Vừa qua, tại các xã Mỹ Phương, Khang Ninh, Địa Linh huyện Ba Bể; xã Như Cố, Quảng Chu huyện Chợ Mới, Sở KH&CN Bắc Kạn do ông Hoàng Văn Hải - Phó Giám đốc Sở làm Trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra tiến độ 2 dự án: Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cải tạo và phát triển vùng sản xuất chè hàng hóa tại tỉnh Bắc Kạn và Ứng dụng KH&CN sản xuất lê tại Bắc Kạn.

Tham gia cùng đoàn có đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế hạ tầng các huyện, cấp ủy đảng, chính quyền các xã triển khai xây dựng mô hình, 2 cơ quan chủ trì dự án là Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc, Trung tâm Đào tạo, nghiên cứu giống cây trồng và vật Nuôi - Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên.


Đối với dự án: Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cải tạo và phát triển vùng sản xuất chè hàng hóa tại tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức 2 lớp tập huấn cho 100 người tại các xã triển khai dự án nội dung tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến chè theo hướng VietGAP, hữu cơ; xây dựng mô hình chè thâm canh theo hướng VietGAP, hữu cơ diện tích 25 ha tại 2 xã Mỹ Phương huyện Ba Bể (15 ha: 10 ha theo hướng VietGAP, 5 ha theo hướng hữu cơ), tại xã Như Cố huyện Chợ Mới (10 ha theo hướng VietGAP) người dân đang tiến hành làm cỏ, bón phân, đốn tỉa tạo tán cho cây chè; xây dựng mô hình 12 ha trồng chè giống mới chất lượng cao, đã trồng 3 ha giống chè Kim tuyên tại xã Mỹ Phương, huyện Ba Bể tỷ lệ cây sống đạt trên 85%, diện tích còn lại sẽ trồng trong tháng 8 này. Nếu được thâm canh đúng quy trình kỹ thuật cây chè có thể cho thu nhập cao hơn so với trồng cây keo và các loại cây trồng khác. Một số sản phẩm chè của xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn như sản phẩm chè xanh không được thâm canh chỉ bán từ 150.000 đến 200.000 đồng, sau khi được thâm canh, cấp chứng nhận VietGAP, hữu cơ giá đã nâng lên 500.000 đồng/kg, sản phẩm Hồng trà, Bạch trà có giá bán từ 1.500.000 đến 1.800.000 đồng/kg.

Sau khi đi kiểm tra thực địa các mô hình, đoàn kiểm tra đánh giá dự án đã được triển khai đúng theo kế hoạch đề ra. Đoàn kiểm tra đề nghị trong thời gian tới, đối với cơ quan chủ trì dự án cần thường xuyên bám sát địa bàn để giúp đỡ bà con nông dân về kỹ thuật chăm sóc cây chè. Người dân cần tuân thủ đầy đủ các kỹ thuật đã được hướng dẫn để giữ chất lượng sản phẩm chè để được công nhận VietGAP, hữu cơ. Cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện tới xã cần vận động, vào cuộc chỉ đạo để dự án được triển khai hoàn thành mục tiêu, nội dung đã được UBND phê duyệt

Dự án: Ứng dụng KH&CN sản xuất lê tại Bắc Kạn mô hình được thực hiện với diện tích 9 ha trong đó 7,5 ha giống lê VH6, 1,5 ha giống lê địa phương trong đó tại huyện Pác Nặm 1 ha, huyện Ba Bể 4,5 ha, huyện Ngân Sơn 3,5 ha. Sau khi đi kiểm tra hiện trường đoàn kiểm tra đánh giá cây lê đã người dân chăm sóc, làm cỏ, bón phân sinh trưởng phát triển tốt. Một số cây lê trong mô hình tại xã Khang Ninh, huyện Ba Bể trồng năm thứ 2 đã bắt đầu bói quả. Với giá bán trên thị trường hiện nay bình quân 30.000 đến 45.000 đồng/kg cùng với một số loại cây ăn quả khác thì đây sẽ là cây trồng bản địa cần được mở rộng diện tích để tăng hiệu quả kinh tế cho người dân đặc biệt là tại các huyện Ngân Sơn, Pác Nặm, Ba Bể.

Đoàn kiểm tra đề nghị đề nghị đơn vị xây dựng mô hình là Trung tâm Nghiên cứu cây trồng ôn đới miền núi phía Bắc Việt Nam - Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên hưởng dẫn người dân chăm sóc cho toàn bộ diện tích cây Lê chú ý việc vít cành tạo tán cho cây Lê, tập trung làm cỏ đặc biệt chú trọng việc cắt bỏ các cây dại, cây che bóng làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của cây diện tích cây Lê.