Trong báo cáo về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam 2016 được công bố chiều 22/3, Bộ Khoa học và Công nghệ đã được xếp hạng thứ 9/20 trong nhóm các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có dịch vụ công.

Cũng trong nhóm này, 3 bộ đứng đầu là Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước Việt Nam và Bộ Giáo dục & đào tạo. 3 vị trị chót bảng thuộc về Bộ Ngoại giao, Thanh tra chính phủ và Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Trong nhóm các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương, vị trí dẫn đầu thuộc về Đà Nẵng với 0,8321 điểm. Hai vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về TPHCM và Hà Nội. Các tỉnh có chỉ số thấp nhất là Lạng Sơn, Bạc Liêu và Điện Biên.

Trong nhóm các ngân hàng thương mại, 3 vị trí đứng đầu thuộc về Ngân hàng Thương mại cổ phần đầu tư và phát triển Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn và Ngân hàng Thương mại cổ phần đại chúng Việt Nam với số điểm lần lượt là 0,5601; 0,5552; 0,5490.

Theo ông Lê Hồng Hà - Phó Chủ tịch Hội tin học Việt Nam - năm nay nhiều đơn vị có sự biến đổi lớn về vị trí. Điển hình như Bộ Khoa học và Công nghệ tăng 13 bậc, từ vị trí số 22 (năm 2015) lên vị trí số 9 (năm 2016). Hay Bắc Ninh tụt từ vị trí số 6 (năm 2015) xuống vị trí thứ 22 (năm 2016).

Nguyên nhân là bởi, sau hơn 10 năm triển khai đánh giá chỉ số Vietnam ICT Index, năm 2016, Hội tin học đã thay đổi mạnh mẽ hệ thống chỉ tiêu và phương pháp tính nhằm phù hợp với chuẩn mực đánh giá của Liên Hợp Quốc.

Ông Lê Hồng Hà (phải) báo cáo về Vietnam Index 2016.

“Có thể nhiều đơn vị bị đánh giá vẫn chưa thực sự hài lòng với kết quả, nhưng khi chúng tôi phân tích ra nguyên nhân, đa phần các đơn vị đều chấp nhận là đúng. Việc đánh giá xếp hạng sẽ giúp các cơ quan đơn vị nhìn nhận đúng được mình đang đứng ở đâu, còn yếu kém chỗ nào, từ đó mới đưa ra được giải pháp để cải thiện hệ thống công nghệ thông tin của mình” - ông Hà nói.

Một trong những thay đổi của chỉ tiêu đánh giá năm nay là dịch vụ công trực tuyến được tách riêng và đánh giá chi tiết. Ông Hà kỳ vọng: “Xưa nay, đây chỉ là chỉ tiêu rất nhỏ và chủ yếu được đánh giá trên cơ sở cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở các mực độ khác nhau. Tuy nhiên, bộ chỉ tiêu của Liên Hợp Quốc lại đánh giá theo nhiều khía cạnh với những tiêu chí hoàn toàn khác”.

Ông Đào Đình Khả - Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông - kỳ vọng: “Việc xây dựng và công bố chỉ số này vừa giúp đánh giá bức tranh chung về hiện trạng phát triển công nghiệp công nghệ thông tin tại Việt Nam, vừa giúp các địa phương xác định năng lực phát triển công nghiệp CNTT. Từ đó, xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp CNTT phù hợp hơn trong những năm tới. Các bộ, ngành, doanh nghiệp, địa phương được đánh giá sẽ hiểu rõ hơn hiện trạng và ứng dụng CNTT của đơn vị mình, từ đó đưa ra được giải pháp, định hướng phù hợp nhằm cải thiện việc phát triển và ứng dụng CNTT của cả nước, góp phần nâng cáo vị thế của Việt Nam và chính phru điện tử trên trường quốc tế”.