Tuyến đường sắt Lhasa - Nyingchi, dự kiến khai trương trong tháng này, mới là một phần của tuyến đường sắt Lhasa - Thành Đô - một trong những dự án xây dựng dân dụng tốn kém nhất mà Trung Quốc từng thực hiện.

Tuyến đường sắt kéo dài từ thủ đô Lhasa đến thành phố Nyingchi ở phía đông nam Tây Tạng dài 435km, trị giá 37 tỷ tệ (5,7 tỷ USD), là tuyến đường sắt điện khí hóa (các đoàn tàu được cung cấp năng lượng dưới dạng điện mà không cần một đầu máy xe lửa cung cấp sức kéo hoặc một nguồn nhiên liệu trên tàu) đầu tiên và nhanh nhất ở Tây Tạng.

Tuyến đường sắt Lhasa-Nyingchi trị giá 37 tỷ nhân dân tệ (5,7 tỷ USD) kéo dài từ thủ đô Lhasa của khu vực Tây Tạng, về đến phía đông đến thành phố Nyingchi.

Tuy đồ sộ, tuyến đường này mới chỉ là một phần của “dự án thế kỷ”, bao gồm kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt thứ hai nối Tây Tạng với Trung Quốc đại lục mà chi phí được cho là có thể cao gấp khoảng mười lần tuyến Lhasa-Nyingchi do những thách thức kỹ thuật lớn hơn rất nhiều. Khi hoàn thành vào năm 2030, tuyến đường sắt sẽ nối Lhasa với Thành Đô, thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên. Với tốc độ tối đa 160 km/h, hành trình Lhasa-Thành Đô sẽ chỉ mất 12 giờ, bằng một phần ba thời gian so với hiện nay.

Xây dựng tuyến Lhsa-Nyingchi vốn cũng đã rất khó khăn: một nửa chiều dài tuyến là đường hầm, công nhân phải chống chọi với những trận lở đất, khí độc từ đá vỡ, cái lạnh dữ dội cũng như bầu không khí thiếu ôxy ở độ cao hơn 5.000 m so với mực nước biển - gần bằng độ cao của các khu cắm trại trên đỉnh Everest.

Nhưng đối với Trung Quốc, dường như không có chi phí nào là quá lớn trong chiến dịch kết nối khu vực Tây Tạng rộng lớn với đại lục. Tuyến đường sắt đầu tiên nối tỉnh Thanh Hải với Lhasa, khai trương vào năm 2006, cũng đã là một kỳ tích về kỹ thuật: tuyến đường được trải trên lớp băng vĩnh cửu, sử dụng các phương tiện công nghệ cao để ngăn chặn sự biến động nhiệt độ làm hỏng đường ray.

Đường liền màu vàng: tuyến Thanh Hải khai trương năm 2006.
Đường đứt màu đỏ đậm: tuyến Lhsa-Nyingchi sắp hoạt động.
Đường đứt màu đỏ nhạt: tuyến Lhasa-Thành Đô dự kiến xây dựng.

Tác động rõ ràng nhất là đối với du lịch. Năm 2005, Tây Tạng chỉ có chưa đến 2 triệu lượt khách du lịch đến thăm. Đến năm 2018, con số này tăng lên 33 triệu (và chỉ 0,7% trong số đó là người nước ngoài). Chính phủ Trung Quốc đang đặt mục tiêu đạt 61 triệu người vào năm 2025 - gấp khoảng 17 lần số cư dân Tây Tạng. Theo The Economist, một số người Tây Tạng lo lắng nền văn hóa của họ đang bị ảnh hưởng. Làn sóng di cư của người Hán kiếm tiền nhờ sự bùng nổ du lịch được cho là nguyên nhân dẫn đến căng thẳng sắc tộc ở Lhasa và các nơi khác trên cao nguyên Tây Tạng vào năm 2008. Kể từ đó, chính phủ Trung Quốc đã kiểm soát chặt chẽ hơn khu vực này.

Nguồn: