Mô hình nuôi ghép cá măng và tôm sú tại tỉnh Bến Tre giúp đa dạng hóa đối tượng nuôi, đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng ao đất.

Bến Tre là một trong những tỉnh có diện tích nuôi tôm lớn nhất cả nước, với hơn 36.000 ha và sản lượng trung bình khoảng 83.000 tấn/năm. Tuy nhiên, những năm gần đây, tình trạng phát triển ồ ạt, thiếu quy hoạch, kết hợp với hạn mặn, dịch bệnh… khiến nhiều ao nuôi tôm trở nên kém hiệu quả, rủi ro tăng cao.

Để tìm giải pháp bền vững, Sở KH&CN Bến Tre đã triển khai đề tài nghiên cứu xây dựng mô hình nuôi cá măng kết hợp với tôm sú trong ao đất. Phân viện Nghiên cứu Hải sản phía Nam là đơn vị thực hiện.

Mô hình được thực hiện tại ấp An Hòa, xã An Nhơn, huyện Thạnh Phú, trên diện tích 1,8 ha gồm sáu ao nuôi (mỗi ao 0,3 ha) và một ao lắng. Trước khi thả nuôi, toàn bộ hệ thống ao được cải tạo kỹ lưỡng: nạo vét bùn đáy, diệt tạp, xử lý nước và lắp đặt hệ thống quạt nước, máy bơm, đèn điện phục vụ nuôi thâm canh. Cá măng giống (kích thước 5–7 cm) được thả với mật độ 1 con/5 m² và 1 con/3 m². Song song, tôm sú giống (kích thước 1–1,5 cm) được thả ở mật độ 20 con/m², chia thành bốn ao nuôi ghép cùng cá măng và hai ao nuôi đơn tôm sú làm đối chứng. Toàn bộ giống đều đạt chuẩn chất lượng theo TCVN 9398:2012.

Ao nuôi cá măng - tôm sú. Ảnh: NNC

Sau hơn năm tháng nuôi, cá măng thu hoạch đạt trọng lượng trung bình 300–500 gam/con, tỷ lệ sống hơn 70%, sản lượng trung bình khoảng 0,7 tấn/ha. Tôm sú đạt kích cỡ 15–20 con/kg sau gần sáu tháng, tỷ lệ sống hơn 60%, sản lượng trung bình hơn 3 tấn/ha. Trong khi đó, tỷ lệ sống của tôm sú ở các ao nuôi đơn đối chứng chỉ hơn 20%, sản lượng trung bình khoảng 1,5 tấn/ha.

Như vậy, mô hình nuôi ghép cho thấy hiệu quả kinh tế vượt trội. Với mật độ nuôi cá măng 1 con/5 m², tổng doanh thu đạt khoảng 373 triệu đồng/ha; với mật độ dày hơn (1 con/3 m²) thu về 275 triệu đồng/ha. So với mô hình nuôi đơn tôm sú (173 triệu đồng/ha), mô hình nuôi ghép giúp người nuôi tăng doanh thu từ 102–200 triệu đồng/ha - tương đương gấp 1,6 đến 2,2 lần.

Đặc biệt, mô hình còn liên kết với Công ty TNHH QT Hải sản Xanh để chế biến sản phẩm chả cá măng và chả tôm sú. Cả hai sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao – đảm bảo tiêu chuẩn về chất lượng, bao bì, an toàn thực phẩm và tiềm năng thị trường. Việc chế biến sâu không chỉ giúp đa dạng hóa sản phẩm, mà còn tạo thêm việc làm tại chỗ, giúp người nuôi chủ động đầu ra, giảm áp lực phụ thuộc thương lái.

Sản phẩm chế biến từ cá măng và tôm sú. Ảnh: NNC

Theo nhóm nghiên cứu, một lợi ích nữa của nuôi ghép cá măng và tôm sú là giúp cải thiện chất lượng nước, giảm thiểu rủi ro dịch bệnh nhờ cân bằng sinh thái ao nuôi. Nguyên do là cá măng có tập tính đảo trộn các tầng nước trong ao, giúp phân bố đồng đều oxy xuống đáy ao; ngoài ra, cá măng thích ăn xác tảo chết, mùn bã hữu cơ, qua đó giúp giảm lượng chất thải trong ao nuôi, hạn chế sự phát triển của vi khuẩn có hại, kích thích sự phát triển các loại tảo có lợi.

Quy trình kỹ thuật nuôi ghép cá măng – tôm sú đã được Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre thẩm định, công nhận và chuyển giao đến hơn 80 hộ dân thông qua các lớp tập huấn kỹ thuật tại hai huyện Bình Đại và Thạnh Phú.

Để mô hình phát huy hiệu quả lâu dài, nhóm nghiên cứu kiến nghị sớm đầu tư phát triển sản xuất giống cá măng nhân tạo, giảm phụ thuộc vào nguồn tự nhiên. Ngoài ra, xây dựng chuỗi liên kết “hộ nuôi – chế biến – tiêu thụ” để ổn định đầu ra và phát triển thương hiệu thủy sản địa phương theo hướng bền vững, đa giá trị.

Tin đăng KH&PT số 1347 (số 23/2025)