Tại buổi làm việc với Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) sáng 12/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự ủng hộ với một số kiến nghị của trường như chuyển Ban Quản lý dự án xây dựng ĐHQGHN về trường, thí điểm cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng cho hoạt động KH&CN…

Buổi làm việc còn có sự hiện diện của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo một số bộ, ngành, UBND thành phố Hà Nội. Phía Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) có Thứ trưởng Phạm Đại Dương tham dự.

Tại buổi làm việc, Phó Giáo sư - Tiến sỹ (PGS-TS) Nguyễn Kim Sơn - Giám đốc ĐHQGHN - cho biết, dự án xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc đã được triển khai từ năm 2003 nhưng đến nay chưa xong.

Thủ tướng (giữa) và đoàn công tác thị sát một số địa điểm triển khai dự án xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc. Ảnh: Thống Nhất
Thủ tướng (giữa) và đoàn công tác thị sát một số địa điểm triển khai dự án xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc. Ảnh: Thống Nhất

Ông Sơn kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo chuyển giao Ban Quản lý dự án từ Bộ Xây dựng về ĐHQGHN, chỉ đạo các bộ, ngành và UBND TP Hà Nội trong việc giải phóng mặt bằng và tái định cư. Ông cũng mong muốn Hà Nội xem xét xây dựng một số công trình công cộng tại Hòa Lạc, làm thủ tục giao quyền sử dụng đất tại diện tích đã giải phóng mặt bằng, đồng thời kiến nghị Chính phủ ban hành quy chế đặc biệt cho dự án như chính sách đối với Khu CNC Hòa Lạc.

Cơ bản đồng tình với các kiến nghị, Thủ tướng yêu cầu Ban Quản lý dự án và các đơn vị thi công đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình, đồng thời giao Bộ Xây dựng tiến hành chuyển giao Ban Quản lý dự án và ủy quyền đầu tư cho ĐHQGHN. Thủ tướng cũng yêu cầu Thành phố Hà Nội và các bộ, ngành khẩn trương phối hợp giải phóng mặt bằng khu vực ĐHQGHN tại Hòa Lạc để sớm triển khai xây dựng.

Thủ tướng khẳng định, muốn phát triển đất nước thì phải đổi mới giáo dục. Ông kỳ vọng ĐHQGHN sẽ đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt hệ thống đại học trong đổi mới, hội nhập và khẳng định Chính phủ luôn quan tâm đến điều kiện phát triển của ĐHQGHN, nhất là cơ sở vật chất, quyết tâm để có một khu đô thị đại học thành hiện thực.

Báo cáo của ĐHQGHN cũng nêu, thời gian qua, công tác nghiên cứu khoa học được chú trọng. Trường đã công bố 560 bài báo ISI. Các nhà khoa học của ĐHQGHN đã có 2 công trình được đăng trên tạp chí Nature (năm 2013 và 2016), 12 phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích được công nhận.

Để khuyến khích các giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học tích cực hơn, PGS Nguyễn Kim Sơn kiến nghị Thủ tướng cho phép trường thí điểm cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng cho hoạt động KH&CN, chỉ đạo Bộ Nội vụ sớm xếp lương và các chế độ phù hợp cho các giáo sư… Các kiến nghị này đã được Thủ tướng ủng hộ, giao các bộ, ngành liên quan xem xét, giải quyết.

Liên quan đến việc thực hiện thí điểm cơ chế khoán chi trong hoạt động KH&CN, năm 2015, Bộ KH&CN và Bộ Tài chính đã ban hành thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước. Theo đó, chủ nhiệm nhiệm vụ được phép chủ động xây dựng phương án triển khai các nội dung công việc được giao khoán, trong đó có quyền điều chỉnh mục chi, nội dung chi, định mức chi, kinh phí giữa các phần công việc được giao khoán (đảm bảo trong phạm vi tổng mức kinh phí được giao khoán, phù hợp với quy định chi tiêu của các nhiệm vụ tại Quy chế chi tiêu nội bộ của tổ chức chủ trì). Tổ chức chủ trì, chủ nhiệm nhiệm vụ tự quyết định việc mua sắm đối với nội dung mua sắm được giao khoán và tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình; đồng thời phải đảm bảo chế độ hoá đơn, chứng từ đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật.

Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc

Đúng như lời hẹn tại buổi làm việc với Khu công nghệ cao (CNC) Hoà Lạc ngày 16/2 rằng Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng sẽ đến Khu CNC 6 tháng một lần để nghe báo cáo nhằm tháo gỡ vướng mắc, sáng 12/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác đã kiểm tra việc triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư tại đây. Đánh giá cao nỗ lực của Ban Quản lý Khu CNC thời gian qua, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, thúc đẩy tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư...