Để tăng giá trị của sản phẩm càphê Việt, ngoài việc cải tiến kỹ thuật để gia tăng hiệu quả kinh tế của khâu sản xuất càphê nhân, ngành càphê cần hướng đến ứng dụng các công nghệ cao vào chế biến sâu.


Để tăng giá trị của sản phẩm càphê Việt, theo TS Nguyễn Văn Lạng, ngoài việc cải tiến kỹ thuật để gia tăng hiệu quả kinh tế của khâu sản xuất càphê nhân - nguyên liệu thô để xuất khẩu, ngành càphê cần hướng đến ứng dụng các công nghệ cao vào chế biến sâu, nghĩa là tạo thành các sản phẩm như càphê bột, càphê hòa tan hay các dạng chế biến khác.

Nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN đưa ra một ví dụ thực tế để so sánh hiệu quả kinh tế giữa 2 hướng đi này: “Công ty Sagaso chế biến càphê viên (capsules) bằng công nghệ, thiết bị nhập từ Italy, cứ 1,6kg càphê nhân thì được 1kg càphê viên. Công ty thu mua càphê nguyên liệu loại tốt với giá 80.000 đồng/kg - cao gấp đôi giá càphê hạt bình thường, nhưng thành phẩm của họ được bán với giá từ 1-1,3 triệu đồng/kg”.

Là nước sản xuất, xuất khẩu càphê thứ hai trên thế giới (chỉ sau Brazil), hiện Việt Nam có diện tích trồng càphê khoảng 700.000ha, sản lượng càphê nhân đạt 1,6-1,7 triệu tấn/năm. Nếu chú trọng đầu tư vào công nghệ chế biến sâu, ông Lạng tin giá trị của ngành càphê sẽ cao hơn rất nhiều so với hiện nay.

“Để nâng cao giá trị từ càphê, không có cách nào khác là phải áp dụng đồng bộ các giải pháp, trong đó chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật. Cần kiểm soát giá thành chế biến sản phẩm càphê tiêu thụ trong nước để người tiêu dùng được dùng càphê sạch, nguyên chất, hương vị Việt Nam và bằng công nghệ Việt Nam. Đồng thời phải xây dựng, quảng bá thương hiệu càphê Việt Nam thành sản phẩm quốc gia trên toàn cầu” - TS Lạng gợi ý.