Ngày 3/12, tại Hà Nội diễn ra Hội thảo Quốc tế về CNTT năm 2015 với chủ đề “Việt Nam: Khai phá tiềm năng CNTT - Tạo sức bật mới cho tăng trưởng và phát triển”

Hội thảo Quốc tế về CNTT năm 2015 với hai nội dung đó là CNTT tác động đến tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội và giới thiệu kết quả khảo sát mức độ sẵn sàng phát triển thành phố thông minh cho 10 thành phố mức trung bình của Việt Nam.

Hội thảo là một nỗ lực tổ chức chung của Hội Tin học Việt Nam và Trường Chính sách công Lý Quang Diệu nhằm trao đổi và thảo luận về vai trò quan trọng của CNTT trong sản xuất và phát triển.

Tại Hội thảo kết quả của Chương trình nghiên cứu xây dựng Chỉ số Thành phố Thông minh cho 10 thành phố của Việt Nam được công bố và thảo luận. Ngoài ra theo chủ đề còn có các tham luận của các chuyên gia quốc tế, các viện nghiên cứu, và các chuyên gia khác dẫn các thảo luận về quy mô cụ thể của sự phát triển CNTT-TT để nâng cao hiệu quả tới phát triển kinh tế xã hội. Hội thảo kết thúc bằng lễ trao chứng nhận 10 thành phố tại Việt Nam 2015 theo tiêu chí "thành phố Thông minh" theo kết quả nghiên cứu bước đầu về mức độ sẵn sàng cho phát triển thành phố phố thông minh.

Tọa đàm "Chiến lược và nỗ lực của Việt Nam trong ứng dụng CNTT-TT để xây dựng nền quản trị tốt, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cải thiện chất lượng cuộc sống" do ông Trương Gia Bình và ông Vũ Minh Khương điều phối. Ảnh: Lê Loan

Trong những năm đổi mới vừa qua, Việt Nam đã có bước tiến vượt bậc trong đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng và thúc đẩy ứng dụng CNTT-TT. Để khai thác tiềm năng triệt để của CNTT-TT cho đẩy nhanh công cuộc tăng trưởng và phát triển kinh tế, Việt Nam cần đặc biệt chú trọng nâng cấp ba trụ cột nền tảng: Tầm nhìn chiến lược, khả năng và ý thức hiệp đồng phối thuộc, và năng lực học hỏi kinh nghiệm quốc tế. Việt Nam cũng cần đặc biệt ưu tiên các lĩnh vực ứng dụng CNTT-TT có khả năng tạo nên những đổi thay đột biến. Đó là, chính phủ điện tử, thành phố thông minh, giáo dục và y tế thông minh, thương mại điện tử, Internet of Things và công nghiệp thế hệ 4.0.

Ông Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Công nghệ Thông tin cho biết: "CNTT là 1 trong những động lực quan trọng nhất của sự phát triển, cùng với 1 số ngành công nghệ cao khác, CNTT đang làm biến đổi sâu sắc đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội. Hơn 15 năm qua, kể từ khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 58 về đẩy mạnh ứng dụng CNTT, phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH, ngành CNTT nước ta đã có bước phát triển vượt bậc. CNTT không chỉ là một ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng đóng góp chi phí cao cho quốc gia, mà thực sự đã trở thành một ngành hạ tầng quan trọng cho cả nước. CNTT ngày nay gắn kết chặt chẽ trong mọi lĩnh vực KT-XH, góp phần cải thiện kinh tế-xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ các ngành, các địa phương, nâng cao năng lực cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp, đóng góp tích cực trong việc cung cấp thông tin, phục vụ người thân, giảm thiểu khoảng cách phát triển giữa thành thị - nông thông - vùng sâu, vùng xa".

Ông Ecuardo Araral, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công Lý Quang Diệu phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Lê Loan.
Ông Ecuardo Araral, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công Lý Quang Diệu chia sẻ: "56 năm trước đây, Nguyên Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu có chuyến ghé thăm Hà Nội. Ông nói rằng ông lo Singapore trong thời gian tới vì Việt Nam có thể vượt qua Singapore do nhân lực của người Việt rất khác so với Singapore. Họ có động lực mưu sinh cao, rất chăm chỉ. Người Việt Nam luôn muốn tự thành lập doanh nghiệp, tự kiếm tiền. Trong thời gian ngắn, Việt Nam có thể rất thành công. Riêng cá nhân tôi đánh giá Việt Nam rất năng động, nhiều nhân lực để thành công. Việt Nam rất có tiềm năng phát triển".

Để tìm hiểu mức độ sẵn sàng của các thành phố đang phát triển của Việt Nam, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu đã hợp tác với Tập đoàn Microsoft và Hội Tin Học Việt Nam đã tiến hành khảo sảt nghiên cứu 10 thành phổ bao gồm Biên Hòa, Đà Lạt, Hạ Long, Hà Tĩnh, Huế, Lao Cai, Mỹ Tho, Nha Trang, Thanh Hóa, Vinh. Nội dung nghiên cứu đi sâu vào năm hành phần cấu thành của thành phố thông minh: Quản trị thông minh, nền kinh tế thông minh, phát triển nguồn nhân lực thông minh, hạ tầng cơ sở thông minh, và phát triển bền vững.

Cuộc khảo sát cho thấy cả 10 thành phố đều có chuyển biển đáng kể về nhiều mặt trong trong quản lý và phát triển thành phố, đặc biệt là nâng cấp hạ tầng CNTT và phát triển kinh tế tư nhân. Các thành phố đều có thuận lợi là người dân có ý thức cao trong đầu tư vào giáo dục cho con cái và ủng hộ chính sách cải cách mở cửa của chính phủ. Tuy nhiên hầu như tất cả các thành phố đều gặp nan giải về tai nạn giao thông, kiểm soát tham nhũng, và ngăn chặn tội phạm và tệ nạn xã hội.

Điều đáng lưu ý là, trong các ưu tiên hang đầu cho phát triển thành phố thông mình, kết quả khảo sát cho thấy người dân thấy nâng cấp năng lực bộ máy quản lý nhà nước cấp thiết hơn thu hút đầu tư nước ngoài; minh bạch hoạt động chính phủ còn quan trọng hơn cung cấp dịch vụ chính phủ trực tuyến; trao thêm quyền dân chủ cho người dân cấp thiết hơn trồng cây xanh và cải thiện môi trường ; chống tham nhũng bức thiết hơn cả việc chống tội phạm và tệ nạn xã hội.