trình là phục tráng giống dứa Queen (bị thoái hóa do dịch bệnh héo khô đầu lá) và xây dựng 50ha dứa trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Đây cũng là lộ trình mà tỉnh triển khai để đẩy mạnh sản phẩm được xác định là nông sản chủ lực của tỉnh”. Nhờ đó, thương hiệu được nâng cao rõ rệt và khi có nhãn hiệu tập thể thì việc chào hàng rất dễ dàng.

Cây giảm nghèo trở thành cây làm giàu

Ông Lư Anh Khoa - Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Vị Thanh - cho biết, hiện Hậu Giang có khoảng 1.280ha dứa, chủ yếu ở các xã Hỏa Tiến, Tân Tiến, Tân Vị... Với năng suất 16-20 tấn/ha, giá trung bình 6-10 triệu đồng/tấn, mỗi năm 1ha sẽ cho thu nhập từ 96-180 triệu đồng. “Trước đây, dứa là cây xóa đói giảm nghèo của tỉnh, nhưng sau khi giải quyết được bài toán thương hiệu, năng suất và đảm bảo chất lượng theo chuẩn VietGAP, dứa đã được tỉnh Hậu Giang xác định là cây làm giàu” - ông Khoa nói.

Bà Nguyễn Thị Kiều tiết lộ: “Thời gian qua, Sở KH&CN Hậu Giang đã làm việc với Tập đoàn Lộc Trời để lên kế hoạch đưa dứa Cầu Đúc sang châu Âu bằng đường hàng không. Bởi lẽ, muốn trái dứa tới tay người tiêu dùng có chất lượng tốt nhất, chỉ có thể đi máy bay chứ không thể đi đường biển. Kế hoạch này nếu thành công sẽ mở ra con đường xuất khẩu mới cho trái dứa thay vì phải chế biến”.


Thời gian qua, nông dân trồng dứa gặp tình trạng nhiều cây bị héo khô đầu lá do virus và nấm, phải nhổ bỏ. Vì thế, ngoài chương trình phục tráng giống dứa Queen sạch bệnh bằng phương pháp nuôi cấy mô đỉnh sinh trưởng, Sở KH&CN tiếp tục bảo tồn và sản xuất cây giống sạch bệnh cung cấp cho người dân. Trong năm 2017, Hậu Giang dự kiến mở rộng diện tích trồng dứa theo chuẩn VietGAP và nâng diện tích trồng dứa nói chung lên 2.000ha. Sở cũng đang nghiên cứu các công nghệ để tận dụng mọi nguyên liệu từ cây chủ lực này.

Bà Kiều phấn khởi: “UBND tỉnh vừa phê duyệt đề tài nhận chuyển giao công nghệ chế biến, đa dạng các sản phẩm từ dứa Cầu Đúc của PGS-TS Nguyễn Minh Thủy (ĐH Cần Thơ). Theo đó, những trái không thể xuất khẩu tươi sẽ được áp dụng kết hợp phương pháp cổ truyền và công nghệ sinh học để chế biến rượu vang dứa, nước ép, dứa sấy, bánh dứa, dứa đóng hộp, mứt… Các phụ phẩm như chồi ngọn, thân, vỏ dứa... được tận dụng để trích ly enzyme bromelin dùng trong dược phẩm và chế biến thực phẩm”.

Những vùng trồng dứa nổi tiếng Việt Nam

Dứa Suối Hai (Ba Vì, Hà Nội): Giống chính là Victoria. Mắt to, thịt rắn chắc, thơm, giòn, ngọt, ráo nước, nặng 0,7-1kg/quả.

Dứa Lục Nam (Bắc Giang): Được bảo hộ nhãn hiệu tập thể từ năm 2015, màu vàng tươi, quả to đều, nặng khoảng 1kg/quả, vị ngọt sắc, nhiều nước và thơm.

Dứa Đồng Dao (Ninh Bình):Lọt vào danh sách 50 thứ quả đặc sản nổi tiếng Việt Nam; gồm 2 giống chính là Queen Victoria (mọng nước, vị thơm, thanh ngọt) và Cayen (vỏ mỏng, ít mắt, quả lớn, phù hợp chế biến xuất khẩu).

Dứa Thạch Thành (Thanh Hóa): Được mệnh danh là “nữ hoàng Lam Kinh” bởi hương vị ngọt thanh, không gắt, vỏ và thịt vàng cam, mắt rất nhỏ, nặng khoảng 0,9-1,2kg/quả.

Dứa Quỳnh Lưu (Nghệ An): Mắt nhỏ, lồi, vỏ và thịt đều vàng, thơm ngon, thích hợp để ăn sống; được bảo hộ nhãn hiệu tập thể từ năm 2015.

Dứa Tân Lập (Tiền Giang): Mắt đỏ, thịt vàng đẹp, mùi thơm mạnh, vị ngọt, hơi chua; được trồng tập trung ở huyện Tân Phước.

Dứa Tắc Cậu (Kiên Giang): Trái tròn, cùi nhỏ, ngon ngọt hơn các loại dứa khác và đặc biệt là không bị sâu bệnh.

Dứa Bến Lức (Long An): Vị ngọt đậm, thịt vàng, mùi thơm hấp dẫn, trái thuôn dài, vỏ mỏng, mắt thưa, thịt nhiều và ráo.