Tin nhà báo Nguyễn Chân Giác - nguyên Phó Tổng biên tập Báo Khoa học và Phát triển - qua đời vào hồi 14h16 ngày 7/8/2017 (tức ngày 16 tháng 6 nhuận năm Đinh Dậu) khiến đồng nghiệp, người thân của ông không khỏi bàng hoàng, dù biết rằng ngày đó rồi cũng phải đến!

Không bàng hoàng sao được, khi chỉ mới đây, chúng tôi vẫn thường xuyên nhận được những e-mail của ông chia sẻ những kinh nghiệm sống, bài học làm người, làm nghề. Những bài học cuộc đời mà ông chia sẻ với lớp trẻ để có thể vững vàng hơn, tránh được những sai lầm đáng tiếc.

Nhà báo, bác sĩ Nguyễn Chân Giác sinh ngày 25/10/1944 tại làng Yên Thái, Bưởi, Hà Nội. Có lẽ nhờ xuất thân trong một gia đình cách mạng, giàu truyền thống yêu nước, nhờ trải qua những năm tháng trong quân ngũ nên ở con người ông toát lên sự giản dị, mộc mạc và sức mạnh tinh thần lớn, luôn lạc quan, yêu đời.

Tôi biết ông khi ông là Phó Tổng biên tập Báo Khoa học và Phát triển - Cơ quan ngôn luận của Bộ Khoa học và Công nghệ. Trước khi được bổ nhiệm vào vị trí này (năm 1999), ông từng tham gia quân ngũ và được cử đi học quân y sỹ, là thành viên của Đội điều trị 203, Quân khu 3. Năm 1967, ông được điều về công tác tại Phòng Y tế, Bộ Nông Nghiệp. Năm 1973, ông theo học chương trình đào tạo bác sĩ tại Đại học y Thái Bình. Trước khi tốt nghiệp, ông được cử đi phục vụ Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Sau khi tốt nghiệp bác sĩ đa khoa năm 1976, ông được cử làm bệnh xá trưởng Đại học Nông nghiệp I, là tổ trưởng tổ lao động xã hội chủ nghĩa 3 năm liền. Năm 1979, thực hiện lệnh tổng động viên, bác sĩ Nguyễn Chân Giác tái ngũ về Quân khu Thủ đô, làm chủ nhiệm quân y ở trường Hạ sỹ quan cho đến năm 1982. Năm 1983, ông được bổ nhiệm làm chủ nhiệm quân y, Trung đoàn 47, Quân khu Thủ đô, năm 1984 được phong hàm đại úy.

Năm 1987, ông xuất ngũ, chuyển ngành về Ủy ban Khoa học Kỹ thuật nhà nước (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ), rồi chính thức bước vào nghề báo tại Tạp chí Hoạt động khoa học (nay là Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam). Ông cũng chính là một trong những người "đặt viên gạch đầu tiên" xây dựng báo Khoa học và Phát triển và gắn bó với tờ báo cho đến ngày nghỉ hưu.

Nhà báo Nguyễn Chân Giác trong ký ức của tôi về những ngày cùng làm việc tại tòa soạn Khoa học và Phát triển là hình ảnh một bậc tiền bối luôn tận tâm, tỉ mỉ biên tập, chỉnh sửa từng tin, bài cho phóng viên trẻ. Cá nhân tôi từng được ông hướng dẫn trong những ngày đầu chập chững bước vào nghề, từ cách khai thác thông tin, cách viết sao cho hấp dẫn nhưng vẫn đúng chất của báo khoa học.

Ấn tượng sâu sắc hơn cả đối với tôi là sự can trường, bản lĩnh người lính ở ông khi biết mình mắc căn bệnh quái ác - ung thư gan. Gặp lại nhà báo Nguyễn Chân Giác vào dịp Tết 2016 - sau một thời gian dài ông nghỉ hưu, nhìn nước da hồng hào, tươi mịn, gương mặt vẫn giữ nguyên nét trẻ trung, nhân hậu của ông, chúng tôi không hề biết ông đã chiến đấu với bệnh trọng suốt một thời gian dài.

