Ngày 3/4, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo “Công nghệ viễn thám phục vụ phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam - Ứng dụng trên đất liền”.

Hội thảo thu hút đông đảo các cơ quan quản lý, đơn vị nghiên cứu, chuyên gia
trong và ngoài nước.

“Cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia và một số cơ sở dữ liệu viễn thám chuyên ngành đã và đang được xây dựng. Những điều kiện về hạ tầng này sẽ giúp hình thành nền tảng quan trọng để hợp tác, chia sẻ với các đối tác quốc tế trong việc ứng dụng công nghệ viễn thám, đặc biệt là các ứng dụng trên đất liền” - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Quốc Khánh khẳng định.

Thứ trưởng cho biết, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ viễn thám vào phát triển kinh tế - xã hội, từ khí tượng thủy văn, tài nguyên môi trường đến lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, điều tra tài nguyên... Tuy nhiên, hiện vẫn còn thiếu đội ngũ chuyên gia về viễn thám, khung pháp luật về công nghệ vũ trụ chưa hoàn thiện. Hiện chưa có chính sách khuyến khích tư nhân tham gia phát triển ứng dụng công nghệ viễn thám.

Thứ trưởng cũng cho biết, Việt Nam đang sử dụng vệ tinh viễn thám VNREDSat-1 (được đưa lên quỹ đạo năm 2013) và theo lộ trình phát triển, dự kiến sẽ có vệ tinh LOTUSat-1 vào năm 2019 và LOTUSat-2 vào năm 2022.