Từ ngày 2 đến 6/5, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Hồng Hải dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Diễn đàn Hội nghị thượng đỉnh thế giới về xã hội thông tin 2016 tại thành phố Geneva (Thụy Sĩ).

Diễn đàn là sự kiện thường niên quy tụ đông đảo nhất cộng đồng thông tin và truyền thông vì mục tiêu phát triển, với hơn 1.500 đại biểu đến từ 140 quốc gia, trong đó có các nhà hoạch định chính sách, các bộ trưởng, đại diện các tổ chức dân sự, các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học, giới doanh nhân và các tổ chức quốc tế.

Thứ trưởng Phạm Hồng Hải phát biểu tại phiên họp về 'Thu hẹp khoảng cách số giữa các vùng miền' trong khuôn khổ Diễn đàn. (Ảnh:TTXVN phát)
Thứ trưởng Phạm Hồng Hải phát biểu tại phiên họp về 'Thu hẹp khoảng cách số giữa các vùng miền' trong khuôn khổ Diễn đàn. (Ảnh:TTXVN)

Năm nay, diễn đàn tập trung vào các xu hướng chính của phát triển bền vững, các sáng kiến nhằm phát triển thông tin và truyền thông trong các lĩnh vực ưu tiên trong Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc là sức khỏe, giáo dục, sự tự chủ của phụ nữ và môi trường.

Tại phiên khai mạc diễn đàn ngày 3/6, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã gửi thông điệp qua truyền hình tới cộng đồng thông tin và truyền thông, nhấn mạnh lợi ích của công nghệ thông tin và truyền thông vì mục tiêu phát triển bền vững.

Ông khẳng định: “Công nghệ thông tin và truyền thông là động lực của kinh tế thế giới, nó tạo ra một cuộc cách mạng trong cách thức chúng ta giao lưu, trao đổi thông tin, ứng xử trong xã hội cũng như cách thức chúng ta tiến hành các hoạt động kinh tế, thương mại trên toàn cầu. Công nghệ thông tin và truyền thông cũng mang đến những giải pháp mới cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, cải thiện việc chăm sóc sức khỏe cho con người, cải tiến giáo dục, ủng hộ sự tự chủ của phụ nữ và nhóm người dễ bị tổn thương. Chính vì vậy, công nghệ thông tin và truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện Chương trình nghị sự phát triển bền vững 2030 cũng như việc triển khai Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu."

Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh hơn bao giờ hết, con người đang có cơ hội tăng cường giao lưu, trao đổi thông tin nhờ sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông. Nhưng cộng đồng thế giới vẫn còn nhiều việc phải làm để thu hẹp khoảng cách cho phép mỗi cá nhân có thể tận dụng tối đa sự phát triển của công nghệ thông tin vì mục tiêu phát triển bản thân.

Cộng đồng quốc tế cần đảm bảo cho mỗi cá nhân được tiếp cận thuận lợi và tự do với thông tin. Ông cũng kêu gọi những đại biểu tham dự Diễn đàn Hội nghị thượng đỉnh thế giới về xã hội thông tin tiếp tục theo đuổi những nỗ lực nhằm đảm bảo sự tiếp cận thuận lợi của mỗi cá nhân đối với xã hội thông tin đang ngày càng rộng mở.

Diễn đàn dành hai ngày 3 và 4/5 cho các Bộ trưởng và các quan chức cấp cao, lãnh đạo doanh nghiệp và các tổ chức xã hội, với các phiên đối thoại, hội nghị bàn tròn nhằm giúp các bên chia sẻ, trao đổi thông tin.

Tại phiên họp về "Thu hẹp khoảng cách số," Thứ trưởng Phạm Hồng Hải đã phát biểu, giới thiệu chính sách, phương án triển khai mà Việt Nam đã thực hiện những năm qua nhằm thu hẹp khoảng cách số giữa các vùng nông thôn và thành thị, người giàu và người nghèo. Việt Nam đã phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông một cách rộng rãi, giảm giá cước di dộng, nhằm tạo điều kiện cho người thu nhập thấp dễ dàng tiếp cận mạng thông tin.

Thứ trưởng Phạm Hồng Hải cũng chia sẻ những khó khăn, thách thức mà Việt Nam và các nước đang phát triển nói chung gặp phải như hạ tầng cơ sở yếu kém, cần nhiều vốn để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông trong khi nguồn tài chính lại bị hạn chế. Từ đó, Việt Nam kêu gọi các tổ chức quốc tế, các nước quan tâm hỗ trợ để Việt Nam có thể xây dựng thành công hạ tầng cơ sở chung cho phép kết nối giữa các dân tộc, cộng đồng trên toàn thế giới.

Diễn đàn Hội nghị thượng đỉnh thế giới về xã hội thông tin được Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đứng ra tổ chức.