Thông tin được ông Đàm Bạch Dương - Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao - Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ tại buổi họp báo thường kỳ Quý I tổ chức chiều 10/4 tại Hà Nội.

Buổi họp báo được điều hành bởi Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc với sự tham dự của một số đơn vị chức năng của Bộ; các đơn vị báo chí thuộc Bộ KH&CN cùng đại diện gần 60 cơ quan thông tấn, báo chí.

Chia sẻ tại buổi họp báo, Thứ trưởng Phạm Công Tạc đã thông tin về các hoạt động đã được Bộ triển khai trong quý I cũng như những công việc sẽ triển khai trong thời gian tới. Tại phần hỏi và trả lời, nhiều câu hỏi đã được các nhà báo đưa ra như sự vào cuộc của Việt Nam với cuộc cách mạng 4.0; cơ chế tài chính đối với Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST); tình hình giải ngân của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia; sở hữu trí tuệ, kiểm định chất lượng thiết bị tiết kiệm điện... đã được đại diện các đơn vị chức năng giải đáp thỏa đáng.

Thứ trưởng Phạm Công Tạc điều hành buổi họp báo. Ảnh: Ngũ Hiệp.
Thứ trưởng Phạm Công Tạc điều hành buổi họp báo.

Theo đó liên quan đến câu hỏi về mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất trong tương lai "Readiness for the Future of Production Report 2018" do Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) mới công bố, trong tổng số 100 quốc gia được đánh giá, nhiều báo chí đã dẫn thông tin Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia chưa sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ông Đàm Bạch Dương - Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ KH&CN khẳng định cần phải có cái nhìn trên các chỉ tiêu tổng hòa.

Cụ thể báo cáo được xây dựng trên 2 nhóm chỉ số chính, nhóm cấu trúc sản xuất (có 3 chỉ tiêu), yếu tố dẫn dắt sản xuất (59 chỉ tiêu – trong đó công nghệ và đổi mới sáng tạo chiếm 17 chỉ tiêu).

Theo ông Dương, mỗi chỉ số có mức xếp hạng riêng nhưng quan trọng là phải nhìn yếu tố tổng hòa các chỉ tiêu này. Cụ thể trong 100 quốc gia được WEF điều tra có thể chia tạm thành 4 nhóm (Nhóm 1 là nhóm dẫn dắt; nhóm 2 là có tiềm năng cao; nhóm 3 là nhóm di sản có nguy cơ tụt hậu; nhóm 4 là sơ khai - chuẩn bị chưa tốt, điều kiện hiện trạng chưa sẵn sàng) thì Việt Nam đang ở nhóm 4.

"Trong tổng số 62 nhóm chỉ tiêu thì mỗi nhóm chỉ tiêu có mức xếp hạng riêng. Nhưng nhìn trong chỉ số tổng hòa thì cấu trúc sản xuất Việt Nam xếp 48/100, chỉ tiêu dẫn dắt sản xuất Việt Nam xếp 53/100. Như vậy nếu nhìn chỉ số này không đến nỗi tệ. Nếu chiếu các con số này trên biểu đồ hình sin thì Việt Nam thuộc nước tiệm cận với nhóm quốc gia có tiềm năng trong giai đoạn tới" - ông Dương nói.

Bổ sung thêm thông tin này ông Bùi Thế Duy – Chánh Văn phòng Bộ KH&CN, cho rằng về trình độ công nghệ có những đánh giá khác nhau, báo cáo này đánh giá sâu về sản xuất. Tuy nhiên cũng phải thừa nhận hiện năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp Việt còn hạn chế. Theo đó trong các chỉ đạo tại Nghị quyết Trung ương 5 của Đảng về đổi mới mô hình tăng trưởng và Nghị quyết 27 của Chính phủ đều có định hướng là sẽ nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp.

Liên quan đến câu hỏi về cơ chế tài chính tại VKIST, ông Bùi Thế Duy khẳng định mặc dù cán bộ VKIST sẽ được hưởng cơ chế đặc thù. Tức là khi làm việc ở VKIST, nhà nghiên cứu nhận được hai khoản hỗ trợ, một là từ ngân sách Việt Nam và hai là từ Hàn Quốc.

Ông Duy cho biết thêm, thời gian qua, ông Kum Donghwa - Viện trưởng VKIST đã kết nối nhiều chuyên gia hàng đầu Hàn Quốc và thế giới sang Việt Nam tập huấn cho không chỉ cán bộ Bộ Khoa học và Công nghệ mà còn cả những doanh nghiệp. Hiện Viện trưởng có triết lý xây dựng viện tương đối bài bản và chỉnh chu trong tuyển người, đào tạo. Để sau khi kết thúc viện trợ từ Hàn Quốc, VKIST có thể chủ động nghiên cứu và tạo nguồn thu từ doanh nghiệp, đảm bảo thu nhập cho nhà khoa học, đáp ứng yêu cầu nghiên cứu tại Viện" - ông Duy nói.

Trong Quý I, Bộ KH&CN đã hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 04/2018/NĐ-CP ngày 10/01/2018 quy định cơ chế ưu đãi đối với Khu CNC Đà Nẵng; Quyết định số 76/QĐ-TTg ngày 16/01/2018 ban hành danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ KH&CN; Quyết định số 08/2018/QĐ-TTg ngày 23/02/2018 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo trực thuộc Bộ KH&CN.

Bộ trưởng Bộ KH&CN đã ký ban hành Quyết định 365/QĐ-BKHCN ngày 26/02/2018 về việc phê duyệt Danh mục Dự án KH&CN bắt đầu thực hiện từ năm 2018 thuộc sản phẩm quốc gia "Sản xuất vắc-xin phòng bệnh cho vật nuôi của Việt Nam";...

Nhiều sự kiện quan trọng đã được tổ chức như: chính thức khởi động Đề án “Hệ tri thức Việt số hoá”; Hội nghị Tổng kết công tác năm 2017 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2018; ký kết Chương trình phối hợp hoạt động giai đoạn 2018-2025 với tỉnh Quảng Nam; Ngày hội đầu tư “Demo Day 2018”; lễ Khánh thành Trung tâm đào tạo cán bộ quản lý KH&CN trực thuộc Bộ KH&CN Lào và ký Biên bản bàn giao giữa Bộ KH&CN Việt Nam và Bộ KH&CN Lào; Lễ động thổ xây dựng Viện KH&CN Việt Nam – Hàn Quốc (VKIST);…

Theo kế hoạch, dự kiến trong Quý II/2018, bên cạnh việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật về KH&CN, Bộ KH&CN sẽ tổ chức các chuỗi sự kiện chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5): Kỷ niệm Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4; Lễ trao Giải thưởng Chất lượng Quốc gia và Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á – Thái Bình Dương năm 2017; Ra mắt Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo; hội nghị Giao ban KH&CN vùng Trung du và Miền núi phía Bắc; hội nghị Giao ban KH&CN vùng Bắc Trung Bộ; Lễ trao Giải thưởng sáng kiến vì cộng đồng; Lễ trao Giải thưởng báo chí về KH&CN 2017; Lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu; Hội nghị thường niên lần thứ 16 Liên hợp Thư viện Việt Nam về nguồn tin KH&CN;...