Cây mắc ca đang được nhiều nông dân Đắk Lắk lựa chọn vì cho thu nhập khá. Tuy nhiên, không phải nơi nào cũng có thể phát triển cây mắc ca một cách hiệu quả do cây rất nhạy với khí hậu.
Từ sau năm 2010, cây mắc ca bắt đầu được người dân Đắk Lắk đưa vào canh tác, chủ yếu dưới hình thức trồng xen trong vườn cà phê (chiếm 70%) hoặc sầu riêng, bơ, giổi, hồ tiêu và điều. Tính đến cuối năm 2024, diện tích mắc ca toàn tỉnh đã đạt khoảng 5.000 ha, tập trung nhiều tại các huyện Krông Năng, Krông Búk, Ea H’Leo và M’Đrắk. Trong số đó, không ít diện tích được mở rộng theo hướng chuyên canh, sử dụng các giống thực sinh (cây con mọc lên từ hạt của cây mẹ sau khi thụ phấn và kết hạt tự nhiên) và áp dụng nhiều phương thức trồng khác nhau.
Tuy nhiên, mắc ca là loài cây khá “khó tính”, đặc biệt nhạy cảm với nhiệt độ – yếu tố then chốt quyết định đến sự ra hoa và đậu quả.
Trong bối cảnh điều kiện sinh thái đa dạng tại Đắk Lắk, việc xác định vùng trồng phù hợp là điều kiện tiên quyết để cây mắc ca phát triển hiệu quả. Từ yêu cầu thực tiễn, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên đã triển khai đề tài “Đánh giá thực trạng phát triển cây mắc ca và đề xuất vùng trồng thích hợp theo hướng an toàn tại tỉnh Đắk Lắk”.
Qua khảo sát thực tế, hiện Đắk Lắk có tới 19 giống mắc ca đang được trồng. Với những vườn trên bảy năm tuổi là giai đoạn thu hoạch chính, năng suất trung bình đạt từ 5,6 - 14,8 kg hạt/cây/năm (tương đương 1,6- 4,2 tấn/ha/năm). Các giống có sản lượng nổi trội cho năng suất trên 10 kg hạt/cây/năm (tương đương 2,8-3,4 tấn/ha/năm) bao gồmOC, QN1, A16, A38, A268, 849 và 856.
Trong các vùng khảo sát, Krông Năng nổi bật với năng suất cao nhất, từ 3,41 – 4,55 tấn hạt/ha/năm đối với vườn trồng thuần và 1,50 – 3,03 tấn hạt/ha/năm khi trồng xen. Trái lại, huyện Lắk có năng suất thấp nhất, chỉ đạt 1,04 – 1,39 tấn/ha (trồng thuần) và 0,46 – 0,92 tấn/ha (trồng xen).
Nguyên nhân dẫn đến chênh lệch năng suất không chỉ do giống, mà còn chịu ảnh hưởng lớn từ điều kiện sinh thái từng vùng. Nhìn chung, các giống trồng tại Krông Năng và Krông Búk như 849, 856, OC, A16, A38,... cho kết quả cao và ổn định hơn so với các địa phương khác.
Mô hình đánh giá giống mắc ca trồng tại huyện Krông Năng. Ảnh: NNC
Không chỉ khảo sát năng suất, nhóm nghiên cứu còn phân tích hàm lượng dinh dưỡng trong nhân mắc ca giữa các giống và vùng trồng khác nhau. Kết quả, có sự khác biệt rõ rệt: hàm lượng protein dao động từ 8,27 – 9,80%; lipit từ 75,73 – 82,76%; đường từ 0,05 – 1,36%. Đáng chú ý, các giống OC, QN1 và 788 có hàm lượng protein vượt 9%, trong khi OC, QN1 và A38 đều có hàm lượng lipit – chỉ số quan trọng nhất trong đánh giá chất lượng mắc ca - vượt 80%.
Trong khuôn khổ đề tài, nhóm nghiên cứu đã chọn lọc được tám cây đầu dòng chất lượng cao, gồm ba cây giống OC và năm cây QN1. Những cây này có khả năng sinh trưởng vượt trội, ít sâu bệnh, tán rộng từ 6–8m, cao từ 6,5–8m, ra hoa sau bốn năm trồng và cho năng suất hạt tươi ổn định 30–45kg/cây/năm (tương đương 8,4 - 12,6 tấn/ha/năm) – cao hơn gấp đôi so với mức trung bình tại Krông Năng.
Dựa vào phân tích địa hình, khí hậu và đặc điểm sinh trưởng của từng giống, nhóm nghiên cứu đưa ra khuyến nghị giống phù hợp với từng huyện. Cụ thể, huyện Ea H’Leo nên trồng các giống 856, A16, A38, OC, QN; Krông Búk: OC, QN1, A38, 849, A16; Krông Năng: 788, 849, 856, A16, A38, OC, QN1; Ea Kar: A38, OC, 788; M’Đrắk: 695, 842, 856, A38, A268, OC, QN1; và huyện Lắk: OC, A38, QN1.
Với các vùng còn lại trong tỉnh, nhóm nghiên cứu khuyến nghị ưu tiên ba giống OC, QN1 và A38 nhờ khả năng thích nghi rộng, đảm bảo tính ổn định khi đưa vào sản xuất đại trà.
Theo nhóm nghiên cứu, mắc ca chỉ phân hóa mầm hoa (giai đoạn cây bắt đầu chuyển từ phát triển lá, cành sang chuẩn bị ra hoa) tốt khi có nền nhiệt từ 18–22°C kéo dài ít nhất hai-ba tuần liên tục. Do đó, để cây phát triển bền vững và cho năng suất cao, vùng trồng cần có độ cao từ 500m trở lên so với mực nước biển, khí hậu ổn định, đất đai phù hợp và chọn đúng giống theo vùng.
Tin đăng KH&PT số 1346 (số 22/2025)