Phó Tổng biên tập Đỗ Lê Thăng (phải) trao quà cho nguyên Phó Tổng biên tập Nguyễn Chân Giác.
Phó Tổng biên tập báo Khoa học và Phát triển Đỗ Lê Thăng (phải) trao quà cho
nguyên Phó Tổng biên tập Nguyễn Chân Giác dịp Tết 2016.

Chia sẻ với thế hệ nhà báo trẻ của Khoa học và Phát triển, ông rưng rưng hạnh phúc vì thấy sự đổi mới từng ngày của tờ báo - đứa con tinh thần mà chính ông đã chắp bút cho đề án xây dựng nó, vừa tổ chức nội dung vừa trực tiếp viết tin bài từ những số đầu tiên.

Không một lời than phiền về bệnh tật, điều mà ông chia sẻ với mọi người là những tâm huyết, niềm tin vào ngày mai, vào thế hệ trẻ trong việc đưa tri thức khoa học đến gần với doanh nghiệp, người dân và cộng đồng. Nếu có nói về bệnh của mình, điều ông muốn truyền đạt vẫn là tri thức, bí quyết để chiến đấu với bệnh tật, từ kinh nghiệm của bản thân. Không hề chán nản, khi biết mình bị ung thư, ông không ngừng luyện tập, tìm tòi thêm kiến thức y học để chữa bệnh cho chính mình, với một tinh thần lạc quan đủ để giữ cho mình sự vững vàng và truyền cả cho những người xung quanh.

Nhờ tinh thần ấy, nhờ nếp sống và cách điều trị khoa học ấy mà nhà báo - bác sĩ Nguyễn Chân Giác đã kìm chân được bệnh ung thư gan trong 5 năm.

Cách đây mấy ngày, hay tin bệnh của ông trở nặng, chúng tôi đã đến thăm ông. Khi nghe người nhà nói có lãnh đạo và cán bộ Báo Khoa học và Phát triển đến, ông tuy không thể nói nhưng cố gật đầu và cử động tay chân như ra hiệu là đã biết, đã hiểu. Nghe người bạn đời của ông kể, trước đó ít ngày, ông vẫn đòi bà đỡ dậy, dựa vào lưng bà để ngồi thiền, lòng khâm phục ý chí, nghị lực của con người luôn nho nhã, nhỏ nhẹ mà rất mạnh mẽ này tràn ngập trong lòng những kẻ hậu bối như tôi.

Nhưng sức đã cùng, lực đã kiệt, dù bản thân ông kiên cường chiến đấu với bệnh tật, gia đình và các bác sĩ hết lòng cứu chữa, nhà báo Nguyễn Chân Giác - đồng nghiệp đáng kính và đáng mến của chúng tôi - đã ra đi vào hồi 14 giờ 16 phút ngày 7 tháng 8 năm 2017 (tức ngày 16 tháng 6 nhuận năm Đinh Dậu).

Dẫu hiểu rằng sinh hữu hạn, tử bất kỳ, sự ra đi của ông vẫn khiến người thân, bạn bè, đồng nghiệp bàng hoàng, bởi lâu nay nguồn năng lượng tinh thần vẫn nhẹ nhàng mà bền bỉ tỏa ra từ ông khiến ai nấy dường như có lúc quên mất rằng ông đang mang trong mình căn bệnh tất yếu dẫn đến chia ly. Và ngay cả khi ông đã ra đi, nguồn năng lượng ấy vẫn còn đó như ký ức về ông.

Vĩnh biệt ông!


TIN BUỒN

Báo Khoa học và Phát triển và gia đình vô cùng thương tiếc báo tin:

Ông NGUYỄN CHÂN GIÁC - sinh năm 1944, nguyên Phó Tổng biên Báo Khoa học và Phát triển, Bộ Khoa học và Công nghệ - do mắc bệnh hiểm nghèo đã từ trần lúc 14h16 phút ngày 7/8/2017, hưởng thọ 74 tuổi. Lễ viếng bắt đầu từ 15h00 đến 16h30 ngày 8/8/2017, tức 17/6 năm Đinh Dậu, tại Nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 354, số 13 đường Đội Nhân, phường Vĩnh Phúc, Ba Đình, Hà Nội; hoả táng cùng ngày tại đài hoá thân Hoàn vũ, Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội.

Xin trân trọng kính báo để các đơn vị, bạn bè gần xa được biết và chia buồn cùng gia quyến.
Ban tang lễ