Sáng 27/9, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam (VAST) và Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp KH&CN Việt Nam (VFS) đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược nhằm hỗ trợ kết nối các nhà đầu tư và các nhà khoa học, hướng đến thương mại hóa các nghiên cứu khoa học.

Theo đó, hai bên sẽ cùng nhau hỗ trợ các dự án nghiên cứu khoa học gia tăng giá trị, giúp các nhà khoa học tiếp cận nguồn vốn đầu tư để mở rộng quy mô, phát triển sản phẩm mới tại các doanh nghiệp và địa phương, thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu khoa học tại thị trường trong nước và quốc tế.

PGS-TS Phan Văn Kiệm - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam - khẳng định: "Việc ký kết hợp tác giữa hai đơn vị nhằm đưa nhanh các kết quả nghiên cứu khoa học đi vào cuộc sống. Đặc biệt, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam hướng đến tạo ra các sản phẩm thông minh, trí tuệ, có hàm lượng KH&CN cao, với công nghệ mới, trình độ cao, hướng đến phục vụ phát triển bền vững đất nước".

Ông Kiệm tin tưởng việc hợp tác với Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp KH&CN Việt Nam sẽ giúp các nhà khoa học của viện có nhiều cơ hội và nhiều thành công hơn trong việc đóng góp trí tuệ của mình vào phục vụ phát triển đất nước.

Nói về tầm quan trọng của công nghệ trong sự tăng trưởng của doanh nghiệp, ông Phạm Duy Hiếu - Tổng Giám đốc Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp KH&CN Việt Nam - cho rằng, bức tranh khởi nghiệp rất cần miếng ghép về công nghệ. Nếu như không có công nghệ thì các sản phẩm của doanh nghiệp không có sức mạnh, không giúp giải quyết vấn đề một cách hiệu quả.

"Trong đó, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam là một miếng ghép rất quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam. Nếu như các nhà khoa học ở đây có thể hợp lực với các bạn trẻ khởi nghiệp hay họ tự khởi nghiệp, chúng ta sẽ có hệ sinh thái rất bền vững trong tương lai" - ông Hiếu nói.

Đại diện Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp KH&CN Việt Nam (VFS) đã ký kết thỏa thuận hợp tác.

"Chúng tôi cùng với Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp KH&CN Việt Nam sẽ mang đến các giải pháp công nghệ trên tất cả các lĩnh vực mà doanh nghiệp của Việt Nam đang có nhu cầu đổi mới. Sự hợp tác này cũng không giới hạn trong một lĩnh vực công nghệ nào, mà tất cả các nhà khoa học có thể tham gia", ông Hà Quý Quỳnh – Trưởng Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ, Viện Hàn Lâm KH&CN Việt Nam - chia sẻ.

Ông Quỳnh cũng tiết lộ, trước khi ký kết này diễn ra, các doanh nghiệp cũng đã tìm hiểu các lĩnh vực của Viện và có hai lĩnh vực đã được lựa chọn đầu tư. Thứ nhất là sử dụng công nghệ sinh học - trồng dược phẩm theo quy trình công nghệ chuẩn để thu được dược phẩm có chất lượng cao. Thứ hai là công nghệ bào chế dược phẩm, dựa vào kết quả của dự án trên để sản xuất ra các loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, từ đó các doanh nghiệp có thể giới thiệu sản phẩm ra thị trường quốc tế.

Theo ông Quỳnh, thời gian tới, các lĩnh vực như công nghệ thông tin, sử dụng công nghệ nano trong nâng cao chất lượng sản phẩm y học truyền thống, ứng dụng công nghệ plasma, công nghệ chiếu sáng để đưa ra các sản phẩm có trình độ công nghệ cao... sẽ được thị trường công nghệ săn đón.